Hội chứng viêm cầu thận cấp là dấu hiệu lâm sàng của một thương tổn viêm cấp của các cầu thận, đặc trưng với sự xuất hiện đột ngột hồng cầu niệu, protein niệu, phù và tăng huyết áp.

dinhduonghoc.com - Viêm cầu thận cấp là gì?

Ngày nay, nhờ các tiến bộ khoa học, nhất là kỹ thuật sinh thiết thận. Người ta đều quyết định rằng:  Viêm cầu thận cấp (VCTC) không chỉ là một bệnh đơn thuần mà là một hội chứng gọi là hội chứng cầu thận cấp. Nguyên nhân là vì bệnh cảnh lâm sàng thường giống nhau nhưng tổn thương mô bệnh học lại đa dạng, bệnh phát sinh không chỉ bởi liên cầu mà có thể sau nhiễm tụ cầu, phế cầu, virus.Hội chứng viêm cầu thận cấp còn dấu hiệu thứ phát sau những bệnh như lupus ban đỏ hệ thống, ban dạng thấp, viêm quanh động mạch dạng nút. Viêm cầu thận cấp ác tính hoặc viêm cầu thận bán cấp hiện nay được gọi là viêm cầu thận thể phát triển nhanh. Tên gọi này đặc trưng cho bệnh là phát triển nhanh, tử vong sớm vì suy thận và ít khi người bệnh qua khỏi 6 tháng nếu không được chữa trị .

 

Nguyên nhân gây viêm cầu thận

Thận được cấu tạo từ những đơn vị thận đó là cầu thận - ống lượn gần, ống lượn xa, tất cả đều tập trung vào bể thận.

Viêm cầu thận thực chất là gì?

Trong 1 ngày máu đưa đến thận 150 đến 250 lít và thận (cầu thận) lọc và bài xuất (thải ra và giữ lại) khoảng 1,5 đến 2,5 lít nước tiểu. Bình thường màng của cầu thận chỉ cho nước và những chất có phân tử lớn thoát khỏi mạch máu những tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu); những chất: protein, đường, mỡ... được trữ lại. Như vậy khi cầu thận bình thường, trong nước tiểu chỉ có một số muối, urê...

Khi cầu thận bị viêm, tế bào cầu thận bong ra và cầu thận không có khả năng giữ lại những chất như protein, mỡ, bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, trong nước tiểu còn thấy tế bào cầu thận bong ra gọi là trụ hạt. Đây là tiêu chuẩn quan trọng để chẩn đoán là viêm cầu thận.

Viêm cầu thận chia ra:

- Viêm cầu thận cấp.

- Viêm cầu thận bán cấp.

- Viêm cầu thận mạn tính.

Viêm cầu thận có thể do dị ứng, do nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn. Tùy tác nhân mà có những  chứng khác nhau. Căn cứ vào những triệu chứng hay gặp trên bệnh nhân viêm cầu thận, liên hệ sang Đông y thấy có những dấu hiệu tổn thương thương những tạng phủ sau:

Tổn thương phế (phế nhiệt) người bệnh có biểu hiện ho, đau họng, sốt hoặc mụn nhọt lở loét ngoài da.

Tổn thương ở thận: Biểu hiện đau vùng thắt lưng (thắt lưng là phủ của thận) nước tiểu đục, tiểu dắt, tiểu đỏ, tiểu buốt.

Tổn thương ở tỳ: Người bệnh nặng nề, mệt mỏi, phù trắng, phù từ trên xuống.

Ngoài ra có triệu chứng của tâm, của khí, của huyết như da xanh, môi nhợt, lưỡi nhợt. Mạch thốn trái trầm nhược, trầm sác.

 

Tìm hiểu nguyên nhân để biết cách phòng chống

Muốn ngăn ngừa được bệnh cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao lại bị những bệnh ở phế, tỳ, thận, tâm, khí, huyết. Đông y đã tổng kết và quy thành ba nhóm nguyên nhân sau:

- Do thời tiết khí hậu thất thường và được ghi là tà của lục dâm (lục dâm là phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa). Trong trường hợp này phong hàn, thấp là phiền hơn. Phong (gió), hàn (lạnh), thấp (ẩm thấp) dễ sinh bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, bệnh ở tỳ vị.

