Sỏi túi mật là bệnh rất hay gặp ở nước ta, từ 8 – 10% dân số mắc căn bệnh này. Ban đầu, các biểu hiện của sỏi có thể rất mơ hồ và thường thì chỉ được phát hiện khi tình cờ qua thăm khám sức khỏe định kỳ, hay khi sỏi đã gây ra biến chứng.

Sỏi túi mật là gì?

Túi mật có chức năng lưu giữ mật - chất lỏng được sản xuất bởi gan gồm có nhiều thành phần như: cholesterol, bilirubin (sắc tố mật) và muối mật… Trong bữa ăn, túi mật sẽ co bóp để đưa dịch mật vào ruột non, hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa chất béo.

Sỏi túi mật được tạo thành khi có sự lắng đọng, kết tụ của các thành phần trong dịch mật, có kích thước dao động từ khoảng vài mm đến vài cm.
 

dinhduonghoc.com - soi mat

Sỏi túi mật hình thành do sự kết tụ của các thành phần trong dịch mật

Nguyên nhân gây ra bệnh sỏi túi mật?

Sỏi túi mật được tạo thành chủ yếu từ sự kết tụ của cholesterol, do sự mất cân bằng của những thành phần có trong dịch mật. Ví dụ như khi lượng cholesterol có ở trong dịch mật tăng cao quá mức, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật hoặc khi lượng muối mật bị giảm đi sẽ dẫn tới hình thành sỏi cholesterol. Ngoài ra, còn có thể gặp sỏi sắc tố mật được  hình thành do sự kết tụ của bilirubin có trong một số bệnh như thiếu máu hồng cầu liềm, xơ gan…

Một số nguyên nhân gây bệnh sỏi túi mật đó là:

- Di truyền: Nếu trong gia đình bạn có người từng mắc sỏi túi mật thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

- Giới tính: Phụ nữ sẽ có nguy cơ mắc sỏi túi mật cao hơn là nam giới.

- Thừa cân hoặc béo phì

- Giảm vận động của túi mật: những người ngồi nhiều, ít vận động; chế độ ăn uống quá kiêng khem hay nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.

- Chế độ ăn uống có quá nhiều cholesterol.

Triệu chứng của bệnh sỏi túi mật?

Sỏi túi mật là bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng. Một số dấu hiệu sớm bạn có thể gặp phải như là đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, chán ăn, ợ nóng… do thiếu dịch mật để có thể tiêu hóa chất béo.

Khi sỏi di chuyển, cọ xát, hay phát triển tăng lên về cả kích thước và số lượng sẽ làm tắc nghẽn dòng chảy của dịch mật, bạn có thể bị những cơn đau quặn ở vùng bụng trên và lưng, kéo dài tới vài giờ đồng hồ. Một cơn đau quặn mật điển hình có các đặc điểm như là:- Vị trí: đau ở hạ sườn phải, lan lên vai phải hay sau lưng.

- Mức độ: đau rất nhiều và  đau liên tục.

- Chu kì: chia thành nhiều đợt nhỏ cơn đau có thể kéo dài trong vài giờ.

- Thời điểm: thường bị đau sau khi bạn ăn no, ăn bữa ăn giàu chất béo, hay là bị đau về ban đêm làm cho bạn bị mất ngủ.
 

dinhduonghoc.com - soi mat

Đầy bụng, khó tiêu – triệu chứng sớm nhận biết bệnh sỏi mật

Bệnh sỏi túi mật có nguy hiểm không?

Sỏi túi mật được tích tụ lâu ngày sẽ làm kích thước của sỏi lớn dần lên kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác mà không được điều trị có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm sau:

-Viêm túi mật cấp và mạn: do sỏi bị kẹt lại ở cổ hoặc ống túi mật gây ra viêm túi mật dẫn tới cơn đau nặng và sốt. Người bệnh có thể được chỉ định mổ lấy sỏi hay cắt túi mật.

