Mũi - Bệnh chảy máu cam
Theo Bác sĩ Bùi Xuân Lam, chảy máu cam tuy ít nguy hiểm đến tính mạng, nhưng dễ làm bệnh nhân và người nhà hốt hoảng, lo lắng. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam. Giới y học đã xếp thành các nhóm để tiện xử lý.
Chảy máu mũi trong hốc mũi
Viêm mũi cấp tính và mạn tính: tình trạng viêm mũi làm cho lớp chất nhày bảo vệ bề mặt niêm mạc mũi bị thương tổn, vì thế các mạch máu nằm ngay dưới đó cũng hay bị xước, rách gây chảy máu mũi.
Viêm mũi gây kích thích tạo ra dịch rỉ viêm gồm có nước, muối, protein và các thành phần hữu hình hòa tan, dịch làm tăng tính thấm thành mạch gây đau căng trong hốc mũi, tạo thành những chất dính gọi là dỉ mũi, bám chặt lên lớp niêm mạc mũi. Điều này làm trẻ hay cho tay vào mũi ngoáy, gây chảy máu mũi.
Dị vật mũi: trẻ nhét hạt cườm, hòn bi, hạt lạc... vào trong hốc mũi gây viêm loét và chảy máu mũi.
Dị hình hốc mũi: đây cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi dẫn đến chảy máu mũi.
Chấn thương mũi: do va chạm, do đánh nhau, do tai nạn giao thông hoặc tai nạn sinh hoạt làm rách hệ thống niêm mạc mũi. Nếu chấn thương nặng làm vỡ các mạch máu lớn trong hốc mũi có thể dẫn đến sặc máu, mất máu cấp với số lượng lớn có thể tử vong.
Các khối u hốc mũi lành hoặc ác tính: có thể có nhưng rất hiếm gặp ở trẻ em, chủ yếu là những khối u xơ vòm mũi họng hay gặp ở trẻ nam tuổi dậy thì. Bên cạnh dấu hiệu chảy máu mũi cần đánh giá dịch chảy ra có mùi hôi hoặc thối, bẩn để nghi ngờ đến bệnh lý ác tính.
Chảy máu mũi ngoài hốc mũi
Thường gặp do cúm, thương hàn, sốt xuất huyết - đây là những loại bệnh lý cũng hay gặp ở trẻ em. Ngoài ra bệnh lý viêm cầu thận cấp hay những trẻ em phải sử dụng thuốc chống đông kéo dài do điều trị một số bệnh tim mạch bẩm sinh.
Cách phòng bệnh
Theo bác sĩ Lam, nếu trẻ xuất hiện viêm mũi lâu ngày cần khám và điều trị ngay, giải thích cho trẻ không nên ngoáy mũi vì bên cạnh việc gây chảy máu mũi, đây cũng là một nguyên nhân làm nhiễm khuẩn mũi.
Khi thấy trẻ có biểu hiện về mũi, các bậc cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ bình tĩnh ngồi xuống hoặc nằm (nếu có thể) rồi dùng hai ngón tay bịt chặt hai lỗ mũi và thở nhẹ nhàng bằng miệng trong 5 đến 10 phút sẽ hết chảy máu.
Tuy nhiên, vì chảy máu mũi còn rất nhiều nguyên nhân khác nên khi trẻ xuất hiện chảy máu mũi nhiều lần phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các cơ sở tai mũi họng để tìm ra nguyên nhân giúp cho việc xử trí triệt để chảy máu mũi.
Ngoài ra, 2 lần một tuần bạn có thể dùng nước muối sinh lý rửa sạch mũi, không nên rửa nước muối nhiều lần vì cũng làm cho niêm mạc mũi mất đi lớp nhày bảo vệ và dễ bị tổn thương.
Làm gì khi bị chảy máu cam?
Trước hết, cần phải tránh các hoạt động mạnh. Tốt hơn cả là bạn hơi nghiêng đầu về phía trước, không nên cúi hẳn đầu. Đối với nhiều người, đây có vẻ là một lời khuyên hơi bất thường, bởi đầu thường phải ngẩng cao. Tuy nhiên, nếu bạn làm như thế có nghĩa là bạn đang cản trở đường ra của máu. Máu sẽ chảy men theo yết hầu vào dạ dày và có thể gây ra nôn mửa khi máu chảy vào nhiều.
