Sinh Dục Nữ - Viêm niệu đạo là gì?
Đây là một bệnh nhiễm trùng hay gặp xuất hiện khi vi khuẩn gây bệnh đi vào lỗ niệu đạo và nhân lên trong niệu đạo hay bởi vi khuẩn từ máu đến định cư tại niệu đạo. Đường tiết niệu, bao gồm hai thận, niệu quản (hai ống dẫn nước tiểu từ thận tới bàng quang), bàng quang (hay bóng đái), và niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra lỗ niệu đạo để ra ngoài khi tiểu). Bình thường nước tiểu vốn vô trùng. Cấu tạo đặc biệt ở vị trí niệu quản gắn vào thành bàng quang có công dụng như một van chống trào ngược nhằm ngăn chặn nước tiểu đi ngược từ bàng quang lên thận. Dòng chảy của nước tiểu cũng là một lực cơ học giúp tống xuất vi khuẩn nếu chúng xâm nhập vào đây. Tất cả những đối tượng đều có thể mắc nhiễm trùng tiết niệu.
Các loại nhiễm trùng niệu đạo thường gặp
Nhiễm trùng đường tiểu hay xuất hiện đầu tiên ở phần thấp (niệu đạo, bàng quang) và nếu không được chữa trị nó có thể nặng lên dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu trên (niệu quản, thận). Sau đây là 3 loại nhiễm trùng niệu đạo hay gặp:
Viêm niệu đạo: viêm hoặc nhiễm trùng niệu đạo gây ra cảm giác bỏng rát khi đi tiểu và đôi khi có mủ. Với nam giới, viêm niệu đạo có thể gây ra chảy mủ ở lỗ sáo (lỗ niệu đạo) dương vật. Điển hình nhất là bệnh lậu nam giới mắc bệnh này hay có mủ ở lỗ sáo (triệu chứng học gọi là "giọt sương ban mai").
Viêm bàng quang: Là nhiễm trùng đường tiểu hay gặp nhất gây ra đau tức bụng dưới, nước tiểu rất khai và đôi khi tiểu máu.
Viêm thận - viêm bể thận cấp: Có thể do nhiễm trùng ngược dòng từ bàng quang lên hay do từ dòng máu. Nhiễm trùng thận hoặc viêm thận - bể thận (cần phân biệt với viêm cầu thận có thể nhanh chóng dẫn tới suy giảm chức năng thận cũng như tử vong nếu không chữa trị kịp thời và triệt để).
Nguyên nhân gây viêm niệu đạo
Đường tiểu bị viêm nhiễm bởi nhiều loại vi khuẩn khác nhau (như Chlamydia - xem phần 4) lây lan trực tiếp qua quan hệ tình dục, gây viêm nhiễm cổ tử cung, trực tràng hoặc cổ họng, tuỳ theo phương thức giao hợp.
Do vi khuẩn E.coli: Khuẩn E. Coli gây ra 80% trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu ở người trưởng thành. Vi khuẩn này hay có trong đại tràng và có thể đi vào lỗ niệu đạo từ vùng da xung quanh hậu môn và cơ quan sinh dục. Phụ nữ có thể dễ nhiễm bệnh hơn do lỗ niệu đạo nằm gần với nguồn vi khuẩn từ phía sau (hậu môn, âm đạo) và niệu đạo của phụ nữ cũng ngắn hơn Vì vậy vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang. Những vi khuẩn khác gây ra nhiễm trùng niệu đạo bao gồm: Staphylococcussaprophyticus, Chlamydiatrachomatis, Proteus và Mycoplasmahominis. Nam giới và phụ nữ nếu nhiễm Chlamydiatrachomatis hay Mycoplasma hominis đều có thể truyền vi khuẩn này cho bạn tình trong khi giao hợp dẫn tới nhiễm trùng niệu đạo.
Giao hợp cũng có thể gây ra nhiễm trùng niệu đạo ở một số phụ nữ (mặc dù bạn tình không mắc bệnh) vì các lí do không rõ ràng. Phụ nữ sử dụng màng ngăn âm đạo hay dễ nhiễm trùng hơn và bao cao su có chứa chất diệt tinh trùng cũng có thể làm tiến triển E. coli trong âm đạo. Vi khuẩn này sau đó có thể đi vào niệu đạo.
Cách phòng tránh viêm niệu đạo
Việc phòng ngừa căn bệnh này không quá rắc rối hay khó khăn, hãy tạo lá chắn cho mình bằng cách:
Với nữ giới:
1. Lưu ý tới đồ lót:
Thường xuyên thay và mặt quần lót. Đặc biệt là quần lót mới mua hoặc các quần lâu không mặc phải giặt và phơi khô trước khi dùng.
Nên mua quần lót làm từ sợi bông, thoáng khí, hút ẩm cao. Hạn chế mặc những quần bó chặt hoặc quần bò. Nên mặc những loại quần thoáng đãng.
2. Giữ vệ sinh cá nhân
Đôi tay chúng ta chính là nơi cư trú lý tưởng của lượng lớn những vi khuẩn gây bệnh như Chlamydia, mycoplasma…Chúng có thể thông qua việc đi tiểu để xâm nhập vào niệu đạo và gây ra viêm nhiễm. Vì thế nhất thiết bạn phải rửa tay thường xuyên, nhất là sau mỗi lần đi vệ sinh.
Nên tắm rửa thường xuyên, song không khuyến khích tắm trong bồn để tránh lượng nước bẩn xâm nhập vào niệu đạo.
3. Nắm chính xác trình tự vệ sinh khu vực âm hộ và hậu môn
Thường xuyên rửa âm hộ và hậu môn. Nên rửa từ âm hộ rồi mới tới hậu môn, không làm ngược lại. Nên sử dụng khăn và chậu rửa chuyên dụng, tránh cho vi khuẩn xâm nhập vào cửa niệu đạo.
