Vòng tuần hoàn - Hiểu biết về vòng tuần hoàn máu
1. Tổng quan về vòng tuần hoàn:
1.1. Vòng tuần hoàn nhỏ:
– Máu từ tâm thất phải đi tới phổi bằng động mạch phổi là động mạch chứa máu màu đỏ thẫm để thực hiện sự trao đổi khí là nhả CO2 và nhận O2.
– Máu từ phổi trở về tâm nhĩ trái bằng các tĩnh mạch phổi, là tĩnh mạch chứa đựng máu màu đỏ tươi.
1.2.Vòng tuần hoàn lớn:
Máu từ tâm thất trái theo động mạch chủ đi nuôi cơ thể rồi về tâm nhĩ phải bằng các tĩnh mạch chủ và xoang tĩnh mạch vành.
2. Các mạch máu của vòng tuần hoàn nhỏ:
2.1. Động mạch phổi:
Thân động mạch phổi dài cỡ 5cm lên tới ngang mức đốt sống ngực thứ 4 thì chia hai nhánh thành động mạch phổi phải và trái đi vào hai lá phổi.
Tại rốn phổi động mạch phải chia ba nhánh, động mạch phổi trái chia hai nhánh đến các thuỳ phổi. Các nhánh lại tiếp tục phân nhỏ hình thành mạng lưới mao mạch bao quanh các phế nang để tiến hành trao đổi khí
2.2.Tĩnh mạch phổi:
Xuất phát từ các mao tĩnh mạch trong các phế nang, máu được tập trung thành những tĩnh mạch nhỏ rồi tới các tĩnh mạch lớn cuối cùng đổ vào hai tĩnh mạch phổi ở mỗi lá phổi để đổ máu động mạch vào tâm nhĩ trái.
3.Các mạch máu của vòng tuần hoàn lớn:
Gồm: động mạch chủ và tĩnh mạch chủ
3.1.Động mạch chủ:
Gồm có ba phần: động mạch chủ lên, cung động mạch chủ và động mạch chủ xuống.
3.1.1. Động mạch chủ lên:
Từ tâm thất trái đi ra dài chừng 5cm. Từ động mạch chủ lên tách ra hai động mạch: vành phải và trái để nuôi tim.
3.1.2. Cung động mạch chủ:
Từ mặt trên của cung động mạch chủ tách ra thành ba động mạch lớn:
Thân động mạch cánh tay đầu: động mạch cảnh gốc trái và động mạch dưới đòn trái.
1. Thân động mạch cánh tay đầu: Từ động mạch này chia ra hai động mạch: động mạch cảnh gốc phải và động mạch dưới đòn phải.
2. Động mạch cảnh gốc: Động mạch cảnh gốc phải và trái đều chia làm hai ngành tận là: Động mạch cảnh ngoài và động mạch cảnh trong cấp máu cho khu đầu, mặt, cổ.
3. Động mạch dưới đòn: Động mạch dưới đòn phải và trái đều tách ra các nhánh bên đi nuôi dưỡng tuỷ sống, da cơ và các cơ quan ở vùng ngực và vùng cổ.
* Động mạch dưới đòn khi chạy tới điểm giữa và dưới xương đòn thì được gọi là động mạch nách cấp máu nuôi dưỡng da cơ vùng đai vai, vùng lưng, vùng ngực bên.
* Động mạch-nách khi tới ngang bờ dưới cơ ngực to thì đổi thành động mạch cánh tay cấp máu cho vùng cánh tay.
* Động mạch cánh tay khi đến khuỷu tay thì phân ra hai nhánh là: Động mạch quay và động mạch trụ, cấp máu cho vùng cẳng tay và bàn tay.
3.1.3. Động mạch chủ xuống:
Gồm động mạch chủ ngực (đi trong vùng ngực) và động mạch chủ bụng (đi trong vùng bụng).
Động mạch chủ ngực và động mạch chủ bụng: Đều tách thành hai nhánh là: Động mạch thành và động mạch tạng cấp máu cho thành và tạng trong khoang ngực và khoang bụng.
Động mạch chủ bụng xuống đến khung chậu sẽ chia thành hai nhánh: động mạch chậu chung trái và động mạch chậu chung phải.
Động mạch chậu chung: Mỗi động mạch lại phân ra thành động mạch là: Động mạch chậu trong và động mạch chậu ngoài.
* Động mạch chậu trong: Khi chạy xuống chậu hông bé, phân làm nhiều nhánh tới thành và các tạng ở khung chậu bé.
* Động mạch chậu ngoài: Sau khi chui qua dây chằng bẹn (cung đùi) thì đổi thành động mạch đùi cấp máu cho khu đùi.
* Động mạch đùi lúc vòng qua cơ khép lớn thì chuyển thành động mạch khoeo.
* Động mạch khoeo đến bờ dưới cơ khoeo sẽ chia thành hai nhánh là: động mạch chày trước và động mạch chày sau cấp máu cho vùng cẳng chân và bàn chân.
3.2. Tĩnh mạch chủ:
Đem máu trở về tim theo ba hệ thống:
1. Các tĩnh mạch thành tim: Tiếp nhận máu từ động mạch vành sau đó dẫn vào tâm nhĩ phải.
2. Tĩnh mạch chủ trên: Nhận máu từ chi trên, đầu, cổ, thành ngực, và một phần ổ bụng rồi đổ vào tâm nhĩ phải.
3. Tĩnh mạch chủ dưới: Nhận máu từ chi dưới, vùng chậu hông, một phần bụng và các tạng trong ổ bụng.
Riêng máu từ các tạng (tỳ, dạ dày, tụy, túi mật, ruột non trước lúc đổ vào tĩnh mạch chủ dưới phải đi qua gan (theo tĩnh mạch cửa) để gan lọc.