Thưa bác sĩ, ông tôi bị bệnh đái tháo đường, năm nay ông 70 tuổi. Tôi được biết tập luyện thể thao cũng là một cách hiệu quả để điều trị bệnh này. Thế nhưng theo thông tin trên báo chí, tập luyện thể thao với người bệnh tiểu đường cũng có tính hai mặt. Bác sĩ có thể tư vấn về cách luyện tập hiệu quả?
dinhduonghoc.com - Người bệnh tiểu đường cẩn thận khi vận động?
 
Để điều trị bệnh tiểu đường, ngoài chế độ ăn uống, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì vận động thường xuyên có ý nghĩa quan trọng với người bệnh. Theo nhiều nghiên cứu, tập luyện giúp cơ thể tiêu hao năng lượng, tránh được sự tích lũy lượng mỡ thừa trong cơ thể.
 
Duy trì hoạt động thể lực đều đặn sẽ không bị béo phì, làm cho cơ thể dễ dàng tiêu thụ đường, do đó giảm nồng độ đường trong máu. Đối với bệnh nhân tiểu đường có thể giảm liều insulin hoặc một số thuốc hạ đường huyết… Tập luyện thể thao có rất nhiều lợi ích với người bệnh tiểu đường, chắc chắn bạn cũng đã nghiên cứu về vấn đề này để chăm sóc sức khoẻ cho ông mình.

Tuy nhiên đúng như bạn tìm hiểu, người bệnh luyện tập thể thao sẽ có mặt tốt nhưng cũng có những hạn chế ảnh hưởng đến sức khoẻ. Không phải ai cũng kiên trì luyện tập và hiểu được tập như thế nào để có hiệu quả tốt nhất.

Nếu không có phương pháp tập luyện phù hợp sẽ có nguy cơ hạ đường máu trong và sau khi tập luyện. Thường gặp và nguy hiểm nhất là hiện tượng hạ đường máu quá thấp, khi đó bệnh nhân sẽ cảm thấy đói, run tay chân, vã mồ hôi hoặc hôn mê.

Nếu tập luyện nhiều và mức độ bài tập nặng quá như chạy đường dài, tốc độ nhanh, chơi bóng rổ, bóng chuyền suốt trận đấu... sẽ có nguy cơ tăng đường máu trong vòng vài giờ sau khi tập. Bệnh nhân tiểu đường týp 1 nếu tập theo kiểu này sẽ bị rơi vào tình trạng nhiễm xêtôn. Những người có kèm theo các bệnh tim mạch nếu tập quá sức cũng sẽ bị đau thắt ngực, loạn nhịp tim. Nhiều người bệnh nặng, yếu, tập thể dục nhiều còn có thể bị hạ huyết áp… .

Nhìn chung với người bệnh tiểu đường không nên tập thể thao gắng sức, không nên tập những môn vận động mạnh, đặc biệt với người bệnh tuổi cao, sức yếu. Ông bạn có thể tham gia tập các môn như: đi bộ, yoga, thái cực trường sinh đều rất tốt cho bệnh tiểu đường. Trong đó, đi bộ nhẹ nhàng được xem là biện pháp rèn luyện thích hợp nhất, vừa đi bộ vừa hít thở sâu một cách đều đặn, không nên tập những bài tập tốn nhiều sức.

Theo nghiên cứu trong những năm gần đây, đi bộ nhanh 30 phút/ ngày có khả năng phòng ngừa sự phát triển của tiểu đường týp 2 ở bệnh nhân béo phì và những người có triệu chứng tăng đường huyết. Nếu ông bạn có thể lực tốt có thể tập luyện bài tập mức độ cao nhưng phải tập để thích nghi dần dần.

Thời gian tập thường từ 15-30 phút mỗi ngày, nếu thấy thấm mệt thì không được gắng sức. Ngoài ra, bạn lưu ý về chế độ dinh dưỡng, theo dõi sát tình trạng sức khỏe, sinh hoạt của ông, đưa ông đi khám sức khỏe định kỳ để biết được hiệu quả của quá trình luyện tập. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho ông bạn những phương pháp chăm sóc sức khỏe tiếp theo phù hợp với tình trạng bệnh.