Viêm khớp là một dạng rối loạn tại khớp được đặc trưng bởi hiện tượng viêm. Viêm khớp thông thường được hiểu là viêm một hay nhiều khớp. Viêm khớp thường có kèm triệu chứng đau khớp.

dinhduonghoc.com - Viêm khớp là gì?

Các loại viêm khớp

Có nhiều dạng viêm khớp khác nhau (trên 100 dạng). Các dạng viêm khớp có thể có liên quan đến hiện tượng "mòn và rách" sụn khớp (VD viêm xương khớp) hoặc hiện tượng đáp ứng miễn dịch quá mức (VD viêm khớp dạng thấp)

 

Cách giảm đau khi bị viêm khớp

Để điều trị bệnh viêm khớp đòi hỏi bạn phải có lòng kiên trì, nhưng trước hết bạn nên áp dụng những cách dưới đây để làm giảm cảm giác đau đớn khi bị bệnh viêm khớp hoành hành.
 
"Thủ phạm" gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân gây viêm khớp và xét về góc độ y học thì cũng có đến hơn 100 dạng viêm khớp, tuy nhiên dưới đây là những nguyên nhân chính:

- Tuổi tác: Tuổi tác tỉ lệ thuận với nguy cơ mắc bệnh thấp khớp. Theo thống kê có khoảng ½ số người từ 65 tuổi mắc bệnh viêm khớp, trong khi đó chỉ có 1 trong 250 trẻ em bị bệnh này.

- Di truyền: Bạn sẽ dễ có nguy cơ mắc phải chứng viêm khớp nếu trước đó trong gia đình bạn đã từng cơ người bị mắc bệnh này.

- Giới tính: Các thống kê đã chỉ ra rằng nam giới có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn nữ giới, trong khi đó nữ giới lại dễ mắc bệnh viêm khớp hơn nam giới.

- Hút thuốc lá: Các nghiên cứu đã xác nhận mối liên quan trực tiếp giữa hút thuốc và bệnh viêm khớp. Nếu bạn có cha mẹ hoặc họ hàng mắc bệnh viêm khớp thì nên ngừng hút thuốc ngay để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Các nghiên cứu tại Thụy Điển cho thấy những người hút thuốc làm tăng 21% nguy cơ mắc viêm khớp.

- Do đặc điểm của công việc.

- Chế độ ăn uống: Cơ thể thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp vì thế cần điều chỉnh cân nặng hợp lý.

Việc sử dụng thực phẩm giàu chất béo bão hoà, thiếu chất chống ôxy hóa, các vitamin và chất khoáng cần thiết làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Giảm đau

Glucozamin: Lâu nay Glucozamin vẫn được biết đến như một loại "biệt dược" có tác dụng làm giảm cảm giác đau đớn do viêm khớp. Glucozamin là một dạng hợp chất được sinh ra nhờ quá trình kết hợp giữa đường và glutamin trong cơ thể.

Thành phần Glucozamin đã có sẵn trong cơ thể của mỗi người, tuy nhiên, khi tuổi tác của bạn tăng lên tỷ lệ thuận với việc giảm khả năng sản sinh ra glucozamin.

Vì thế bạn có thể làm tăng hàm lượng glucozamin trong cơ thể bằng cách ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa hàm lượng lớn glucozamin như tôm, các đồ ăn hải sản, cá hoặc có thể bổ sung qua loại viên nén (về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ chuyên khoa).

Omega - 3 axit: Là một loại chất béo cực kỳ có lợi cho sức khoẻ mà cơ thể không có khả năng tự tổng hợp, phải thu nạp từ các loại thực phẩm.

Việc bổ sung những tế bào axit béo vào trong những lớp sụn trong cơ thể sẽ có tác dụng giúp giảm sưng phồng ở các khớp. Chính vì thế, loại axit béo này cũng được ví như "người bảo vệ" chống lại quá trình thoái hoá sụn.

