Gân (Dây Chằng) - Những điều cần biết về viêm điểm bám gân
Khái niệm viêm điểm bám gân
Viêm điểm bám gân và những phần mềm quanh khớp là bệnh viêm ở gân, dây chằng, bao gân…Tùy thuộc vị trí bị tổn thương mà viêm điểm bám gân bao gồm những bệnh như:
– Viêm gân: viêm ở một gân
– Viêm bao gân: viêm bao hoạt dịch quanh gân làm cho gân bị cản trở hoạt động, gồm có viêm bao gân đơn thuần và viêm bao gân co thắt .
– Viêm điểm bám tận của gân: viêm quanh vùng bám của gân với xương, bao gồm vùng gân khủy tay, háng, đầu gối, cổ chân.
– Viêm gân dạng nốt ở gân gấp ngón tay .
Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm điểm bám gân
– Người hay thực hiện những động tác lặp đi lặp lại một cách kéo dài dễ dẫn tới tình trạng viêm điểm bám gân, thường gặp ở vận động viên, vũ công, thợ cơ khí, người làm nghề thủ công, phụ nữ đi giày cao gót hoặc người làm nội trợ…
– Nhiễm khuẩn dẫn đến viêm phần mềm quanh khớp.
– Bị phải một số căn bệnh xương khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, bệnh gút, bệnh thoái hóa khớp… hay bệnh tiểu đường.
Viêm điểm bám gân và những dấu hiệu hay gặp
Khi bị viêm điểm bám gân và phần mềm quanh khớp, người bệnh hay có những biểu hiện lâm sàng dễ nhận biết như sau:
– Vùng gân vị viêm làm đau liên tục hay tăng mạnh mỗi khi người bệnh cử động. Đau ở một chỗ hoặc lan ra vùng cơ có gân cũng bị viêm khiến việc vận động trở nên khó khăn.
– Vùng gân viêm và phần mềm quanh khớp có khả năng bị sưng hoặc không, nóng đỏ, khi ấn vào thì thấy rất đau, sờ vào có thể thấy cục u nhỏ nổi trên gân.
– Tay hay chân có gân bị viêm thường bị đau mạnh lúc co duỗi, lực cơ cũng giảm so với bên không bị viêm.
– Nếu nguyên nhân dẫn tới bệnh là do nhiễm khuẩn hay bệnh khác thì sẽ kèm theo những triệu chứng của bệnh đó.
Một vài căn bệnh viêm gân hay gặp
* Hội chứng đường hầm cổ tay: là tình trạng viêm bao hoạt dịch quay ở gân cơ gấp ngón cái và bao hoạt dịch trụ ở gân cơ duỗi những ngón dẫn tới sưng nề làm cho dây thần kinh giữa các bao hoạt dịch này bị chèn ép.
Bệnh có nhiều dấu hiệu dễ nhận biết như đau nhức và tê buốt ngón tay, gan bàn tay, sưng cổ tay,…và những triệu chứng phức tạp khác.
* Viêm bao gân co thắt – bệnh De quervain: là bệnh viêm bao gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón tay cái làm đau và khó cử động ngón tay cái. Bệnh này hay thấy ở phụ nữ làm công việc nội trợ, thợ dệt hay mắc bệnh viêm khớp dạng thấp…
* Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay: là tình trạng viêm điểm bám tận các gân cơ duỗi chung các ngón tay, duỗi của ngón trụ sau, ngón út…hay gây sưng và đau nhói, giảm lực ở các vị trí này.
* Viêm gân gót Achille: là tình trạng viêm điểm bám tận của gân tại cổ chân, vùng gân gót làm cho việc đi lại bị ảnh hưởng, hay gặp ở những người thường đi giày cao gót, vũ công, người mắc bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp…
* Chứng ngón tay lò xo: là tình trạng viêm bao gân dạng nốt ở gân gấp ngón tay làm cho việc gập duỗi ngón tay bị hạn chế, người bệnh phải dùng hết sức mới bật được ngón tay hay dùng tay còn lại kéo ngón tay ra.
Phương pháp điều trị như thế nào?
* Điều trị không dùng thuốc:
– Nghỉ ngơi và tránh vận động vùng gân bị viêm.
– Cố định tạm thời gân bị viêm bằng máng bột hay nẹp nếu người bệnh quá đau.
– Áp dụng chườm lạnh nếu có kèm theo triệu chứng sưng nóng và đỏ.
– Chiếu hồng ngoại, kich shock.
* Điều trị viêm điểm bám gân và phần mềm quanh khớp bằng thuốc:
– Dùng thuốc giảm đau như acetaminophen.
– Những thuốc chống viêm không steroid đường uống hay thoa cũng được dùng để giảm sưng đau do viêm.
– Thuốc tiêm corticoid: Dùng theo sự hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ điều trị để giảm các triệu chứng của bệnh.
* Điều trị theo bệnh lý:
Những trường hợp người bệnh bị viêm điểm bám gân do những bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, tiểu đường…thì các bác sĩ sẽ có cách điều trị phù hợp theo từng căn bệnh cụ thể.
* Phẫu thuật:
Tiến hành khi điều trị bằng nội khoa không mang tới hiệu quả.
Bệnh viêm điểm bám gân có thể gây ảnh hưởng và hạn chế khả năng vận động của chúng ta, do đó, cần tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa hay bệnh viện khi nhận thấy mình mắc phải các triệu chứng của bệnh để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, để bệnh thuyên giảm nhanh chóng và phòng ngừa tái phát, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và lao động hợp lý; rèn luyện sức khỏe bằng những bài thể dục, môn thể thao nhẹ nhàng; phụ nữ thì không nên đi giày dép có gót quá cao…để các gân cơ được thư giãn và hạn chế viêm gân tái phát.