- Do thất tình: Bẩy trạng thái tình cảm quá mức kéo dài sẽ gây bệnh: buồn quá hại phế, lo nghĩ quá hại tỳ, kinh sợ quá hại thận...

- Do lao động ở môi trường nhiều khí độc, no đói thất thường hay ăn uống phải chất độc hoặc bị trùng thú độc cắn.

Như vậy muốn phòng bệnh cần phòng tránh ba nhóm nguyên nhân trên.

 

Điều trị triệu chứng viêm cầu thận cấp tính

Viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu là bệnh cầu thận cấp tính nguyên phát, hay xảy ra sau khi nhiễm liên cầu beta tan huyết nhóm A ở họng hoặc ở da từ 1-4 tuần. Bệnh xảy ra thường xuyên ở trẻ nhỏ nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh. Bệnh khởi phát đột ngột với các dấu hiệu như phù từ mức độ nhẹ tới trung bình, tiểu ít (< 500ml/24 giờ), tiểu máu đại thể hay vi thể, tăng huyết áp, protein niệu < 3g/24 giờ, xuất hiện hồng cầu niệu, trụ hồng cầu và trụ hạt, bổ thể giảm, ASLO tăng. Nếu không được chữa trị kịp thời dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như suy thận cấp, phù phổi cấp, phù não hay chảy máu não, suy tim trái hoặc suy tim toàn bộ. Bên cạnh việc nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, ăn nhẹ, hạn chế muối và giảm đạm, thì vấn đề dùng thuốc chữa trị trong viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu là hết sức quan trọng.

Kháng sinh

Nếu có nhiễm khuẩn thì phải đặt ra vấn đề sử dụng kháng sinh. Lựa chọn hàng đầu được nhắc tới là sử dụng penicillin dạng uống hoặc dạng tiêm trong vòng 7-10 ngày. Nếu thất bại, có thể sử dụng liệu pháp kháng sinh kết hợp giữa penicillin và một thuốc ức chế enzym b - lactamase (augmentin) hoặc một cephalosporin thế hệ thứ 2 (zinnat) thậm chí thế hệ thứ 3 (cefixim).

 

Chữa trị triệu chứng

- Chữa trị phù: ăn hạn chế muối, tùy theo mức độ phù mà có thể sử dụng thuốc lợi tiểu cho hợp lý, tuy nhiên thuốc lợi tiểu hoặc được sử dụng nhất là một sulfamid lợi niệu.

Thuốc được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, khoảng 60-70% liều dùng được thải ra ngoài sau 4 giờ, chủ yếu đào thải qua thận. Cơ chế tác dụng của thuốc là thải muối và nước bởi ức chế tái hấp thu natri ở nhánh lên quai Henle và ở phần pha loãng. Tác dụng của thuốc phụ thuộc liều dùng và đường dùng. Nếu tiêm tĩnh mạch thì tác dụng xuất hiện sau 3 – 4 phút, nhưng nếu sử dụng đường uống thì sau 30 phút thuốc mới bắt đầu có tác dụng. Thuốc chống chỉ định trong suy gan nặng, suy thận cấp do tắc nghẽn, phù ở phụ nữ có thai.

Tác dụng phụ: giảm huyết áp, giảm kali máu, mất nước ngoài tế bào, tăng acid uric máu, độc cho thần kinh thính giác.

- Chữa trị tăng huyết áp: Tùy từng trường hợp có thể sử dụng một số thuốc sau để chữa trị.

+ Nhóm thuốc ức chế men chuyển: có một số biệt dược chẳng hạn như renitec (viên 5, 10, 15mg), coversyl (viên 4mg ), lopril (viên 25mg), zestril (viên 10, 20mg), nhóm này dùng tốt nhất trong trường hợp đái tháo đường/THA. Tác dụng phụ: gây ho, tăng kali máu, không dùng trong hẹp khít van động mạch chủ, động mạch thận.

+ Nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin II như: losartan, telmisartan..

+ Nhóm chẹn beta giao cảm: propranolol, atenolol, pindolol...

+ Nhóm chẹn kênh canxi: có một số thuốc hay dùng như nifedipin (viên 10, 20, 30mg); amlor viên 5mg; plendil viên 5mg; madiplot viên 10, 20mg. Nhóm thuốc này có ưu điểm: hạ huyết áp tốt, tác dụng được duy trì. Tuy nhiên có nhược điểm là chẹn canxi nên làm nhịp tim nhanh, bốc hỏa ở mặt.