4. Uống nhiều nước
Nên uống nhiều những loại nước thanh nhiệt như trà hoa cúc, nước chanh,..., để tăng khả năng lợi tiểu, tránh việc nước tiểu quá ít, đậm đặc dẫn tới không thể tống xuất các vi khuẩn có hại ra khỏi niệu đạo.
5. Lựa chọn các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ, băng vệ sinh thích hợp
Nhất định phải mua các sản phẩm có mác nhãn, tránh mua hàng kém chất lượng gây hại cho cơ thể.
Thường xuyên thay băng vệ sinh nhằm ngăn ngừa sự sinh sản của vi khuẩn dẫn đến viêm nhiễm âm hộ và âm đạo. Nếu xuất hiện các triệu chứng ngứa âm hộ, ra nhiều huyết trắng nên lập tức đi khám phụ khoa.
6. Ngủ đủ giấc vầ sắp xếp cuộc sống vợ chồng hợp lý
Mỗi ngày phải đảm bảo giấc ngủ đủ giấc, không nên thức khuya, tránh làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
Chú ý tần suất sinh hoạt vợ chồng, mỗi tuần không nên quá 3 lần vì khả năng viêm nhiễm niệu đạo sẽ tăng cao.
Với nam giới
1.Phòng chống kích thích hóa học: Để ngăn kích thích hóa học mà gây nên bệnh viêm niệu đạo, cần sử dụng xà bông để vệ sinh sạch sẽ
2.Tránh vi khuẩn truyền nhiễm: Những bạn nam giới, trong sinh hoạt hàng ngày nên chú ý thói quen vệ sinh , tránh để vi khuẩn gây bệnh ở niệu đạo của nam giới, đồng thời phải có đời sống tình dục lành mạnh…
3.Nâng cao sức đề kháng: Để ngăn được ảnh hưởng của viêm niệu đạo ở nam giới, những bạn nam cần phải nâng cao sức đề kháng để chống nhiễm trùng, từ đó tránh được nguy hại của bệnh viêm niệu đạo, thông qua tập luyện thể dục, tăng cường thể lực, ăn nhiều rau xanh và bổ sung vitamin, có thể nâng cao được sức đề kháng của nam giới
4.Đây là cách phòng chống quan trọng nhất và không thể thiếu: Chúng ta khi chưa hoặc đã không may mắc bệnh viêm niệu đạo, thì các tốt nhất là tới các phòng khám chuyên khoa, để khám định kỳ để có biện pháp phòng ngừa bệnh,nếu có mắc bệnh thì kịp thời cứu chữa và có phương pháp chữa trị đúng
Ðiều trị viêm niệu đạo
Nếu xác định được nguyên nhân thì chữa trị nguyên nhân, nếu không thì chữa trị theo hội chứng. Ðối với mọi trường hợp tiết dịch niệu đạo, cán bộ y tế cần xác định và chữa trị cho (các) bạn tình.
1. Phác đồ điều trị viêm niệu đạo do lậu
Dùng một trong các loại thuốc sau kết hợp với một trong các loại thuốc chữa trị viêm niệu đạo không do lậu:
Ceftriaxone 250mg, tiêm bắp liều duy nhất+ Doxycycline 100mg uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên, trong 7 ngày.
Spectinomycin 2g, tiêm bắp liều duy nhất+ Doxycycline 100mg uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên, trong 7 ngày.
Cefotaxime 1g tiêm bắp liều duy nhất + Doxycycline 100mg uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên, trong 7 ngày.
2. Phác đồ điều trị viêm niệu đạo không do lậu
Dùng một trong 3 thuốc sau:
Doxycycline 100mg uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên, trong 7 ngày.
Tetracycline 500mg uống ngày 4 lần, mỗi lần 1 viên, trong 7 ngày.
Azithromycin 1g uống liều duy nhất.
Chú ý: Chữa trị cho bạn tình với liều tương tự. Không dùng Doxycycline, Tetracycline cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú.
3. Chuyển tuyến khi
- Không có sẵn các thuốc trên đây.
- Các triệu chứng không giảm sau một đợt chữa trị.
- Bệnh lậu đã có biến chứng như viêm mào tinh hoàn.
4. Thông tin và tư vấn
Mọi trường hợp mắc hội chứng tiết dịch niệu đạo đều cần nên giáo dục và tư vấn về hành vi tình dục an toàn. Cán bộ y tế cần tuân thủ các nguyên tắc về tư vấn trong cuốn chuẩn mực này.
Các vấn đề chính cần tư vấn cho người mắc hội chứng tiết dịch niệu đạo là:
- Hậu quả của bệnh khi không được chữa trị đúng và đầy đủ, cần nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm và gây viêm tiểu khung, chửa ngoài tử cung, vô sinh ở bạn tình, gây viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh có thể dẫn tới mù loà, viêm phổi trẻ sơ sinh...
- Tuân thủ chỉ định chữa trị của thầy thuốc, đến khám lại theo lịch hẹn.
- Khả năng lây truyền cho bạn tình.
- Tình dục an toàn và hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách và thường xuyên.
- Thông báo và chữa trị bạn tình.
Có nhiều người đã bị lây nhiễm nhưng không biểu hiện triệu chứng (có tới trên 50%) nhưng họ vẫn có thể lây bệnh cho bạn tình và bệnh vẫn tiến triển gây ra những biến chứng cho họ.
- Nguy cơ lây nhiễm các bệnh LTQÐTD khác và HIV, tư vấn trước khi xét nghiệm HIV.
- Ðịa điểm tư vấn và xét nghiệm HIV.