Bệnh tim mạch - Tim bẩm sinh là gì?
Bệnh tim bẩm sinh (TBS) là một bệnh lý tim mạch ngày càng gặp phổ biến trong thực hành nhi khoa, khi mà các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh về thiếu dinh dưỡng ngày càng giảm dần. Tại các nước phát triển, tỷ lệ TBS nằm trong khoảng từ 0,7 đến 1% trẻ sinh ra còn sống. Ở Việt Nam theo báo cáo của các bệnh viện Nhi, tỷ lệ bệnh TBS là khoảng 1,5% trẻ vào viện và khoảng 30-55% trẻ vào khoa tim mạch.
Bệnh TBS nếu không được phát hiện kịp sớm có thể gây tử vong đáng tiếc do rối loạn tuần hoàn cấp tính, nhưng đa số là gây nên các biểu hiện lâm sàng đôi khi rất khác nhau do biến chứng hoặc biểu hiện ở các cơ quan khác trong cơ thể làm sai lạc chẩn đoán, chậm xử trí dẫn đến mất khả năng điều trị bệnh.
Được biết tim của trẻ bắt đầu hình thành, phát triển và hoàn chỉnh vào khoảng tuần thứ tám của bào thai. Dị tật tim bẩm sinh thường xảy ra trong tám tuần lễ đầu tiên của quá trình phát triển bào thai quan trọng này.
Phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh cho trẻ
Tần suất bệnh TBS chung trên thế giới là 8 trên 1000 trẻ ra đời còn sống.
Phân loại bệnh TBS
Môi trường sống tác động rất nhiều lên việc hình thành bệnh TBS. Bệnh TBS có thể là hậu quả của các yếu tố môi trường độc hại (tia phóng xạ, hóa chất, vi trùng, bệnh chuyển hóa…) ảnh hưởng lên người mẹ trong quá trình mang thai. Nguyên nhân gây bệnh TBS còn có thể bị tác động bởi yếu tố gia đình, di truyền, bất thường nhiễm sắc thể.
Bệnh TBS được chia thành 2 nhóm:Không tím (trẻ không bị tím da niêm)và có tím (trẻ bị tím da niêm). Các bệnh TBS không tím thường gặp nhất là: thông liên thất (30,5%), thông liên nhĩ (9,8%), còn ống động mạch (9,7%)…
Bệnh TBS có tím thường gặp nhất là: Tứ chứng Fallot (5,8%)… Một số bệnh TBS khác là: Hẹp van động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ, kênh nhĩ thất, thất phải hai đường ra, chuyển vị đại động mạch, bệnh Ebstein, không lỗ van ba lá, tâm thất độc nhất… Bệnh TBS nặng thường được chẩn đoán ngay khi trẻ sinh ra. Với trẻ bị dị tật tim nhẹ hơn, triệu chứng dần xuất hiện khi trẻ lớn lên. Bệnh diễn tiến có thể khiến trẻ gặp các triệu chứng như: hay mệt, ngất, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, viêm phổi tái đi tái lại, suy tim, tử vong… Với các bệnh này, điều trị thuốc chỉ làm giảm triệu chứng chứ không sửa chữa được tổn thương.
Hiện nay, ngành phẫu thuật tim rất phát triển, phần lớn các bệnh TBS được điều trị khỏi hẳn nhờ phẫu thuật. Một số bệnh lý TBS có tổn thương phức tạp, không thể điều trị hoàn toàn.
Trẻ mắc bệnh TBS nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách có thể giúp trẻ phát triển như những trẻ cùng trang lứa, hòa nhập tốtvào xã hội. Chăm sóc tốt cho những trẻ này cũng không phải là vấn đề đơn giản. Chính vì vậy, cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc phối hợp với ngành Y tế để điều trị trẻ bị bệnh TBS.