- Tắc ống mật chủ: Sỏi mật có thể làm chặn các ống dẫn mật từ túi mật hoặc gan đến ruột non, làm tắc ống dẫn mật dẫn đến tình trạng vàng da hoặc nhiễm trùng ống dẫn mật.

- Ung thư túi mật: Thường rất hiếm nhưng những người có tiền sử sỏi túi mật thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư túi mật cao hơn so với những người bình thường.

Chẩn đoán bệnh sỏi túi mật

Bệnh thường không có các dấu hiệu điển hình, nên ngoài thăm khám và hỏi bệnh, các bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều hơn các xét nghiệm sau để có thể chẩn đoán được chính xác bệnh, gồm có:

- Xét nghiệm máu: nhằm kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hay tắc nghẽn và để loại trừ các nguyên nhân khác.

- Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để giúp phát hiện sỏi:

+ Siêu âm bụng
+ Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
+ Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP scan)
+ Siêu âm nội soi

Điều trị sỏi túi mật

Tùy thuộc vào mức độ của bệnh mà bác sĩ có thể chọn một trong hai phương pháp sau để điều trị sỏi túi mật:

Phương pháp điều trị không cần phẫu thuật:

- Bác sĩ có thể kê đơn các thuốc ursodiol (Actigall) và chenodiol (Chenix) để hòa tan sỏi mật nếu người bệnh bị sỏi ở mức độ nhẹ. Hạn chế của phương pháp này là các thuốc này cần thời gian lâu (có thể lên đến vài năm) để có thể hòa tan được sỏi mật và sỏi có thể hình thành lại sau khi ngừng thuốc.

- Ở nước ta, nhiều người bệnh chữa trị sỏi túi mật bằng các vị thuốc nam như Kim tiền thảo, Uất kim, Chi tử, Diệp hạ châu... nó có tác dụng tốt trong việc bào mòn sỏi túi mật và ngăn ngừa các  biến chứng do sỏi gây ra.

Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật:

Khi sỏi túi mật gây ra biến chứng nghiêm trọng, sỏi chiếm hơn 2/3 diện tích túi mật, gây nên tình trạng viêm túi mật tái diễn… người bệnh có thể sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật, khi đó mật được gan sản xuất sẽ tiết trực tiếp xuống ruột non.

-Cắt túi mật nội soi: Đây là phương pháp phổ biến nhất hiện nay do nó được tiến hành nhanh và ít để lại biến chứng. Một ngày sau ca phẫu thuật bệnh nhân có thể xuất viện.

- Mổ mở cắt bỏ túi mật: Phương pháp này thì ít được sử dụng hơn. Bệnh nhân sẽ phải ở lại bệnh viện trong một vài ngày sau khi phẫu thuật.

Nếu có kèm cả sỏi ở trong ống mật chủ, thì  bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật ERCP để có thể tìm và loại bỏ chúng trước hoặc trong quá trình phẫu thuật.

Dự phòng sự phát triển sỏi túi mật như thế nào?

 Để giảm nguy cơ hình thành sỏi mật cũng như làm chậm quá trình phát triển và ngăn ngừa nguy cơ tái phát sỏi thì bạn nên:

- Ăn đủ bữa:  thói quen bỏ qua bữa sáng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật. Vì vậy bạn hãy cố gắng ăn đầy đủ và đúng bữa, tuyệt đối không để cơ thể bị bỏ đói.

- Dinh dưỡng hợp lý: nên có chế độ ăn uống hợp lý, cân đối dinh dưỡng và hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol.

- Giảm cân từ từ: sụt cân nhanh sẽ có thể làm tăng nguy cơ sỏi túi mật. Tốt nhất là bạn chỉ nên giảm khoảng 0,5 - 1 kg mỗi tuần.

- Vận động thể lực, hạn chế ngồi nhiều: Để giảm nguy cơ hình thành sỏi, bạn nên tập thể dục bằng những bài tập đơn giản nhẹ nhàng trong khoảng 30 - 45 phút mỗi ngày.