Bạn có thể dễ dàng thu nạp được hàm lượng axit béo này từ các loại cá (lưu ý là các loại cá không nhiễm thuỷ ngân và sống trong môi trường nước sạch không bị ô nhiễm), các loại hạt như vừng, hạt lanh, quả óc chó.

Tỏi: Các chuyên gia khuyên những người bị viêm khớp đừng quên ăn khoảng từ 1 -2 thìa tỏi mỗi ngày để giảm cảm giác đau đớn. Bạn không nhất thiết phải ăn sống chúng, mà bạn chỉ cần thêm chúng vào những món ăn thường ngày một cách thích hợp.

Áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải: Bệnh nhân mắc chứng viêm khớp nên áp dụng chế độ ăn uống Địa Trung Hải. Chế độ ăn uống Địa Trung Hải là chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hoá từ các loại rau xanh, trái cây, các loại thực phẩm giàu omega -3 axit.

Nước cốt chanh + mật ong: Trộn 2 thìa nước cốt chanh với 1 thìa mật ong và thêm một ít nước ấm, dùng để uống cũng là một trong những biện pháp hiệu quả "khống chế" chứng viêm khớp.

Bổ sung vitamin E: Việc bổ sung vitamin E cũng sẽ đem lại hiệu quả trong việc bảo vệ và giảm cảm giác đau đớn do chứng viêm khớp.

Hạn chế các loại đồ uống có cồn và caphein: Nếu bạn bị mắc chứng viêm khớp bạn cần nên nhớ hãy tránh xa các loại đồ uống có chứa nhiều cồn và caphein như rượu, cà phê, trà, coca, sô cô la, đường trắng, sữa chua, bởi chúng đều là những loại thức ăn, đồ uống gây hại cho bệnh nhân viêm khớp.

"Khống chế" cân nặng: Bạn nên hạn chế các loại món ăn nhiều mỡ, nhiều calo, vì tăng cân gây nên những bất lợi với người viêm khớp, nó sẽ khiến cho các khớp dễ bị sưng hơn và tăng cảm giác đau đớn.

Luyện tập: Thật sai lầm, nếu bạn cho rằng, khi các cơn đau hoành hành, bạn nên ở trong trạng thái bất động hơn là vận động hay di chuyển, bởi điều đó sẽ khiến bạn phải chịu đựng cảm giác đau đớn nhiều hơn.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các bài tập aerobic hay các bài tập có liên quan đến sức bền được thực hiện vào đúng lúc cơn đau xuất hiện, sẽ nhanh chóng giúp loại bỏ cảm giác đau đớn. Có thể sử dụng thuốc giảm đau paracetamol nhưng cần phải uống thuốc trước khi thực hiện các bài luyện tập.Việc lựa chọn hình thức luyện tập phải phù hợp với sức khỏe của chính bạn. Ví như các động tác nhẹ nhàng có tác dụng thư giãn các khớp, tránh tình trạng để cho các khớp bị ỳ, ít hoạt động.

Bạn có thể đi bơi vì đây sẽ là cơ hội tốt để các khớp được thả lỏng và tứ chi hoạt động. Ngoài ra, chỉ đơn giản bằng việc tắm nước ấm cũng giúp bạn khắc phục được tình hình. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhờ đến sự giúp đỡ từ phía các nhà vật lý trị liệu để thực hiện các bài tập “chống lại” các cơn đau khớp.

Châm cứu: Châm cứu đặc biệt đem lại những hiệu quả đối với chứng viêm khớp mãn tính, hay những chứng bệnh viêm đau mãn tính khác.

Bổ sung Vitamin D: Hàm lượng vitamin D trong máu ở mức thấp sẽ khiến cho khớp bị đau và có nguy cơ làm tăng viêm khớp mãn tính. Vậy nên tăng cường vitamin D qua chế độ ăn uống và uống viên nén sẽ có tác dụng giảm đau lâu dài.
 

