Huyết tương - Các thành phần cơ bản và chức năng của huyết tương
1. Prôtêin huyết tương
Prôtêin huyết tương là các phân tử lớn, có trọng lượng phân tử cao (tính theo Dalton). Ví dụ: trọng lượng phân tử của albumin: 69000, của fibrinogen: 340000 v.v...
Trong sinh lý học tỷ số giữa albumin (A)/globulin (G) được xem là một hằng số và gọi là hệ số prôtêin. Thường A/G = 1,7. Tỷ số đó được dùng để nghiên cứu sự cân bằng nước, đánh giá trạng thái cơ thể trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
Prôtêin huyết tương có những chức năng chính sau:
- Chức năng tạo nên áp suất keo của máu:
Thành phần chủ nhất của prôtêin huyết tương là albumin, albumin có chức năng chính là tạo nên áp suất thẩm thấu ở màng mao quản (gọi là áp suất keo) dựa vào các phân tử prôtêin có khả năng giữ một lớp nước xung quanh phân tử, do đó giữ được nước lại trong mạch máu.
Albumin được coi là nguyên liệu xây dựng của tế bào. Fibrinogen góp phần tham gia vào quá trình đông máu. Globulin α và β tham gia vận chuyển các chất lipid như là acid béo, phosphatid, steroid... còn γ globin có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ chế miễn dịch bảo vệ cơ thể. Trong 7,5 atmotphe áp suất của huyết tương chỉ nằm ở mức 1/30 atmotphe (28 mmHg) là do prôtêin (chủ yếu là albumin). Mặc dù áp suất keo nhỏ nhưng rất quan trọng vì nó tác động đến sự trao đổi nước giữa hai bên thành mao mạch, giữ cân bằng nước giữa máu và dịch kẽ tế bào.
Albumin do gan sản xuất và đưa vào máu. Vì thế, trong các bệnh làm giảm chức năng gan, trong bệnh suy dinh dưỡng nặng, albumin trong máu giảm làm áp suất keo giảm, nước trong mạch máu thoát ra đọng trong các khoảng gian bào, gây phù.
- Chức năng vận chuyển:
Những prôtêin thường là những chất tải cho nhiều chất hữu cơ và vô cơ: ví dụ như lipoprôtêin vận chuyển lipid, tiền albumin liên kết thyroxin (thyroxin binding prealbumin), globulin liên kết thyroxin (thyroxin binding globulin...
- Chức năng bảo vệ:
Một trong các thành phần chủ yếu của huyết tương là các globulin miễn dịch (đó là các gamma globulin) gồm: IgG, IgA, IgM, IgD, IgE (do các tế bào lympho B sản xuất). Những globulin miễn dịch có tác dụng dùng để chống lại kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể. Thông qua hệ thống miễn dịch, những globulin miễn dịch đã bảo vệ cho cơ thể.
- Chức năng cầm máu:
Những yếu tố gây đông máu: I, II, V, VII, IX, X của huyết tương quan trọng nhất là các prôtêin do gan sản xuất.
- Cung cấp prôtêin cho toàn bộ cơ thể:
2. Các hợp chất hữu cơ không phải prôtêin
Ngoài thành phần prôtêin, trong huyết tương còn có những hợp chất hữu cơ không phải prôtêin.
Những hợp chất hữu cơ không phải prôtêin được chia làm hai loại: các chất có chứa nitơ và chất không chứa nitơ.
- Các chất hữu cơ không phải là prôtêin, có chứa nitơ: urê 300mg/l; acid amin tự do 500mg/l; acid uric 45mg/l; creatin, creatinin 30mg/l; bilirubin 5mg/l, amoniac 2mg/l.
- Những chất hữu cơ không phải là prôtêin, không chứa nitơ: glucose 1g/l; lipid 5g/l; cholesterol 2g/l; phospholipid 1,5g/l; acid lactic 0,1g/l.
Hầu hết những lipid huyết tương đều gắn với prôtêin tạo nên lipoprôtêin, trong đó lipid gắn với α1- globulin (25%), với β-globulin (70%).
Ngoài ra trong huyết tương còn có những chất có hàm lượng rất thấp nhưng có vai trò chủ yếu đối với những chức phận cơ thể như: các chất trung gian hóa học, các chất trung gian chuyển hóa, các hormon, các vitamin và các enzyme.
3. Các thành phần vô cơ
Những chất vô cơ thường ở dạng ion và được chia thành hai loại: anion và cation. Những chất vô cơ giữ vai trò quan trọng trong điều hòa áp suất thẩm thấu, điều hòa pH máu và tham gia vào các chức năng của tế bào.
- Áp suất thẩm thấu bình thường, áp suất thẩm thấu của máu là 300-310 mOsm. Áp suất thẩm thấu chủ yếu do Na+ và Cl- quyết định (95%), bên cạnh đó còn một số chất khác như: HCO3 -, K+, Ca++, HPO4--, glucose, prôtêin, ure, acid uric, cholesterol, SO4--...Áp suất thẩm thấu giữ nước ở vị trí cân bằng.
Thay đổi áp suất thẩm thấu tác động thay đổi hàm lượng nước trong tế bào và gây rối loạn chức năng tế bào.
- Cân bằng ion
Những ion (anion và cation) trong huyết tương là cân bằng điện tích. Ðo nồng độ ion bằng Equivalent (Eq). Eq là lượng một ion bằng trọng lượng Mol chia cho hóa trị (Eq=1000mEq).
Cân bằng ion có vai trò chính yếu đối với chức năng tế bào, với cân bằng acid-base máu.
Sự cân bằng của các ion này được thực hiện nhờ các cơ chế: khuếch tán, tĩnh điện, cân bằng Donnan, vận chuyển tích cực của tế bào, cơ chế siêu lọc, tái hấp thu và bài tiết tích cực của thận ...