Lưỡi - Ung thư lưỡi: dấu hiệu và cách phòng tránh
Thủ phạm chính gây ung thư lưỡi
Tương tự như ung thư niêm mạc má và ung thư vòm họng, đa số bệnh nhân ung thư lưỡi có hút thuốc lá và uống rượu. Hầu hết những người nghiện rượu hay thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Bên cạnh đó, viêm cận răng cũng là một trong các nguyên nhân tạo ra tế bào ung thư lưỡi, kèm theo vệ sinh răng miệng kém cũng được coi là thủ phạm. Không tính các nguyên nhân trên, người bệnh vẫn có thể bị ung thư lưỡi nếu vệ sinh răng miệng không được đảm bảo.
Mỗi năm, số người mắc ung thư khoang miệng trên 20.000 người, chiếm 10 – 15% trong số các bệnh ung thư và là một trong 10 loại ung thư hay mắc phải nhất ở VN.
“Trong 2 năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân mắc ung thư lưỡi tăng gấp 3 lần các năm trước (nam cao hơn nữ). Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là những người trung niên (trên 40 đến trên 60 tuổi)”, TS.BS Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng khoa ngoại Đầu – Cổ bệnh viện K Trung Ương cho biết.
Khám ung thư ngay nếu 3 tuần dùng kháng sinh không khỏi
Đa số bệnh nhân ung thư khoang miệng đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, trong đó 90% số người bị ung thư lưỡi được phát hiện khi các tổn thương đã lan rộng, phải phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi, tuỳ vị trí và kích thước khối u). Ở thời kỳ đầu rất nhiều bệnh nhân đã nhầm ung thư với nhiệt miệng.
Đa số các bệnh nhân bị ung thư lưỡi không có cảm giác đau ở giai đoạn đầu nên người bệnh thường chủ quan và không đi khám. Nhưng khi các vết thương lớn lên mới xuất hiện nhiều triệu chứng như: xuất hiện hạch ở cổ, vết loét lâu ngày, màu trắng hoặc đỏ ở hai bên lưỡi (có thể hơi đau hoặc không đau), khó khăn khi nói, nhai, chảy máu lưỡi, đau tai… ngứa hay đau rát lưỡi khi uống rượu hoặc ăn các loại thức ăn có tính axit. Các triệu chứng trên có thể lặp đi lặp lại nhiều lần. Quá trình chăm sóc, chữa trị sau khi phẫu thuật khá phức tạp vì ung thư lưỡi có khả năng tái phát và biến chứng rất nhiều. Tương tự các loại ung thư khác, ung thư lưỡi có thể di căn đến phổi, gan hoặc xương….
Lời khuyên của bác sĩ cho rằng: “Cần đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, sau bữa ăn, trong khoảng 3 phút. Bên cạnh đó, nên sử dụng chỉ tơ nha khoa làm vệ sinh các kẽ trống giữa hai răng mà việc đánh răng không thể tới được, nên đi khám nha sĩ tối thiểu 1 lần/năm. Một điều hết sức quan trọng cần chú ý là: hạn chế tối đa rượu và thuốc lá (nguyên nhân chính gây ung thư). Khi xuất hiện các dấu hiệu trên nếu sau 3 tuần điều trị bằng kháng sinh không khỏi cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị sớm”.