Hậu môn - Tổng quan sa trực tràng
Nguyên nhân
Sa trực tràng thường phối hợp với một bệnh khác, gây kích thích rặn liên tục (như: polyp hậu môn, trực tràng, trĩ nội, sỏi bàng quang) hoặc nguyên nhân làm suy yếu cơ nâng hậu môn.
Ở trẻ em
- Trẻ nhỏ: Thường sa trực tràng toàn bộ. Các kích thích làm cho trẻ mót rặn: táo, ỉa chảy kéo dài, polyp trực tràng kết hợp cơ thắt hậu môn và cơ nâng hậu môn ở trẻ nhỏ yếu
- Trẻ lớn hơn: Ngoài nguyên nhân nêu trên còn có thể do sỏi bàng quang, Phimosis, nhưng vì cơ thắt hậu môn có trương lực khoẻ hơn nên ít khi sa toàn bộ trực tràng
Cách xử trí khi trẻ bị sa trực tràng tại nhà
- Cha mẹ có thể theo dõi trẻ tại nhà và trợ giúp bé đẩy khối sa trực tràng lên. Cho bé nằm ngữa, mông kê cao, 2 chân dạng và được một người phụ nắm vào vùng kheo, giữ và giơ chân cao lên. Đứng đối diện mông trẻ, dùng nước ấm vệ sinh sạch khối sa, các ngón bàn tay phải nắm gọn khối sa, ngón cái bàn tay trái đặt vào giữa khối sa trực tràng, từ từ nhẹ nhàng đẩy lên. Trong khi đẩy, người phụ từ từ hạ thấp dần chân xuống và khép dần hai chân lại. Khi khối sa vừa đẩy lên hết cũng là lúc hai chân cháu bé duỗi thẳng, hai nếp mông khép kín. Giữ chân ở tư thế ấy trong một lúc, vì đôi khi chỉ cần trẻ quấy khóc cũng làm khối sa tụt ra trở lại.
Những điều cần lưu ý khi trẻ bị sa trực tràng
- Không nên ngồi bô hoặc ngồi chồm hổm khi đi tiêu, vì trong tư thế này hậu môn nở rộng và trực tràng ở tư thế thẳng đứng nên dễ bị sa ra ngoài. Nên bồng ngửa trẻ ở tư thế lưng dựa vào lòng mẹ, hai tay mẹ nắm giữ đùi trẻ khép lại, như tư thế “xi” bé đi tiêu lúc nhỏ. Trong trường hợp khối sa bị mắc kẹt bên ngoài không đẩy lên được, thì dùng gạc thấm nước ấm đắp lên khối sa và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Những trẻ sa trực tràng cần được tái khám theo dõi lâu dài theo sự hướng dẫn của bác sĩ, để có chỉ định can thiệp phẫu thuật khi cần thiết.
Ở người lớn
Có thể gặp sa niêm mạc trực tràng do búi trĩ to hoặc sa trực tràng toàn bộ ở người già.
- Các yếu tố thuận lợi: Trĩ, sỏi, bàng quang, không kẹp chặt mông được, bị liệt, polyp trực tràng hoặc đẻ nhiều.
- Ba yếu tố chính dẫn đến sa trực tràng:
+ Co thắt hậu môn, cơ nâng hậu môn yếu
+ Có các yếu tố kích thích liên tục nên phải rặn nhiều gây tăng áp lực trong ổ bụng
+ Yếu mạc ngang, màng bụng phần tiểu khung kéo dài và yếu.
Lâm sàng
- Đã từ lâu bệnh nhân thấy ở hậu môn lòi ra một cục, thường kèm theo rớm máu, chảy nhầy hoặc són phân liên tục. Hoặc trước đây có trĩ, nhưng đến nay thấy sau khi đi ngoài ở hậu môn lòi ra một cục to đau.
- Khám thấy hình thái:
+ Hậu môn có một khối phồng lên như quả cà chua (không có vách ngăn giữa khối lồi với rìa hậu môn, các nếp niêm mạc tập trung lại ở một lỗ giữa, như núm quả cà chua): sa niêm mạc trực tràng không hoàn toàn.
+ Hậu môn có một đoạn dài, đỏ lòi ra như một cái đuôi, có thể dài tới 6cm, màu hồng xẫm, có một lỗ giữa hoặc đỉnh của đoạn lòi ra hướng về phía sau, có nhiều vòng lớp niêm mạc đồng tâm, có một rãnh giữa khối lồi của đoạn trực tràng sa với rìa hậu môn (trừ trường hợp sa cả ống hậu môn ra ngoài): sa trực tràng hoàn toàn.
- Khám hậu môn bằng ngón tay: Nếu thấy cảm giác hậu môn ép chặt ngón tay (chứng tỏ trương lực cơ thắt hậu môn còn tốt), nếu không có cảm giác ép chặt nhón tay chứng tỏ trương lực cơ thắt hậu môn giảm.
