Dây thần kinh số năm (V) còn gọi là dây thần kinh sinh ba chi phối cảm giác ở mặt. Dây V bên phải chi phối cảm giác nửa mặt phải và ngược lại, nó chi phối vận động cho cơ thái dương hàm, cơ châm bướm trong và cơ nhai. Việc chẩn đoán đau dây thần kinh số V hay bị nhầm lẫn, bởi đó, hướng điều trị bị sai, không mang lại hiệu quả.

Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Đau dây thần kinh số V được phân thành hai loại là vô căn và triệu chứng. Đau dây thần kinh V triệu chứng hay liên quan đến các khối u nằm ở vùng góc cầu - tiểu não và những vùng lân cận: u màng não, u nang thượng bì, u tuyến yên, u ác tính di căn, túi phình động mạch...

dinhduonghoc.com - đau dây thần kinh số 5 và cách điều trị

 Khu vực các nhánh dây thần kinh số V ảnh hưởng.

 

Đau dây thần kinh số V là một loại đau rất đặc thù, trong cơn đau rất nặng, diễn ra đột ngột và hay kéo dài từ vài giây cho tới không quá 1 phút. Đau này chủ yếu là tự phát hoặc là xuất phát từ một điểm đau như cò súng (trigger spot). Đau dây thần kinh số V chủ yếu xuất hiện một bên, rất hiếm xuất hiện đau dây V hai bên. Các trường hợp đau hai bên không phải xuất hiện cùng một lúc mà đau một bên trong một thời gian dài rồi tiếp đó mới xuất hiện phía đối bên.

Đa số những trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán nhầm ngay từ ban đầu do bệnh sâu răng hay các bệnh lý khác có liên quan tới răng và thậm chí có bệnh nhân đã nhổ nhiều răng hàm trên hoặc hàm dưới cùng một phía với bên đau dây thần kinh số 5.

Cách điều trị

Ngày nay, có rất nhiều cách để điều trị bệnh đau dây thần kinh số V. Một trong những phương pháp được ưu tiên sử dụng hàng đầu là nội khoa.

Một trong các thuốc được dùng đến là thuốc chống co giật carbamazepine. Đây là thuốc hàng đầu sử dụng điều trị để kiểm soát hiệu quả trong những trường hợp đau dây thần kinh V. Thuốc ở dạng viên nén, uống với liều tăng dần tới liều hiệu quả, duy trì ở liều đó trong vài tháng rồi giảm dần và ngừng thuốc nếu không có cơn tái phát. Carbamazepine có tác dụng phụ là chóng mặt, buồn nôn lúc bắt đầu điều trị. Xuất hiện hội chứng tiền đình tiểu não hay lú lẫn do quá liều; giảm nhẹ bạch cầu trung tính; rối loạn dẫn truyền tim; nhiễm độc da, viêm gan, thiểu sản tủy xương.

Với bệnh nhân bị bloc nhĩ – thất (nhịp tim chậm) thì không được sử dụng thuốc này. Ngoài ra, cần theo dõi thường xuyên công thức máu và chức năng gan (vào ngày thứ 7, ngày thứ 15, ngày thứ 30 và sau đó 1 tháng/lần). Cần ngừng thuốc ngay trong trường hợp mụn nước ngoài da, viêm gan hay các biểu hiện về máu nặng.

Trong trường hợp điều trị carbamazepine không đem lại hiệu quả, có thể chuyển sang sử dụng 1 trong các loại thuốc sau:

Phenytoin uống 1 lần trong ngày. Thuốc có tác dụng phụ là làm cho người uống buồn ngủ; hội chứng tiền đình tiểu não bởi quá liều (đi loạng choạng, chóng mặt); ngộ độc da, viêm gan, do vậy, cần theo dõi liên tục chức năng gan và cần ngừng thuốc ngay lập tức khi thấy xuất hiện mụn mủ ngoài da hay viêm gan.

Clonazepam: thuốc gây ngủ gà, giảm trí nhớ (ở người già). Chống chỉ định trong trường hợp mẫn cảm với thuốc.

Gabapentin cũng có tác dụng phụ là ngủ gà, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi loạng choạng, run. Thuốc chống chỉ định trong trường hợp có thai hay cho con bú, dị ứng với thành phần của thuốc.

Amitriptylin: lúc đầu, dùng liều thấp, sau tăng dần. Thuốc có tác dụng phụ là hạ huyết áp tư thế, ngủ gà, lú lẫn, khô miệng, run, táo bón, bí đái, tăng cân. Thuốc chống chỉ định với những bệnh nhân bị các bệnh glocom góc đóng, u tuyến tiền liệt, loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền, động kinh, có thai...