Phế quản - Những điều cần biết về bệnh viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là một tình trạng lớp niêm mạc của các ống phế quản bị viêm, với dấu hiệu đặc trưng nhất là niêm mạc phế quản bị sưng và phù nề. Đồng thời khi niêm mạc phế quản bị kích thích dẫn tới tăng tiết dịch nhầy gây bít tắc phế quản và tổn thương lông mao.
Bao nhiêu loại viêm phế quản?
Bệnh viêm phế quản được chia làm 2 loại: viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mãn tính.
- Viêm phế quản cấp tính là tình trạng bệnh lý viêm phế quản đã diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, nguyên nhân thường do cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp ở trên gây ra.
- Viêm phế quản mãn tính là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn với các tổn thương kéo dài xuất hiện ở phổi, nguyên nhân là do người bệnh hút thuốc lá lâu năm hay viêm phế quản cấp tính tái đi tái lại nhiều lần mà không điều trị sớm hay phù hợp để chữa dứt điểm.
Nguyên nhân và triệu chứng khi bị bệnh viêm phế quản
Nguyên nhân bệnh viêm nhiễm ở phổi hết 90% là do virut, 10% còn lại là do vi khuẩn.
Khi bị viêm phế quản, bệnh nhân hay có một số biểu hiện phổ biến của viêm đường hô hấp ở trên như:
- Sốt nhẹ, cơ thể cảm thấy đau nhức, mệt mỏi
- Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi
- Cổ họng đau rát
Nặng hơn thì bệnh nhân sẽ sốt cao 39-40 độ, ho nhiều. Ở cổ họng cảm thấy vướng víu, lúc khạc nhổ ra thấy đờm trắng, đục, có màu xanh hoặc vàng, đôi khi lẫn cả máu.
Một số biện pháp xử trí khi bị bệnh viêm phế quản
Nếu bị viêm phế quản cấp tính, bệnh nhân thường có thể tự khỏi sau một khoảng thời gian nghỉ ngơi nhất định, ăn uống hợp lý cũng như uống nước đầy đủ. Tránh ở môi trường ô nhiễm, khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá.
Cũng cần kết hợp điều trị viêm phế quản với các liệu pháp sau để triệt tiêu bệnh một cách nhanh hơn:
- Nếu người bệnh sốt cao trên 38,5 độ thì cần cho uống một số loại thuốc hạ sốt có chứa thành phần paracetamol như: panadol, efferalgan... Đồng thời cho uống thêm oresol cùng nước hoa quả để bù lại lượng nước thất thoát trong khoảng thời gian sốt.
- Trường hợp bệnh nhân khó thở, nghe có tiếng rít cần kết hợp chữa trị thêm với những loại thuốc giãn phế quản như salbutamol hay theophyllin...
Mặc dù bệnh viêm phế quản cấp có thể tự khỏi nhưng không nên vì thế mà người bệnh chủ quan với căn bệnh này. Nếu bệnh không được điều trị triệt để có thể sẽ dẫn đến tình trạng viêm phế quản mãn tính. Lúc đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều, thời gian điều trị cũng kéo dài và chi phí cũng tốn kém hơn mà không thể đảm bảo rằng việc điều trị bệnh sẽ dứt điểm hoàn toàn.