Thanh quản - Loạn cảm giác họng, dấu hiệu ung thư hạ họng?
Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Hữu Phẩm, Phó Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình cho biết: Bệnh nhân mắc chứng LCH chủ yếu là nữ, lứa tuổi trung niên trở lên và triệu chứng của bệnh rất đa dạng, rất dễ bị chẩn đoán nhầm hoặc người bệnh tự nghĩ mình bị ung thư. Lưu ý, khi có những cảm giác bất thường trong họng như: lập lờ, nghèn nghẹn, tức như mắc viên thuốc, hạt cơm, hóc cái tăm...xuất hiện khi nuốt nước bọt, không xuất hiện khi nuốt thức ăn đó chính là dấu hiệu của LCH. Cần phát hiện sớm để có phác đồ điều trị đúng sẽ chữa trị bệnh hiệu quả, đồng thời giải toả sự lo lắng về bệnh tật.
Theo thống kê, tại phòng khám Tai mũi họng Bệnh viện Trường Đại học Y Thái Bình, có 120/2403 người đến khám được chẩn đoán là loạn cảm họng, chiếm gần 5%. Theo Bác sỹ Nguyễn Hữu Phẩm, đây là hội chứng của nhiều bệnh, người có dấu hiệu LCH luôn có cảm giác sợ hãi mắc phải chứng bệnh “vô phương cứu chữa”. Thể trạng bệnh nhân ít thay đổi, nhưng người mệt mỏi, mất ngủ, ăn uống kém. Một số ít bệnh nhân sa sút về thể chất, suy sụp về tinh thần do nghĩ mình mắc bệnh ung thư. Triệu chứng cơ năng rất phong phú tùy từng bệnh nhân có cảm giác khác nhau như: nuốt vướng, nghèn nghẹn hoặc như cài cúc cổ chặt; cảm giác như có giun đũa ngoáy trong họng; cảm giác bị hóc xương, hóc tăm sau ăn hoặc uống viên thuốc không trôi; giắt hạt cơm, hạt thóc, vảy ốc trong họng. Những cảm giác trên mơ hồ, khó xác định ở bên phải hay bên trái cổ họng, cảm giác đó tăng lên khi bệnh nhân nghĩ đến bệnh, ngược lại, nếu không để ý thì không thấy cảm giác vướng trong họng xuất hiện.
Xét theo cơ chế bệnh sinh thì người bệnh mắc hội chứng “trào ngược dạ dày - thực quản”. Dạ dày có chức năng bài tiết dịch vị, co bóp và đóng mở cơ tâm vị, môn vị. Khi bị rối loạn, dịch vị qua tâm vị lên thực quản tràn vào thanh, khí, phế quản. Dịch vị có tính axit nên làm tổn thương niêm mạc giống như tổn thương bỏng. Phụ nữ ở tuổi mãn kinh hoặc tiền mãn kinh(45-55 tuổi) hay có rối loạn toàn thân: tính tình bực bội, cáu gắt kèm theo dị cảm như mặt lúc đỏ lúc tái, nóng phừng phừng, đau khớp, đau vai lan ra nhiều nơi; tim đập hồi hộp đánh trống ngực, có lúc như bị bóp nghẹt, cảm giác vướng họng và khó thở...
Một số dấu hiệu phân biệt LCH với các bệnh lý như: xúc động tâm thần (stress) khi bị những kích động tâm lý mạnh như tang tóc, thất tình, làm ăn thua lỗ, thi cử không đỗ đạt...rất dễ bị co thắt cơ siết họng gây chứng khó nuốt. Viêm, lao thanh thiệt, ung thư hạ họng thanh quản ở giai đoạn đầu cũng gây ra nuốt vướng, nuốt đau nhưng triệu chứng nuốt vướng ở bệnh ung thư có dấu hiệu nặng dần làm cho bệnh nhân ăn uống khó khăn. Co thắt cơ nhẫn họng ở người có cơ địa co cứng. Túi nhánh thực quản: cảm giác nghẹn sau khi ăn, hơi thở mùi hôi. Bệnh tuyến giáp: bướu, thiểu năng tuyến giáp. Viêm khớp thái dương hàm: bệnh nhân há miệng hoặc nhai đau khớp thái dương hàm, đau tăng lên khi ấn vào khớp. Đau dây thần kinh lưỡi họng: Bệnh nhân có những cơn đau điếng ngắn xuất hiện đột ngột ở một bên lưỡi hoặc họng, kết thúc nhanh.
Bác sỹ Phẩm khuyến cáo mọi người nếu không muốn mắc chứng LCH nên duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, kiêng rượu bia, thuốc lá, đồ cay, đồ lạnh...Kiêng làm việc nhiều, quá sức, thức khuya. Hạn chế stress, không nên suy nghĩ nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ, ngủ, nghỉ điều độ.