Nhận biết trẻ có bệnh TBS
Trong một số trường hợp, trẻ mắc bệnh TBS nhưng không có biểu hiện gì do dị tật không nặng, chỉ tình cờ được phát hiện khi khám sức khỏe hoặc khám vì một lý do khác. Một số dị tật khác cũng hay đi kèm với bệnh TBS như: hội chứng Down, sứt môi- chẻ vòm, thiếu hoặc thừa ngón tay- ngón chân, tật đầu to, đầu nhỏ… Cần đưa trẻ đi khám bệnh ngay nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng khác lạ sau:
- Trẻ hay bị ho, khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực rút lõm khi hítvào), thường bị viêm phổi.
- Trẻ có làn da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi. Trẻ bị tím môi, đầu ngón tay, ngón chân, tăng lên khi khóc, khi rặn…
- Trẻ bú hoặc ăn kém, chậm lên cân, thậm chí không tăng cân hay sụt cân. Trẻ chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường (chậm mọc răng, chậm biết lật, bò…).
Khi biết con mình mắc bệnh TBS, cha mẹ cần hỏi bác sĩ chuyên khoa tim mạch về tất cả những vấn đề quan tâm như: Đặc điểm tổn thương, diễn tiến của bệnh, cách thức điều trị, nếu có phẫu thuật thì thời điểm nào tốt nhất để phẫu thuật, cách chăm sóc trẻ tại nhà… để có thể hiểu về bệnh của trẻ nhằm xử trí đúng cách.
Chăm sóc trẻ mắc bệnh TBS
Mặc dù nhiều trẻ mắc bệnh TBS có thể sinh hoạt, học tập không khác những đứa trẻ khác nhưng chúng vẫn cần được chăm sóc kỹ lưỡngvà đúng cách để có được sức khỏe tốt. Cha mẹ lưu ý:
- Chăm sóc trẻ chu đáo, giữ trẻ ấm, vệ sinh sạch sẽ, cho trẻ ăn uống điều độ, đủ chất.
- Không cho trẻ vận động mạnh hay chơi giỡn quá nhiều, tránh để trẻ gắng sứcvà làm những công việc nặng nhọc.
- Trẻ cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh bị nhiễm trùng, cần uống kháng sinh khi được làmthủ thuật hoặc điều trị răng để phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
- Cho trẻ tái khám đúng theo lịchvà tuân theo sự điều trị của bác sĩ, ngay cả khi trẻ đã được phẫu thuật, bởi vì một số bệnh TBS vẫn cần phải theo dõi sau phẫu thuậtvà khi lớn lên, trẻ có thể gặp một số vấn đề khác về sức khỏe.
Mẹ cần ngừa bệnh TBS cho trẻ khi mang thai
Bệnh TBS là những dị tật xảy ra ngay từ lúc trẻ còn ở thời kỳ bào thai, đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ. Muốn ngừa bệnh TBS, người mẹ cần quan tâm đến những vấn đề sức khỏe trướcvà trong khi có thai:
- Cải thiện môi trường sống, tránh ô nhiễm.
- Tránh các tác nhân vật lý, hóa học, chất độc, các loại thuốc an thần, nội tiết tố,rượu, thuốc lá…
- Chủng ngừa hoặc tránh tiếp xúc với các nguồn bệnh do siêu vi gây ra như: rubela, quai bị, herpes, cytomegalovirus, coxsaskie B…
- Nếu người mẹ có các bệnh lý chuyển hóa như: Đái tháo đường, lupus ban đỏ lan tỏa… thì cần được điều trị.
- Khám và theo dõi thai định kỳ.
Chữa trị tim bẩm sinh bằng tim mạch can thiệp
Đó là điều trị trường hợp còn ống động mạch bằng lò xo kim loại (coils) và bít lỗ thông liên thất bằng dù. Thành công này mở ra cơ hội điều trị dễ dàng hơn cho nhiều bệnh nhi tim bẩm sinh.
