Bệnh tiểu đường - Công dụng tuyệt vời của khoai lang trong việc ổn định đường huyết
Khoai lang trắng, khoai lang đỏ
Tiến sĩ Võ Văn Chi có nhiều năm trong việc nghiên cứu về thảo dược, nhận định khoai lang có tên khoa học là Ipomoea batatas (L.) Lam. Cây thuộc họ khoai lang Convolvulacece.
Khoai lang là loài cây thảo dược sống lâu năm, thân mọc bò, dài từ 2 đến 3 m. Rễ phình thành củ tròn dài, vỏ đỏ ruột vàng, vỏ trắng ruột trắng. Lá có nhiều hình thù, thường hình tim xẻ ba thùy sâu hoặc cạn, cuống dài. Hoa có màu tím nhạt hay trắng, có ít hoa ở đầu cành. Khoai lang dễ trồng, sống được ở nhiều điều kiện khí hậu khác nhau, ưa đất pha cát, nơi có lượng mưa khoảng 1.000 mm hàng năm, không chịu hạn được trong thời gian sinh trưởng.
Đông y thường dùng phần ngọn của dây khoai lang non và vỏ củ trắng làm thuốc. Người ta thu nhặt các ngọn cây có lá tía rửa sạch, dùng tươi. Vị thuốc này ngọt, mát, công dụng bổ trung sinh tân, ích khí lực, chỉ huyết, nhuận tràng, bổ hư tổn, bài nung, mạnh tỳ thận. Dùng để trị kiết lỵ, đại tiện táo bón, di tinh, đái đục, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tụt huyết áp, giảm béo phì, tiểu đường.
Hiện nay vẫn chưa tìm ra được thuốc chữa trị tiểu đường. Thế nhưng, các triệu chứng trên có thể được theo dõi qua quá trình điều trị. Nếu những triệu chứng không được chữa trị có nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm khiến tử vong như suy tim, suy thận... Những bác sĩ khuyến khích bệnh nhân tiểu đường nên duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục hàng ngày, thay đổi chế độ ăn uống nhằm kiểm soát lượng đường trong máu ở mức an toàn. Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện khoai lang có những thuộc tính có khả năng điều trị một vài triệu chứng của bệnh tiểu đường do nó có thể ổn định hàm lượng insulin.
Khoai lang có công dụng cân bằng hàm lượng insulin trong cơ thể, hạn chế lượng đường trong máu. Loại củ này chứa lượng calo thấp, rất an toàn cho bệnh nhân tiểu đường.
Ở Philippine, từ năm 1944, người ta đã phát hiện trong ngọn của dây khoai lang màu đỏ một hoạt chất giống như insulin, nhưng các lá già thì không thấy hoạt chất này. Các bác sĩ khuyên bệnh nhân bị bệnh tiểu đường nên ăn loại rau này. Năm 2003, những nhà khoa học Nhật Bản phát hiện thấy hoạt chất caiapo trong khoai lang trắng có tác dụng giúp cơ thể tái xử lý insulin cực tốt. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Hàn Quốc đã chứng minh rằng ăn khoai lang trắng có kết quả tốt đối với bệnh nhân thiếu máu và tăng huyết áp.
Năm 2002, trong cuộc hội thảo Hóa học các hợp chất thiên nhiên với Y học cổ truyền tại TP HCM giới thiệu bài thuốc chữa bệnh tiểu đường từ cây khoai lang sau đây:
- Ăn ngọn của dây khoai lang lá tía chế biến tùy ý, càng nhiều càng tốt, có thể ăn cùng cơm. Có người đã dùng đọt non rau khoai lang tía (tím), xào, luộc, nấu canh, gần như ăn trừ cơm liên tục trong 3 tuần. Người này đã sống khỏe suốt 40 năm, bệnh tình không tái phát.
- Ăn rau khoai lang đỏ. Uống thêm nước sắc quả chuối hột xanh 30g uống mỗi ngày.
- Dùng 50g vỏ tươi của củ khoai lang trắng nấu nước uống hàng ngày.
- Củ khoai lang trắng rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, mỗi ngày dùng 50g hãm nước sôi uống liên tục trong 10 ngày.