Bệnh ung thư - 11 điều phải nhớ khi gia đình có người bị ung thư!
Khi người mà bạn yêu quý nhất phải đối mặt với quỷ dữ, mọi thứ xung quanh bạn dường như sụp đổ! Cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Tôi nhìn em gái tôi vừa bế đứa con gái đầu lòng mới 2 tháng tuổi vừa hát ru trong phòng điều trị bệnh viện nhi trung ương mà không cầm nổi nước mắt. Đó là năm 2014, là một năm tồi tệ với gia đình tôi.
Cuộc sống vốn không công bằng, chúng ta chỉ có thể sống thích nghi với nó! Sống mạnh mẽ, sống yêu thương và sống ý nghĩa hơn.
Khi một người nhà là bệnh nhân ung thư thì bạn cần nên biết:
1 – Đừng bao giờ nói rằng, tôi đã hiểu hết về ung thư!
Có thể bạn đã đọc rất nhiều sách, báo chí về ung thư, hay bạn đã đọc nhiều bài viết của tôi về ung thư, nhưng hãy nhớ một điều rằng, không có bệnh nhân ung thư nào giống nhau cả. Có thể bạn đã đọc thấy một người nào đó thoát khỏi ung thư nhờ lá đu đủ, nhưng nó cũng chưa chắc đã đúng với người thân của bạn. Ung thư giống như một đứa con nít ngỗ ngược, nó láu cá, nó thất thường! Do đó, hãy cố gắng lắng nghe người thân của mình nhiều hơn!
2 – Những người bị ung thư sẽ sợ nghe nhất 2 chữ “ Ung thư”, họ không muốn nghe đến 2 chữ này trong những câu chuyện cuộc sống!
Bạn không phải ngạc nhiên khi một thực tế rằng các bệnh nhân ung thư sẽ không muốn nói chuyện về bệnh tật của họ trong câu chuyện hàng ngày. Thông thường thì họ chỉ muốn giao tiếp những chuyện giống như người bình thường như: Hôm nay nấu món gì? Trận bóng tối hôm qua thế nào? Hoặc về cuốn sách mà họ thích đọc… hãy chiều theo ý họ, hãy cho họ những khoảnh khắc thoải mái, quên đi bệnh tật. Chỉ nên có cuộc trò chuyện về ung thư trong những lần gặp bác sĩ hoặc những trường hợp cần thiết!
3. Đôi lúc tất cả những gì bạn cần làm chỉ là “lắng nghe”!
Các bệnh nhân ung thư thường có xu hướng nghĩ rằng: bạn sẽ không thể hiểu họ đang trải qua điều gì! Họ cũng không hy vọng bạn hiểu. Họ cũng không mong rằng bạn đưa ra lời khuyên và liên tục gửi những tin nhắn tích cực! Đôi khi tất cả những điều họ cần là: có một người biết lắng nghe ở bên cạnh họ, đó là điều họ cần nhiều hơn là bạn nghĩ!
4 – Người bị ung thư cần sự khích lệ, không phải lời khuyên!
Người thân của bạn nếu đang được điều trị bởi các người bác sĩ tâm huyết, thì họ sẽ chỉ nghe theo lời khuyên của bác sĩ! Họ không mong chờ những lời khuyên đó đến từ bạn. Hãy nhớ rằng, nếu họ cần lời khuyên, họ sẽ đến bác sĩ. Cái mà họ cần ở bạn chỉ đơn giản là sự khích lệ, động viên và đồng cảm mà thôi.
“ Đừng lo, anh sẽ luôn ở bên em, chúng ta sẽ sớm vượt qua điều này” đó là tất cả những gì bạn cần nói trước khi tiến hành bất cứ liệu pháp điều trị nào!
5 – Hành động nhỏ nhặt thể hiện sự quan tâm!
Những hành động đơn giản như: bạn mua cho họ một tờ báo buổi sáng hoặc ghé nhà thăm hỏi có ý nghĩa với bệnh nhân hơn bạn tưởng! Đó chỉ là những điều nhỏ bé mà thực sự đem đến hạnh phúc cho người bệnh.