Điều trị viêm khớp

Việc điều trị viêm khớp tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây nên viêm khớp, độ nặng và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Tuổi tác và nghề nghiệp cũng là những khía cạnh cần được xem xét để bác sĩ có thể đưa ra những kế hoạch điều trị phù hợp.
 
Nếu có thể, việc điều trị sẽ tập trung vào việc loại bỏ những nguyên nhân gây viêm khớp. Tuy nhiên nếu các nguyên nhân này không thể được chữa khỏi (VD như trường hợp viêm xương khớp hay viêm khớp dạng thấp) thì việc điều trị sẽ hướng đến mục tiêu làm giảm đi các triệu chứng của viêm khớp, ngăn chặn những tổn thương khớp không hồi phục hay tàn phế và mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân.

Có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng của viêm xương khớp và các dạng viêm khớp mạn tính khác mà không cần dùng thuốc. Thực tế, việc thay đổi lối sống mà không cần dùng thuốc là phương pháp điều trị được ưa chuộng đối với bệnh viêm xương khớp và các dạng viêm khớp khác. Khi cần thiết thì có thể sử dụng thuốc cùng với việc thay đổi lối sống.

- Tập thể dục: Đối với viêm khớp thì tập thể dục là cần thiết để duy trì khớp khỏe mạnh, giảm đau, giảm hiện tượng cứng khớp, cải thiện sức mạnh của cơ và xương. Mỗi cá nhân cần được thiết kế chương trình tập riêng bởi bác sĩ vật lý trị liệu, bao gồm: các bài tập vận động về độ mềm dẻo, tăng trương lực cơ, các bài tập về sức bền.

Các nhà vật lý trị liệu cũng có thể áp dụng những liệu pháp nóng, lạnh khi cần thiết và có thể cố định bạn bằng những thanh nẹp hay các thiết bị chỉnh hình khác để giúp nâng đỡ và điều chỉnh khớp. Điều này đặc biệt cần thiết đối với viêm khớp dạng thấp. Các nhà vật lý trị liệu cũng có thể áp dụng các liệu pháp bằng nước, mát-xa bằng nước đá, hoặc kích thích các dây thần kinh qua da.

- Nghỉ ngơi: cũng quan trọng như tập thể dục. Nên ngủ 8 - 10 tiếng mỗi đêm và ngủ trưa.

- Có thể áp dụng các biện pháp khác:

+ Uống glucosamine và chondroitin: Đây là những chất giúp tạo sụn khớp, một lớp chất đệm của mặt khớp. Một số công trình nghiên cứu cho thấy những chất này có thể làm giảm các triệu chứng của viêm xương khớp, một số nghiên cứu khác thì không. Tuy nhiên, những chất này thì an toàn và có thể sử dụng thử. Nhiều bệnh nhân nhận thấy các triệu chứng của họ được cải thiện.

+ Ăn chế độ ăn nhiều vitamin và khoáng chất đặc biệt là những chất chống ôxy hóa như vitamin E. Các chất này có trong rau và trái cây.

- Điều trị bằng thuốc

Các thuốc không cần toa của bác sĩ, bao gồm:


+ Acetaminophen (Tylenol): Thuốc này có thể làm giảm các triệu chứng mà không gây nhiều tác dụng phụ như các thuốc kê toa. Không được uống vượt quá liều khuyến cáo của acetaminophen hoặc uống thuốc khi uống nhiều rượu vì có thể làm tổn thương gan.