Không còn phải phẫu thuật nhiều bệnh tim bẩm sinh phức tạp
Ngay khi sinh ra, cháu Phạm Gia H., 4 tuổi (Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam) thường bị khó thở trong khi bú, mặc dù được gia đình rất chăm chút, song sự phát triển thể chất của cháu H. không được như các bạn cùng tuổi. Cảm nhận thấy sự bất thường về sức khỏe của cháu, gia đình có đưa cháu đi khám và phát hiện bị dị tật tim bẩm sinh thông liên thất. Do thể trạng của bệnh nhi khá ốm yếu và phải dành dụm chi phí điều trị nên khi H. được 4 tuổi, gia đình mới quyết định đưa bé đến Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương với mong muốn được phẫu thuật vá lỗ thông.
Cùng mắc bệnh từ bé như cháu H., nhưng cháu Đỗ Việt A. 5 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) còn có tình trạng sức khỏe phức tạp hơn do đây là một bệnh nhi mắc chứng Down. Không mắc phải dị tật thông liên thất nhưng cháu Nguyễn Văn H., 3 tuổi (Hà Nội) lại bị dị tật còn ống động mạch khiến trẻ luôn ốm yếu, còi cọc, chậm lớn. Các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch cho biết, cả 3 trẻ đến nhập viện trong tình trạng bệnh đã có nhiều biến chứng, nhiều nguy cơ suy tim, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Với sự giúp đỡ của các chuyên gia tim mạch can thiệp đến từ Đại học Hamburg (Cộng hòa liên bang Đức), các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành đóng kín dị tật còn ống động mạch cho bệnh nhi Nguyễn Văn H. bằng lò xo kim loại (coils) và bít lỗ thông liên thất cho 2 bệnh nhi Phạm Gia H. và Đỗ Việt A. bằng dù qua da. Đây là những bệnh nhi dị tật thông liên thất và còn ống động mạch đầu tiên ở miền Bắc được điều trị bằng các kỹ thuật can thiệp tiên tiến này mà không phải trải qua phẫu thuật lớn có máy tim phổi nhân tạo. Chỉ sau vài ngày điều trị, các bệnh nhi đã được xuất viện.
Bít dù thông liên thất thành công tới 100%
ThS. Cao Việt Tùng, người trực tiếp thực hiện các ca can thiệp đầu tiên này cho biết, thông liên thất là một trong những bệnh tim bẩm sinh rất thường gặp. Trước đây, bệnh lý này phải mổ mở để vá lỗ thông. Trẻ phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, các bác sĩ phải cho ngưng tim và thay thế tuần hoàn tự nhiên bằng hệ thống tim phổi ngoài cơ thể.
Việc trải qua phẫu thuật lớn nhiều giờ đồng hồ khiến nhiều trẻ nhỏ quá không đủ sức, nhiều trẻ phải chờ đủ cân nặng. Nhưng có khi chờ đủ cân thì tình trạng suy phổi và suy tim do biến chứng đã nghiêm trọng. Vì vậy, bằng thủ thuật đưa dụng cụ vào mạch máu từ đùi để nút lỗ thông sẽ tránh cho trẻ những hạn chế của phẫu thuật mở, thời gian nằm viện ngắn và chăm sóc đơn giản.
TS. Lê Trọng Phi, chuyên gia Trung tâm Tim mạch ĐH Hamburg Đức cho biết, việc can thiệp cho trẻ em rất khó khăn, bởi mạch trẻ nhỏ, đòi hỏi phẫu thuật viên phải nhạy cảm trong từng thao tác và là những bác sĩ tim mạch giỏi. Bệnh nhi sau khi được gây mê hoặc tiền mê, các chuyên gia sẽ đưa một dụng cụ nhỏ chứa một chiếc dù được thu gọn qua tĩnh mạch bẹn lên thất trái, sang thất phải và làm nở đầu xa của dù bên thất trái; sau đó dụng cụ được rút sang thất phải và thả nốt đầu còn lại của dù. Như vậy, dù đã được nở ra như hình số 8 với eo số 8 nằm chính tại vị trí lỗ thông, hai đầu của số 8 sẽ mắc lại ở hai bên tâm thất ở vách liên thất làm cho dù không bị tuột ra. Như vậy, lỗ thông đã được bịt lại và các dụng cụ sẽ được rút ra ngoài. Tỷ lệ thành công trong phương pháp này có thể tới 100%.