6 – Hãy là người biết quan sát!
Người thân của bạn không phải lúc nào cũng thoải mái hay nói với bạn tất cả điều họ cần. Hãy cần thật lưu ý tới các từ ngữ và ngôn ngữ cơ thể của họ.
Có thể họ không muốn cảm thấy yếu đuối khi phải phụ thuộc vào người khác vì những nhu cầu cá nhân. Hãy quan sát nhiều hơn để chủ động đề nghị được giúp đỡ họ.
7 – Hãy kiên trì!
Chính bạn đang tham gia vào một cuộc đấu tranh lâu dài để giành lại cuộc sống cho chính người thân của bạn. Có những lúc bạn sẽ cảm thấy chán nản, nhưng hãy nhớ rằng, khó khăn của bạn chẳng thấm gì so với nỗi đau mà người thân của bạn (Bệnh nhân ung thư) đang gánh chịu.
Hãy kiên trì!
Hãy hít một hơi thật sâu!
Chăm sóc bệnh nhân ung thư như là 1 hành trình đầy những góc cua và ngõ cụt. Chặng đường đó có thể không sáng dần lên nhưng bạn lại có thể biến mọi thứ trở thành 1 giai điệu có thể chịu đựng được!
8 – Hãy lạc quan!
Đừng để bệnh nhân thêm phần căng thằng về những lời than phiền của bạn!
Đừng nhắc nhiều tới vấn đề tiền nong hoặc bệnh tật. Bạn cũng cần nên biết rằng: căng thẳng, stress sẽ làm tăng quá trình di căn lên 6 lần! Với một câu chuyện vui, một bộ phim hài hoặc những bài nhạc yêu thích… sẽ làm bệnh nhân lạc quan yêu đời hơn. Hãy động viên họ đặc biệt là lúc họ sắp phải trải qua một ngày khó khăn.
9 – Hãy để người bệnh một mình khi họ muốn!
Ai cũng cần những khoảng lắng trong cuộc đời.
Một phút riêng tư!
Một phút suy ngẫm!
Những cái nhìn xa xăm!
Hãy cho họ biết rằng bạn sẽ luôn có mặt khi họ cần, nhưng đừng khăng khăng xuất hiện nếu họ muốn có khoảng không riêng tư.
10 – Bạn cũng cần được động viên, nhưng không phải từ người bệnh:
Khi đối mặt với kết quả chẩn đoán, xét nghiệm của người thân trên tay có thể đánh gục bạn cho dù bạn có mạnh mẽ đến đâu. Thật không dễ dàng chút nào khi vừa phải chăm sóc người thân cũng vừa phải đối phó với các cảm xúc tiêu cực của mình. Hãy nhớ rằng, bạn đang là chỗ dựa vững chắc nhất cho bệnh nhân, đừng bao giờ để bệnh nhân thấy bạn gục ngã, yếu đuối hoặc tiêu cực, vì những cảm xúc đó sẽ tác động tới người thân của bạn. Bạn cũng cần được động viên, nhưng hãy tìm người khác, họ có thể là những người thân khác trong gia đình, một chuyên gia hay một sư thầy đắc đạo. Những lời khuyên của họ sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn để bạn có thể tiếp thêm sức mạnh, để giúp đỡ người đang cần nó nhất.
11 – Bên dưới nỗi đau vẫn có 1 con người!
Không chỉ là 1 con người mà là 1 người bạn yêu thương, là một phần cuộc sống của bạn. Bệnh tật có thể thay đổi họ ở bên ngoài, đôi khi sự thay đổi đó là quá lớn khiến bạn không còn nhận ra họ. Họ vẫn ở đó, vẫn là người mà chúng ta yêu thương nhất, vẫn là một phần cuộc sống của chúng ta.
Hãy yêu thương họ, nắm lấy tay họ để không bao giờ phải nối tiếc!
Tôi là một con người bé nhỏ, dù chỉ có một người theo dõi và đọc bài viết của tôi, tôi cũng thấy hạnh phúc nếu thực sự tôi có thể giúp họ thay đổi cuộc đời!