Tiến triển và tiên lượng
- Sa trực tràng mới: chỉ sa khi phải rặn ỉa, vì táo bón, ấn vào dễ dàng
- Sa trực tràng muộn: khối lượng trực tràng sa tăng lên, thường xuyên không đưa vào được, có đưa vào được nhưng lại sa xuống dễ dàng, đồng thời có các biến chứng (chảy máu hoặc xung huyết vì vỡ tĩnh mạch đã giãn sẵn. Đoạn trực tràng sa bị nghẽn vì cơ hậu môn co thắt, phù nề, niêm mạc tím tái dần có các mảng hoại tử gây nên viêm dưới phúc mạc, dẫn tới tử vong).
Điều trị sa trực tràng
Nguyên tắc
- Loại bỏ nguyên nhân thuận lợi: trĩ, Polyp, sỏi bàng quang, Phimosis điều trị ỉa chảy táo bón...
- Nếu cơ thắt hậu môn nhão thì phải sửa lại
- Nếu màng bụng phần tiểu khung kéo dài thì cần cắt bỏ
Phẫu thuật
- Tạm thời: đắp huyết thanh, ấn và đẩy vào từ từ
- Phẫu thuật buộc vòng: Khâu buộc vòng cơ thắt hậu môn trở lại
- Phẫu thuật Whitehead (khi trĩ sa trực tràng): cắt bỏ toàn bộ khối trĩ và trực tràng sa sau đó khâu lại
- Phẫu thuật Delorme, Dumphy: cắt khối trực tràng sa, sau đó khâu gấp tăng cường cơ thắt và khâu bít túi cùng Douglas khi bị kéo dài
- Phẫu thuật Orr - Leygue treo trực tràng vào mỏm nhô
Sa trực tràng cấp do gắng sức
Sa trực tràng cấp thường gặp ở người trẻ tuổi sau một gắng sức mạnh như:
- Chơi vật nhau
- Nâng vật quá nặng (cử tạ)
- Đẻ khó
- Sa trực tràng cấp còn có thể gặp ở trẻ em ỉa lỏng nặng vì nguyên nhân khác nhau làm nhu động ruột tăng quá mức (cơ chế giống như lồng ruột)
Triệu chứng
Ngoài dấu hiệu thấy trực tràng sa, còn có các biểu hiện sau:
- Đau dữ dội
- Rát bỏng hậu môn
- Có khi bị choáng
Điều trị
Phóng bế Novocain quanh hậu môn, dùng các thuốc chống co thắt ấn từ từ đoạn trực tràng sa vào, nếu không được thì phải được xử lý bằng ngoại khoa, chống hoại tử đoạn ruột bị thắt nghẽn.
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM là bệnh viện đầu tiên thực hiện phương pháp phẫu thuật Starr - cắt túi sa thành trước trực tràng qua ngả hậu môn.
TS.BS Nguyễn Trung Tín, phó phòng khoa học đào tạo Bệnh viện Đại học y dược, cho biết túi sa trực tràng thường gặp ở phụ nữ sinh con nhiều lần (trên ba lần) gây tổn thương vách âm đạo trực tràng.
Có nhiều phương pháp điều trị túi sa trực tràng như người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống bằng chất xơ, tập thói quen đi vệ sinh vào buổi sáng, dùng thuốc, dùng thủ thuật... Tuy nhiên, có những bệnh nhân đã thất bại với những cách điều trị này, khi đó các bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật túi sa trực tràng. Phương pháp phẫu thuật Starr sẽ cắt túi sa trực tràng qua ngả hậu môn, sau đó dùng một máy khâu nối lại.
Đông y chữa chứng sa trực tràng
Có trường hợp do bệnh tật như tiêu chảy mạn tính, tiền liệt tuyến phì đại, sỏi bàng quang... làm áp lực trong ổ bụng tăng kéo dài dẫn tới lòi dom. Có trường hợp trĩ nội thường sau khi đi ngoài lòi ra, kéo niêm mạc trực tràng xuống dưới lâu ngày có thể dẫn tới lòi dom. Khi mới mắc, cửa hậu môn dãn to sau những lần rặn đi ngoài lòi ra mà không tự co lại được, dần dà mỗi lần đi ngoài xong phải dùng tay đẩy vào. Bệnh tiếp tục phát triển gây khó chịu trong sinh hoạt như đi ngoài không triệt để, thải trừ phân không hết hoặc bị sưng đau gây mót tiểu nhiều, chỗ niêm mạc ruột lòi ra bị cọ xát trở thành viêm mạn tính. Nếu bị lòi ra mà không đẩy được vào thì niêm mạc bị sưng đỏ, viêm loét mà hỏng ruột, thậm chí có thể gây chết người. Đông y cho rằng, lòi dom thuộc khí hư hãm xuống, khí hư mất quyền thu chắc, cũng do dạ dày ruột khô nóng, nước bọt đặc, đi ngoài táo, cố rặn hao khí mà thành bệnh này.