Cơ hội chữa trị sớm cho các trường hợp còn ống động mạch
Còn ống thông động mạch là một dị tật tim mạch khá phổ biến ở trẻ em, chiếm 18 - 20% tổng số tim bẩm sinh. Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương mổ cho hơn 100 trẻ mắc bệnh này. Còn thông liên thất chiếm khoảng 25% các bệnh tim bẩm sinh. Các dị tật này nếu không được xử trí sớm, trẻ có thể dẫn đến suy tim, thậm chí tử vong.
Đối với các trường hợp còn ống động mạch, ThS. Tùng cho hay, trước đây, phẫu thuật tim phổi nhân tạo đóng ống động mạch là lựa chọn duy nhất cho bệnh lý này, tuy nhiên đây là một phẫu thuật rất lớn, thời gian mổ lâu (thường 7 - 8 tiếng) gây đau đớn nhiều, để lại sẹo lớn ở ngực, bệnh nhân lâu hồi phục (thường 10 - 15 ngày) và đặc biệt trường hợp động mạch không được khâu kín có thể sẽ xảy ra chảy máu và bệnh nhi tử vong ngay trên bàn mổ.
Bằng kỹ thuật can thiệp, các bác sĩ sử dụng ống thông dẫn đường được đưa vào động mạch đùi, ngược dòng máu lên nơi cần can thiệp. Một ống thông nhỏ chứa các cuộn lò xo kim loại bằng platinum nhỏ và mềm (coils) được đưa lần lượt vào còn ống động mạch để làm tắc hoàn toàn lỗ thông. Toàn bộ quá trình thao tác được kiểm soát bằng màn hình có hiển thị bản đồ mạch máu và ống thông trong lòng mạch một cách chính xác.
Sau khi chụp kiểm tra đánh giá kết quả, ống thông được rút ra khỏi động mạch đùi và băng ép vị trí chọc động mạch đùi để cầm máu. Tuy nhiên, thực hiện kỹ thuật này ở trẻ nhỏ khá khó khăn, đặc biệt là trẻ sơ sinh nếu can thiệp không khéo có thể gây phình, vỡ mạch rất nguy hiểm.
Trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, TS. Lê Trọng Phi bày tỏ, ông rất hài lòng với các bác sĩ tim mạch can thiệp ở đây, họ là những bác sĩ còn rất trẻ nhưng thực sự là những chuyên gia trong công việc. Việc phát triển mạnh mẽ những kỹ thuật can thiệp mới sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho những trẻ bị tim bẩm sinh có cơ hội được chữa trị sớm và hiệu quả.
Chăm sóc trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh
- Chăm sóc trẻ chu đáo, giữ trẻ ấm, vệ sinh sạch sẽ, cho trẻ ăn uống điều độ, đủ chất.
- Không cho trẻ vận động mạnh hay chơi giỡn quá nhiều, tránh để trẻ gắng sức và làm những công việc nặng nhọc.
- Trẻ cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh bị nhiễm trùng, cần uống kháng sinh khi được làm thủ thuật hoặc điều trị răng để phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
- Cho trẻ tái khám đúng theo lịch và tuân theo sự điều trị của bác sĩ, ngay cả khi trẻ đã được phẫu thuật, bởi vì một số bệnh TBS vẫn cần phải theo dõi sau phẫu thuật và khi lớn lên, trẻ có thể gặp một số vấn đề khác về sức khỏe.