Ruột già - Táo bón, căn bệnh thời đại
Kéo dài gây bệnh
Triệu chứng của táo bón là số lần đi tiêu ít hơn 3 lần trong tuần hoặc phân khô và cứng. Người bị táo bón thường gặp khó khăn hoặc bị đau khi đi tiêu cũng như các rối loạn khác như khó chịu, đầy bụng, buồn nôn, chán ăn và mệt mỏi toàn thân.
Có nhiều ngành nghề được gọi là nhạy cảm với táo bón. Nghề làm lãnh đạo, quản lý, thương nhân... thường phải làm việc trên bàn nhậu với vô số “đồ bổ” nhiều chất đạm, chất béo mà ít chất xơ, với các loại rượu, bia và các nước giải khát “gây táo bón”.
Những người làm việc nhiều ngoài trời nắng như thợ làm đường, thợ hồ... cũng dễ bị táo bón do mất nước qua mồ hôi. Một số thợ may, nhân viên vi tính, lái xe... phải ngồi lâu, bất động có thể làm giảm cảm giác mót đi cầu, phân tiếp tục mất nước trở nên khô và rắn.
Giáo viên, lái xe... thường phải nhịn khi có nhu cầu đi tiêu. Lâu ngày, phân ở ruột già tích lại làm dãn ruột ở đây. Cảm giác mót đi cầu mất đi, khi cần thì khối phân không thể lọt qua hậu môn, thế là bị táo bón.
Đối với phần lớn trường hợp, táo bón chỉ là triệu chứng thoáng qua và không nghiêm trọng lắm. Tuy nhiên, táo bón kéo dài không chỉ làm cho người bệnh đau đớn và khó chịu mà còn làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng, trĩ, viêm ruột thừa...
Thức ăn nhuận trường
Mặc dù xơ thực phẩm không trực tiếp cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng nhưng lại thực hiện rất nhiều chức năng sinh học, đặc biệt là chức năng nhuận trường có tác dụng phòng ngừa táo bón.
Khi kết hợp với nước, chất xơ hút nước và nở to làm cho phân mềm ra và khối phân to ra hơn trước khiến vách ruột càng bị kích thích mạnh, nhu động ruột càng mạnh hẳn lên làm cho việc bài tiết dễ dàng.
Việc tăng tần suất đi tiêu làm tăng tốc độ thải các độc tố và giảm độ đậm đặc của các chất độc này. Điều này giúp tránh được nguy cơ ung thư đại tràng. Ngoài ra, chất xơ còn có tác dụng làm tăng khả năng miễn dịch hệ tiêu hóa nhờ tính chất tăng hệ vi khuẩn lành tính đường ruột, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa; giúp ổn định đường máu và giảm cholesterol máu.
Thức ăn nhuận trường dễ làm người ta liên tưởng tới các món ăn đơn sơ và dân dã, như một đĩa rau lang luộc, một bát canh mồng tơi giữa trưa hè hay miếng đu đủ vàng ươm với những cái hạt màu đen... Tại sao rau lang, đu đủ lại nhuận trường? Thực ra, các loại rau trái khác đều có tính nhuận trường. Đó là nhờ vào hệ thống chất xơ vốn rất nhiều trong các thực phẩm thực vật.
Chất xơ thực phẩm có nhiều trong nguồn thực vật, đặc biệt trong trái cây, rau, ngũ cốc nguyên cám, các hạt họ đậu. Hầu hết các thực vật chứa xơ không tan nhiều hơn xơ tan (xơ không tan chiếm 50% – 75% tổng chất xơ so với xơ tan chiếm 25% – 30% tổng chất xơ).
Thực phẩm ngừa táo bón
- Các loại rau: Rau đay, mồng tơi, rau khoai lang, rau sam, rau má, cải trắng, cần, chân vịt, càng cua, lá sâm, khổ qua, đậu bắp, giá đỗ…
- Trái cây: Đu đủ, thanh long, bưởi, cam quít, chuối, thơm, táo, lê…
- Củ quả: Củ cải trắng, bí đỏ, dưa leo, khoai lang nghệ, khoai tây cả vỏ, khoai mỡ…
- Ngũ cốc, đậu: Mè, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen cả vỏ, gạo lức…
- Các loại thức ăn khác: Hạt é, rau câu, sương sâm, sương sáo, sương sa…
Điều trị táo bón tại nhà
- Bổ sung thêm chất xơ cho bữa ăn.
- Tập thể dục thường xuyên là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe của ruột.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc và nước trái cây. Uống 6-8 ly nước mỗi ngày ngoài những lần uống trong bữa ăn.