Phương pháp xoa bóp
Xoa day huyệt bách hội (huyệt nằm trên đỉnh đầu, điểm giữa đường nối mép sau vành tai của hai tai). Dùng ngón giữa bàn tay phải ấn vào huyệt bách hội, day xoa 100 lần.
Day đan điền: Tay trái đặt lên mu bàn tay phải áp vào cách rốn 3 thốn, day đi day lại khoảng 3 phút.
Day huyệt trường cường: Dùng ngón giữa bàn tay phải áp vào chỗ đốt sống cùng là vị trí của huyệt trường cường day khoảng 300 lần.
Day huyệt thừa sơn: Chân trái gác thẳng lên chân phải, dùng ngón tay cái bấm vào huyệt thừa sơn (nơi giao hội hai cơ bắp), sau đó lại làm ngược lại với chân phải, mỗi bên day ấn 100 lần.
Day bấm huyệt kiên tỉnh (điểm giữa đường nối đầu vai đến cổ): với ngón giữa tay phải bấm huyệt kiên tỉnh vai trái và làm ngược lại với vai phải, mỗi bên day bấm 100 lần.
Món ăn bài thuốc chữa lòi dom
Nguyên tắc ăn uống
Nên ăn nhiều thức ăn dễ tiêu mà giàu dinh dưỡng, nhiều protein như thịt gà, thịt trâu, bò, trứng cá...
Nên ăn nhiều rau xanh, các loại đậu như rau cải, cà chua, cà rốt đậu tương, đậu phụ...
Nên ăn nhiều hoa quả như táo, lê, quýt, chuối tiêu...
Kiêng uống rượu, thuốc lá và các thức ăn nóng ẩm, nướng xào cay khô như hành, tỏi, gừng là các thức ăn kích thích bốc nhiệt lên.
Sau đây xin giới thiệu một số món ăn, bài thuốc để bạn đọc có thể áp dụng
- Chuối tiêu ngày 2-3 quả, ăn sớm khi đói bụng. Dùng chữa lòi dom kèm đi ngoài táo, phân khô kết.
- Sữa trâu, bò 500ml, thêm 2 thìa mật ong, dùng cho người đi ngoài bí kết, nước bọt ít.
- Mộc nhĩ đen 100g, hồng táo 15g, đường cát trắng một ít, nấu canh ăn. Dùng cho người khí huyết đều hư, đầu váng hoa mắt, mất sức mệt mỏi.
- Gạo tẻ 100g, ý dĩ nhân 30g, hồng táo 15g, nấu nhừ ăn, dùng cho người lòi dom kèm huyết hư như thiếu máu, váng đầu hoa mắt mất sức...
- Trứng gà 2 quả, hà thủ ô 60g, thêm nước cùng nấu. Trứng chín bỏ vỏ, lại nấu thêm chút nữa, ăn trứng uống canh. Dùng chữa thiếu máu, mặt mắt, tứ chi phù.
- Đường mật 30g, ô mai 30g, ô mai sắc nước bỏ bã để nguội thêm đường mật hòa tan dùng uống, dùng cho người miệng khô, tân dịch giảm.
- Cá diếc tươi 1 con (khoảng 100-150g), cát căn 30g. Cá diếc bỏ vảy và nội tạng, rửa sạch, thêm nước vừa đủ, cho cát căn nấu 1-2 giờ, thêm gia vị cùng ăn. Dùng cho người thiếu máu, đầu váng mắt tối, khí huyết đều hư.
- Chim câu ra ràng 1 con (bỏ lông và nội tạng), kỷ tử 30g, quả dâu 20g, cho tất cả vào nấu cách thủy, uống canh ăn thịt chim. Dùng cho người yếu gan, thận, đầu váng mắt kèm nhèm, đau lưng mỏi gối.
- Xích đậu 50g, gạp nếp 30g, ruột lợn 1 đoạn. Rửa sạch ruột lợn ngâm trong nước sạch hồi lâu, cho ít muối vào làm sạch ruột lợn, cho gạo nếp và xích đậu đã ngâm nước vào trong ruột lợn (trong ruột lợn có một ít nước để tiện cho việc xích đậu và gạo nếp nở ra), hai đầu dùng chỉ buộc chặt, nấu lửa nhỏ trong khoảng hai giờ thì có thể ăn. Dùng cho người lòi dom kèm đầu váng, mắt kèm nhèm, khí huyết đều hưĐông y chữa chứng sa trực tràng.