Thận - Bài thuốc chuối hột có thể chữa bệnh sỏi thận, tiểu đường
Quả chuối hột. Ảnh: minh họa. |
Chuối hột rất phổ biến ở Việt Nam, chuối hột sống rải rác ven rừng, gần sông suối, trảng cây bụi, thung lũng, khe núi, sườn đồi. Bên cạnh đó còn được trồng phổ biến trong vườn, ven sông, rạch. Hầu hết các vùng miền ở nước ta đều có chuối hột.
Tiến sĩ Võ Văn Chi có nhiều năm nghiên cứu về thảo dược Việt Nam cho biết chuối hột còn được biết đến là chuối chát. Tên khoa học là Musa seminifera Lour, thuộc họ chuối Musaceae. Cây này thuộc loại thân giả, cao từ 3 đến 4 m, to, màu xanh lục. Lá có phiến to, xanh hơi mốc mốc, cuống và bẹ xanh. Buồng nằm ngang, cuống dài. Mo đỏ sẫm, không cuốn ngược lên. Nải chuối rộng, đầu bẹ nải tày. Quả có cạnh, đính thẳng góc với trục. Thịt quả chứa nhiều hạt hình cầu, đường kính từ 4 đến 5 mm.
Trong dông y sử dụng cả quả, củ, thân, hạt chuối này để làm thuốc. Loài thực vật này có thể giải mọi thứ độc, lương huyết, thoái nhiệt, giải phiền khát, lợi tiểu, tiêu cơm, làm hết đau bụng và sát trùng. Hạt có vị đắng, cay, tính mát, có ít độc, có tác dụng phá ứ huyết, thông đại tiện. Ăn quả chín ăn để trị bệnh đường ruột. Quả chuối xanh cũng được dùng trị sỏi đường tiết niệu. Củ chuối hột thối dùng đắp trị bỏng lửa. Thân cây chữa tâm nhiệt phát cuồng, nói sảng. Nước từ thân cây có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc từ chuối hột như sau:
Sỏi thận
Chuối hột dùng từ 7 đến 8 quả, thái mỏng, đem sao vàng hạ thổ. Mỗi lần lấy ra một vốc tay để sắc nước uống, một ngày từ 3 đến 4 chén, dùng vào lúc no. Cũng có thể hãm nước sôi như pha trà, ngày uống 3-4 lần.
Dạ dày
Thực hiện như bài thuốc trị sỏi thận ở trên, chỉ cần lưu ý là phải pha loãng rồi mới uống.
Đái tháo đường
Tìm cây chuối hột đang nhú bắp chuối độ 2 tấc, chặt ngang gốc để lại chừng 2 tấc, lấy dao khoét một lỗ bằng cái tô, để qua một đêm. Sáng hôm sau lấy một cái chén múc nước từ thân cây để uống. Áp dụng sau một tuần sẽ giảm bệnh.