+ Thuốc giãn mạch ngoại biên: dihydralazin

Tuy nhiên trong viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu có thể sử dụng một hay hai loại thuốc hạ huyết áp kết hợp, thường được dùng thuốc hạ huyết áp nhóm chẹn canxi phối hợp với thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế thần kinh trung ương. Ngoài ra nếu có tăng kali máu thì hạn chế đưa kali vào cơ thể qua đường ăn uống, có thể sử dụng dung dịch natribicarbonat hoặc calcium tiêm tĩnh mạch để trao đổi ion. Khi có suy thận cấp nặng, kali máu > 6,5 mmol/l thì có chỉ định lọc máu cấp. Trên 90% trẻ em có viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khỏi hoàn toàn với chữa trị bảo tồn, ở một vài bệnh nhân có hồng cầu niệu vi thể, protein niệu nhẹ có thể tồn tại vài tuần đến vài tháng nhưng sẽ khỏi. Ở người lớn bệnh thường nặng hơn, với khoảng 60% những trường hợp có thể hồi phục hoàn toàn, một số tiến triển thành viêm cầu thậ phát triển nhanh, số còn lại chuyển thành viêm cầu thận mạn. Vì vậy sau chữa trị viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên, trong 6 tháng đầu mỗi tháng kiểm tra một lần, sau đó cứ 3 tháng kiểm tra một lần, sau 2 năm mà protein niệu âm tính coi như khỏi hoàn toàn.

 

Người viêm cầu thận cấp chỉ nên ăn nhẹ

Nguyên tắc ăn uống với các bệnh nhân viêm cầu thận cấp là ăn nhẹ và ăn nhạt. Nếu tiểu ít hay vô niệu thì bỏ hẳn hoa quả. Viêm cầu thận cấp hay xuất hiện sau một đợt nhiễm khuẩn cấp tính ở cổ họng, ngoài da, răng miệng; đa số là do liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A. Bệnh hay gặp ở trẻ em. Cách chữa trị chủ yếu là nghỉ ngơi và có chế độ ăn, dinh dưỡng hợp lý.

Viêm cầu thận cấp được xác định khi: Có tiền sử nhiễm khuẩn cổ họng, ngoài da đã khỏi hẳn 1-2 tuần trước; cũng có thể hiện tại còn nhiễm khuẩn; phù, đái ít (phù có thể rất ít, chỉ mọng mi mắt, cũng có thể phù to, trắng, mềm, ấn lõm); đái máu; tăng huyết áp (thường là 140/90 mmHg trở lên). Bệnh có thể khỏi nhanh trong vòng 4-6 tuần; cá biệt có biến chứng nặng như phù phổi cấp bởi phù và tăng huyết áp, suy thận cấp, suy thận phát triển nhanh; một số chuyển thành tiềm tàng, mạn tính.

Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân viêm cầu thận cấp không có biến chứng nặng là ăn nhẹ, ăn nhạt. Cụ thể:

Đạm (protein): 0,6 g/kg cân nặng trong 1 ngày. Đề phòng urê máu tăng; khi bệnh nhân tiểu tốt, urê máu không tăng thì cho 1 g/kg cân nặng mỗi ngày.

Bột đường: 30 Kcal/kg cân nặng mỗi ngày bao gồm gạo, mỳ, khoai củ, bánh ngọt.

Chất béo: 20 g/ngày.

Nên bớt muối và mì chính, tối đa 2 g muối/ngày, tốt nhất là loại  bỏ mì chính. Nếu có phù, tăng huyết áp thì phải ăn nhạt tuyệt đối. Uống nước ít hơn lượng tiểu ra trong ngày. Nếu tiểu ít hay vô niệu thì bỏ hẳn rau quả để ngăn tăng kali máu. Bổ sung vitamin dạng thuốc bằng đường uống. Cần theo dõi lượng nước tiểu, phù, huyết áp, urê máu để gia giảm thức ăn. Sau một tuần nếu thấy urê máu không tăng thì có thể tăng đạm lên 0,8 g/kg cân nặng mỗi ngày. Nếu tiểu tiện bình thường thì ăn rau quả tự do, nước uống bằng lượng tiểu ra.