+ Aspirin, ibuprofen, hay naproxen: Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) này thường có hiệu quả trong việc điều trị đau do viêm khớp. Tuy nhiên chúng cũng có thể có những nguy cơ, đặc biệt là khi sử dụng lâu dài. Không nên tự ý sử dụng các thuốc này nếu không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Các tác dụng phụ có thể bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ (tai biến mạch máu não), loét dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa, và tổn thương thận. Nếu bạn có tiền sử bệnh gan, bệnh thận, xuất huyết tiêu hóa thì không nên sử dụng các thuốc này trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Các thuốc kê toa bao gồm:

- Nhóm thuốc ức chế men cyclooxygenase-2 (Ức chế COX-2): Nhóm thuốc này ức chế men thúc đẩy quá trình viêm có tên là cyclooxygenase-2 (COX-2). Nhóm thuốc này được cho rằng có hiệu quả như nhóm thuốc kháng viêm không steroid nhưng ít tác dụng phụ trên dạ dày hơn, nhưng có nhiều báo cáo ghi nhận các tác dụng phụ của nhóm này về nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

- Corticosteroid (Steroid): Các thuốc nhóm này có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch và các triệu chứng viêm. Thông thường, chúng được sử dụng trong các trường hợp nặng của viêm khớp dạng thấp qua đường uống hoặc tiêm chích. Các thuốc kháng viêm steroid này được sử dụng để điều trị các dạng viêm khớp tự miễn nhưng tránh sử dụng trong các trường hợp viêm khớp nhiễm trùng. Nhóm thuốc này có nhiều tác dụng phụ, bao gồm kích thích dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, cao huyết áp, loãng xương, đục thủy tinh thể ở mắt, nhiễm trùng nặng lên. Các nguy cơ càng tăng lên nếu sử dụng lâu dài và liều cao. Việc điều trị với những thuốc này cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

- Các thuốc chống bệnh thấp: Nhóm thuốc này được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp và các dạng viêm khớp tự miễn khác. Các thuốc nhóm này bao gồm penicillamine, sulfasalazine và hydroxychloroquine. Gần đây, methotrexate đã được nhận thấy là có khả năng làm chậm tiến triển của viêm khớp dạng thấp và cải thiện chất lượng cuộc sống. Methotrexate có độc tính cao, do đó cần phải xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra.

- Các chế phẩm sinh học: Đây là những tiến bộ mới nhất trong việc điều trị viêm khớp dạng thấp, bao gồm etanercept (Enbrel), infliximab (Remicade) và adalimumab (Humira) qua đường chích có thể cải thiện ngoạn mục chất lượng cuộc sống. Các chế phẩm sinh học mới bao gồm Orencia (abatacept) và Rituxan (rituximab).

- Nhóm thuốc ức chế miễn dịch: Các thuốc này giống như azathioprine hoặc cyclophosphamide được sử dụng trong những trường hợp viêm khớp dạng thấp nặng mà các thuốc khác thất bại.

Điều rất quan trọng là những dạng viêm khớp khác nhau do nhiều nguyên nhân khác nhau và do đó sẽ có những cách thức điều trị riêng biệt. Không được tự ý dùng thuốc mà phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Phẫu thuật và những cách tiếp cận điều trị khác

Trong một số trường hợp, việc tiến hành phẩu thuật để tái tạo hoặc thay thế khớp mới (VD thay thế toàn bộ khớp gối) có thể giúp bệnh nhân duy trì cuộc sống bình thường hơn. Quyết định phẩu thuật thay thế khớp chỉ được thực hiện khi các biện pháp điều trị khác như thay đổi lối sống và dùng thuốc không còn hiệu quả nữa.

Khớp bình thường có chứa chất bôi trơn bên trong được gọi là hoạt dịch (dịch khớp). Trong viêm khớp thì hoạt dịch không được sản xuất đầy đủ. Bác sĩ có thể tiêm vào trong khớp một loại dịch khớp nhân tạo trong một số trường hợp. Loại dịch tổng hợp này giúp trì hoãn nhu cầu phẩu thuật ít nhất là tạm thời và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân viêm khớp.

Tiên lượng của viêm khớp

Hầu hết viêm khớp là bệnh lý diễn tiến mạn tính, do đó mục tiêu điều trị là kiểm soát triệu chứng đau khớp và giảm thiểu tổn thương khớp.