- Đi cầu vào cùng một thời điểm mỗi ngày - có thể là sau bữa ăn - và lưu lại đó đủ thời gian.
- Dùng những loại đường không dễ tiêu (lactulose) hoặc những dung dịch có công thức đặc biệt.
- Tránh dùng những loại thuốc nhuận trường bán tự do ngoài hiệu thuốc. Tránh dùng những thuốc nhuận trường có chứa senna (Senokot) hoặc buckthorn (Rhamnus purshiana) do sử dụng
chúng kéo dài có thể gây tổn thương lớp niêm mạc ruột và những đầu tận của các dây thần kinh đi đến ruột.
- Cố gắng tập thể dục mỗi ngày chẳng hạn như tập tư thế gập gối. Những tư thế này có thể gây kích thích nhu động ruột. Giữ tư thế đó trong vòng từ 10 - 15 phút. Thở vào và ra sâu.
Thuốc
Nếu những biện pháp ban đầu phía trên thất bại, bác sĩ có thể cho bạn thử dùng những loại thuốc nhuận trường có thời gian tác dụng ngắn. Bạn cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng một
trong những loại thuốc sau, đặc biệt là nếu sử dụng trong thời gian dài.
- Dầu khoáng.
- Natri docusate hoặc Canxi docusate sẽ có ích nếu như bạn không thể rặn được, chẳng hạn như trong trường hợp bạn bị bệnh tim mạch, có thai, hoặc sau phẫu thuật đường tiêu hóa.
- Thuốc nhuận trường là nước muối, chẳng hạn như hydroxide magne (Phillips Milk của Magnesia) hoặc Natri phosphate ((Phospho-Soda, Fleet enema) không được khuyến khích sử dụng nếu
như bạn bị suy thận (thận không có khả năng hoặc giảm khả năng loại bỏ chất thải). Những loại thuốc nhuận trường này có thể gây ra những tác dụng phụ nặng nề nếu sử dụng trong thời gian
dài.
- Polyethylene glycol 3350 (Miralax) là một loại thuốc nhuận trường thẩm thấu không được dạ dày hấp thu. Nó giữ nước lại bên trong ruột làm cho phân mềm ra và có tác dụng nhuận trường. Nó
có thể được sử dụng trong một thời gian ngắn để điều trị táo bón (trong vòng 2 tuần). Miralax là một loại thức uống được pha chế bằng cách hòa lẫn bột với 240mL nước.
- Đường không hấp thu chẳng hạn như lactulose và sorbitol cũng có thể có tác dụng. Hơn nữa, chúng thường có thể sử dụng được trong một thời gian dài. Tuy nhiên chúng thường gây ra đau
quặn bụng, tiêu chảy và mất cân bằng điện giải.
- Cisapride (Propulsid) có thể có tác dụng đối với những bệnh nhân bị táo bón do di chuyển phân chậm. Tuy nhiên, nó đã bị rút ra khỏi thị trường Hoa Kỳ do nó có thể gây ra những tình trạng loạn
nhịp tim chết người.
Bác sĩ sẽ điều trị những bệnh nền của bạn (tắc ruột, nứt hậu môn, trĩ, và ung thư ruột).
- Nếu bạn bị hội chứng ruột kích thích, bạn nên ngừng hút thuốc và tránh uống cafe và những thức ăn có sữa. Theo dõi những thức ăn hằng ngày có thể giúp bạn xác định xem loại thức ăn nào có
thể làm cho những triệu chứng của bạn nặng thêm.
- Bạn cũng có thể được cho uống thyroxin nếu bác sĩ xác định bạn bị suy giáp dựa vào những khám xét trên lâm sàng và những xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Những cách điều trị khác
Nếu bạn chọn dùng những cách điều trị như vi lượng đồng căn, các loại thảo dược, những loại bổ sung dinh dưỡng và thực phẩm chức năng, giác hơi, xoa bóp dầu, và những phương pháp điều trị thay thế và bổ sung khác, bạn cần được biết rằng những sản phẩm và phương pháp trên thường không được chứng minh một cách khoa học rằng chúng có thể chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa hoặc trị khỏi bất kỳ bệnh nào.
Những tương tác nặng nề của chúng với những loại thuốc được kê toa khác luôn có khả năng xảy ra. Hãy thông báo với bác sĩ tất cả những loại thuốc và những chất giống như thuốc mà bạn sử dụng và hãy tìm đến bác sĩ khi bị bệnh trước khi tự ý dùng những loại thuốc hoặc cách điều trị nào đó để tự chữa.