Trẻ em lo lắng nhiều, stress, căng thẳng, thiếu ngủ hay giấc ngủ bị đảo lộn đều có nguy cơ bị bệnh mộng du.

dinhduonghoc.com - Bệnh mộng du ở trẻ và cách khắc phục

Sinh lý bệnh mộng du

Mộng du thường xuất hiện trong suốt giai đoạn 3-4 của giấc ngủ, hay giấc ngủ sâu. Giai đoạn này tương ứng với 1/3 đầu của chu kỳ ngủ ( 2 gờ đầu sau khi ngủ).

Trẻ mộng du có bất thường trong việc điều hoà sóng ngắn ( trên điện não đồ). Sự điều hoà này có liên quan đến hệ thống đồi thị - vỏ não, gây ra liệt cơ tự nhiên trong khi ngủ. 

Vì vậy, hàng loạt sự kiện về vận động phức tạp có thể can thiệp vào mà đối tượng không hề hay biết. Mộng du không nguy hiểm, nhưng những hành vi vô thức có thể gây ra nguy hiểm.

Triệu chứng

 Mộng du thường gặp ở bé trai từ 7-12 tuổi, và thường biến mất khi trẻ dậy thì. Khi trẻ đi lại trong đêm, chúng thường đi tiểu ở những nơi không đúng qui định, nói tục mà trong trường hợp thông thường hàng ngày không có.

- Mộng du đơn giản: Người ta chia 2 trường hợp hành vi. Trường hợp thứ nhất, trẻ em ngồi ngay trên giường vừa nói vừa có những động tác quờ quạng, thỉnh thoảng lại nói. Trường hợp thứ 2, trẻ mộng du đứng dậy đi quanh quẩn trong phòng sau đó lại quay về giường ngủ tiếp. Trẻ mộng du vẫn mở mắt, và cái nhìn của bé thẫn thờ. Nếu có ai đó nói chuyện bé có thể trả lời chính xác, thậm chí có thể làm theo lệnh. Nhưng trẻ mộng du rất dễ bị kích thích, càu nhàu nếu chúng ta hỏi quá lâu. Đôi khi trẻ có thể làm những hành động như di chuyển đồ vật, bước xuống cầu thang, làm bể kính, lục tìm trong tủ lạnh, ăn uống... hay đi tiểu tiện ở một gốc nào đó. Loại mộng du này không nguy hiểm, diễn ra tối đa một lần mỗi tháng, kéo dài trong 10 phút. Mộng du có xu hướng biến mất trong vài tháng hoặc đến tuổi dậy thì.

- Mộng du có nguy cơ: Đây là dạng nặng hơn của mộng du đơn giản. Mộng du kéo dài hơn 10 phút và lặp đi lặp lại 2 – 3 lần/tuần. Trẻ mộng du có những hành động nguy hiểm: có thể tự gây tổn thương cho chính bản thân trẻ và những người xung quanh, có thể bị té ngã và có ý định trèo qua cửa sổ.

- Mộng du khiếp sợ: Những cơn đầu tiên của trẻmộng du loại này có thể xuất hiện trước 6 tuổi hoặc sau 10 tuổi và kéo dài đến lứa tuổi dậy thì. Cơn khởi phát rất sớm sau khi ngủ. Ở trẻ em nhảy qua cửa sổ cao gấp 2 lần khi trong cơn mộng du. Trẻ mộng du trong trạng thái vô thức và trong trạng thái khiếp sợ, có thể nằm tại chỗ không đi, hét rống lên trong đêm, nhịp tim tăng, nhịp thở tăng và hoạt động của cơ cũng tăng. Vỏ não của trẻ cũng đang trong giấc ngủ chậm và sâu, mộng du có thể xảy ra nhiều lần trong đêm.

Điều trị

Loại bỏ nguyên nhân gây ra căng thẳng, thiếu ngủ, stress, tránh bạo lực cho trẻ vào buổi tối. Giúp trẻ ngủ đúng giờ điều độ, môi trường ngủ thích hợp. Nên cho trẻ ngủ ở tầng trệt, đóng cửa sổ phòng khi ngủ.

Nếu trẻ xảy ra  nhiều cơn mộng du trong thời gian ngắn thì phải đưa ngay đến các bác sĩ chuyên khoa thần kinh và tâm lý để được điều trị kịp thời, tránh những hậu quả về sau. 

 

Giải cứu trẻ mộng du

Khi phát hiện trẻ bị mộng du, nếu cha mẹ xử lý không khéo có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm...

Cô con gái 5 tuổi khiến cả tôi và chồng hú vía khi một đêm đang ngủ cháu bỗng bật ngồi dậy, nói làu bàu rồi tụt xuống giường đi vào nhà tắm.

Ngớ người ra mất mấy giây và biết con đang bị mộng du, tôi và chồng ‘nhanh như cắt’ đi theo cháu, rồi tôi nói với cháu: “Con yêu! Quay về giường ngủ đi nào, muộn lắm rồi!”. Nghe thấy tiếng mẹ, con tôi ngoan ngoãn nghe lời và leo lên giường một cách vô thức.

Khi phát hiện trẻ bị mộng du, nếu cha mẹ xử lý không khéo có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm. 

Tại sao trẻ bị mộng du?

Thực tế, trẻ bị mộng du là hoàn toàn bình thường. Các chuyên gia cũng không biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh mộng du. Khi trẻ bắt đầu biết bò và tập đi, mộng du có thể xảy ra với trẻ bất kỳ thời điểm nào. Gần như tất cả các bé đều trải qua 1 lần mộng du trong đời và khoảng 15% trẻ thường xuyên bị mộng du.

Mộng du thường xảy ra sau khi trẻ đã ngủ sâu và có thể kéo dài chỉ vài giây đến hơn nửa tiếng đồng hồ…

Ngủ ở những nơi xa lạ, thiếu ngủ hoặc sốt cao có thể là một trong những tác nhân khiến trẻ bị mộng du.

Làm gì khi trẻ bị mộng du?

- Mộng du không gây hại cho sức khỏe của trẻ và cũng không phải là dấu hiệu cho thấy trẻ có vấn đề về tâm lý.

- Sau 1 ngày trẻ vận động quá nhiều hay quá khích với 1 điều gì đó, trẻ thường bị mộng du.

- Để tránh cho trẻ bị mộng du, trước khi đi ngủ, không nên cho trẻ vận động mạnh, hạn chế cho trẻ chơi trò chơi kích động...

Mặc dù không ý thức được, nhưng khi bị mộng du, trẻ vẫn có thể nói chuyện, cử động chân tay và có những hành động lạ kỳ.

Đừng cố gắng để đánh thức trẻ, vì rất khó để bạn làm được điều đó. Nếu trẻ nghe thấy tiếng bạn, hãy nhẹ nhàng yêu cầu và hướng dẫn trẻ quay trở lại giường ngủ. Khi đã thực sự tỉnh giấc, trẻ sẽ không nhớ những hành động của mình và thường cảm thấy không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Do đó, trẻ có thể cảm thấy băn khoăn, bối rối và sợ hãi khi ngủ lại.

Bản thân chứng mộng du sẽ biến mất khi trẻ lớn hơn. Vì vậy, không cần thiết phải dùng thuốc điều trị cho trẻ nhưng nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thích hợp.
Khi phát hiện trẻ bị mộng du, bạn nên di chuyển những vật dụng có thể cản đường đi của trẻ. Khóa cửa chính và cửa sổ đề phòng bất trắc.