Khi nào cần đến bác sĩ?

Cần đến bác sĩ để được thăm khám khi:

- Đau khớp kéo dài trên 3 ngày
- Đau khớp rất nặng không rõ lý do
- Sưng khớp
- Khớp bị giới hạn cử động
- Da vùng xung quanh khớp bị đỏ và nóng khi sờ
- Sốt hoặc sụt cân
 

Một số hội chứng do thuốc điều trị viêm khớp

Thuốc dùng điều trị các bệnh viêm khớp, chủ yếu là viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis) và viêm khớp thoái hóa (Osteoarthritis), có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, bệnh nhân viêm khớp cần có sự hiểu biết nhất định về một số loại thuốc thường dùng, đồng thời hợp tác chặt chẽ với bác sĩ để được tư vấn kịp thời khi cần thiết.
 
Đề phòng phản ứng phụ của thuốc

Tác dụng phụ là các phản ứng bất lợi xảy ra trên người bệnh khi dùng thuốc đúng liều lượng. Trước khi đưa vào sử dụng, tất cả các loại thuốc đều được thử nghiệm nghiêm ngặt. Tác dụng chữa bệnh sẽ được so sánh với những tác dụng có hại để từ đó bác sĩ sẽ có chỉ định hợp lý cho việc dùng thuốc.
Mặc dù vậy, vẫn có những phản ứng phụ không phổ biến, (chỉ xảy ra ở 1-2/1.000 người dùng thuốc), cũng như các triệu chứng xuất hiện sau một thời gian dùng thuốc kéo dài và không được nhắc đến trong đơn thuốc. Mặt khác, các tác dụng chữa bệnh của mỗi loại thuốc cũng thường giảm đi cùng với thời gian.
Một số phản ứng có hại của thuốc rất dễ được phát hiện như: Dị ứng thuốc (tăng nhiệt độ, mẩn ngứa, nổi mề đay, nhức đầu, nôn mửa) hoặc shock phản vệ (ngứa toàn bộ cơ thể, nhất là ở bàn tay và bàn chân, phù ở mắt như bị bỏng nặng, phù cuống họng, khó thở, chóng mặt, tụt huyết áp và có thể ngất xỉu).
Hiện tượng không dung nạp thuốc có thể xảy ra ở khoảng 25% bệnh nhân. Hệ miễn dịch không có vai trò trong loại phản ứng này. Đau bụng, nôn mửa, đau cơ, chóng mặt, buồn ngủ, tiêu chảy có thể là biểu hiện của tình trạng không dung nạp thuốc. Giảm liều thuốc hoặc dùng thuốc sau bữa ăn đôi khi làm thuốc dễ dung nạp hơn.

Một số hội chứng do thuốc điều trị

Ngộ độc thuốc khi điều trị các bệnh khớp có thể từ nhẹ đến nặng, có thể phục hồi hoặc không phục hồi được. Thường những xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng sẽ giúp chúng ta phát hiện sớm các biểu hiện nhiễm độc như: Cao huyết áp, loét và chảy máu đường tiêu hóa, hạ đường huyết, tổn thương hoàng điểm, tổn thương gan, thận, rối loạn về chuyển hóa và nội tiết, suy tủy dẫn đến giảm các tế bào máu... Bệnh nhân phải dừng thuốc ngay lập tức khi có các biểu hiện ngộ độc trên.
Ngoài các biến chứng thông thường vừa kể, một số hội chứng không điển hình dưới đây cũng cần được chú ý khi điều trị viêm khớp:

1. Các biểu hiện viêm khớp gia tăng: Bệnh nhân cảm thấy đau hơn, sưng hơn cùng với cứng khớp. Ban đầu có thể xuất hiện các phản ứng theo xu hướng xấu do thuốc bắt đầu tác dụng. Nếu sau một ngày, các biểu hiện này không được cải thiện và tiếp tục phát triển thì rất có thể thuốc đã không có tác dụng, cần phải thay thế thuốc hoặc điều chỉnh lại liều dùng.

2. Tăng nhiệt độ: Nếu nhiệt độ tăng không đáng kể (dưới 380C), đó có thể là biểu hiện bình thường của phản ứng viêm khớp, nhưng nếu nhiệt độ tăng hơn nhiều (trên 380C), phải nghĩ đến khả năng về một bệnh nhiễm trùng. Nhiều thuốc trị viêm khớp đã làm suy giảm hệ miễn dịch cũng như giảm thiểu tuần hoàn và làm tăng một cách đáng kể nguy cơ mắc các bệnh do vi trùng và siêu vi trùng. Các thuốc chính gây suy giảm hệ miễn dịch là: Methotrexate, Immuran, Remicade, Infliximab, Enbrel, Cyclosporine, Cytoxan. Phát hiện và điều trị kịp thời các biểu hiện nhiễm trùng sẽ giúp giảm bớt những biến chứng nặng có thể xảy ra.

3. Tê hoặc cảm giác kiến bò: Các phản ứng này có thể xảy ra vì sự đè nén vào các dây thần kinh do phù, viêm, cũng có thể là do thoái hóa dây thần kinh (neuropathy), viêm và tổn thương mạch máu. Ngoài ra, độc tính của một số thuốc kháng viêm cũng như thuốc làm suy giảm miễn dịch có thể làm tổn hại hệ thần kinh ngoại vi và gây ra cảm giác tê hoặc kiến bò. Bệnh nhân cần phải báo ngay với bác sĩ những biểu hiện này để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.

4. Mẩn đỏ: Rất hiếm khi do các bệnh khớp gây ra, nguyên nhân của triệu chứng này thường là do các thuốc: Solganal, Myochrysine - các thuốc có gốc vàng; (Rheumatrex, Trexall) - Methoratrexate; (Arava) - Lefluenomide và (Plaquenill) - Hydroxychloroquine.

5. Đỏ mắt: Có thể do nhiễm trùng mắt. Nếu kèm theo đau nhức nặng cần nghĩ ngay đến bệnh viêm các mạch máu.

6. Không phân biệt được màu đỏ và xanh lá cây: Thường do Plaquenil làm tổn hại võng mạc gây ra. Bệnh nhân phải báo với bác sĩ và dừng thuốc ngay.

7. Buồn nôn: Hầu hết các thuốc trị viêm khớp đều có thể gây nên cảm giác rất khó chịu này, đặc biệt là Ibuprofen, Naproxen và một số thuốc kháng viêm giảm đau khác như: Azathiprine - (Immuran), Prednisolone, Methotrexate.

8. Ho và đau ngực: Viêm các khớp liên sườn có thể gây đau ngực. Tuy nhiên cũng cần được khám để loại trừ khả năng có bệnh về tim và phổi. Như đã trình bày, do tác dụng giảm miễn dịch của thuốc điều trị viêm khớp, khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp có thể xảy ra và phải được điều trị bằng kháng sinh kịp thời. Methotrexate có thể gây viêm phổi do làm tổn thương mô và mạch máu, biểu hiện đầu tiên là ho kéo dài. Các thuốc kháng viêm cũng thường gây ợ acid và đau rát ở lồng ngực.
 
Trên đây là một số dấu hiệu chính của các phản ứng do thuốc điều trị các bệnh viêm khớp gây ra. Thuốc như con dao hai lưỡi, có thể gây ra bệnh tật, thậm chí là tử vong nếu không được dùng đúng và không có bác sĩ theo dõi. Bệnh nhân cũng như thầy thuốc cần luôn cảnh giác để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng nhằm ngăn chặn những hậu quả nặng nề, dùng thêm thuốc khi cần thiết.