Nếu bị chảy máu cam ở nhà, bạn cần phải thực hiện từng bước như sau:
- Hơi nghiêng đầu về phía trước. Bạn cần phải ngồi xuống hoặc ở tư thế nửa đứng nửa ngồi, dùng ngón cái ấn thật chặt hai cánh mũi. Cần phải ngồi khoảng 5 - 10 phút trong tư thế này. Tốt nhất là nên đặt ở gốc mũi một cái gì đó lạnh: 1 cốc kem, hoặc một viên đá lạnh. Như thế máu sẽ ngừng chảy.
- Nếu máu vẫn tiếp tục chảy, thậm chí là chảy rất ít, bạn nên dùng một tấm bông gòn dài khoảng 2 - 3cm đặt vào mũi. Bông gòn cần phải được tẩm ướt. Khi đặt bông gòn vào, bạn vẫn cần phải dùng ngón tay cái ấn chặt vào hai cánh mũi để niêm mạc mũi tiếp xúc với bông. Sau khi máu ngừng chảy, trong mũi sẽ có một cục máu đông nhỏ. Để không gây hại cho mũi, cần phải lấy bông gòn ra khỏi mũi thật cẩn thận. Tốt nhất là nên lấy sau 1 - 1,5h.
- Nếu sau khi lấy bông gòn ra, mũi tiếp tục chảy máu, khi đó, bạn nên đến bác sỹ vì đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh.
Thông thường, hiện tượng chảy máu cam là do bị một cái gì đó tác động vào. Tuy nhiên theo các thống kê gần đây, bệnh này thường gắn với bệnh cao huyết áp. Huyết áp cao thì thành động mạch không thể “chịu được” và sẽ mất soát. Trong trường hợp này, máu sẽ chảy không ngừng cho đến khi huyết áp ổn định. Đối với những người bị cao huyết áp, cách xử lý bệnh chảy máu mũi rất đơn giản, vì có nhiều loại thuốc giúp người cao huyết áp bình ổn lại huyết áp.
Những người mắc bệnh khoang mũi cũng thường bị chảy máu cam.
Nếu bị chảy máu cam thường xuyên, bạn cần xin lời khuyên của bác sỹ. Để ngăn ngừa hiện tượng này, bạn nên bổ xung vitamin C và K. Tuy nhiên, các loại vitamin này chỉ có tác dụng ngăn ngừa chảy máu cam thông thường.
5 bài thuốc chữa chảy máu cam
Tại sao lại gọi là chảy máu cam?
Chữ cam ở đây theo nghĩa là "Ngọt", có nghĩa là chứng chảy máu gây ra do một thứ bệnh có tên chung là "Bệnh cam". Bệnh thuộc chứng cam thường chỉ xuất hiện ở trẻ em. Vì trẻ em thường thích ăn nhiều đồ ngọt. Và sau mỗi lần ăn như vậy, các em lại không có thói quen súc miệng sạch. Chính điều đó là điều kiện tốt cho các yếu tố gây viêm nhiễm ở các bộ phận họng, mũi, lưỡi, niêm mạc miệng, răng, lợi... Khi bị viêm niêm mạc mũi bị sưng tấy, sung huyết. Các mao mạch ở niêm mạc mũi do viêm nhiễm dẫn đến xơ giòn, dễ bị đứt. Mặt khác với khí hậu của mùa thu và đầu đông khô hanh, kèm theo thời tiết lạnh, làm cho các mao mạch bị co lại, mà gây xuất huyết, tức "chảy máu cam". Đương nhiên, điều đó sẽ xảy ra nhiều hơn đối với những trẻ em có sức đề kháng kém hơn, và trong tình trạng cơ thể thiếu một số vitamin, liên quan đến tính thấm của thành mạch, như vitamin C, P, K... những chất có tác dụng làm cho thành mạch dẻo dai, bền chắc.
Thuốc cổ truyền trị chảy máu cam
Chảy máu cam là chứng thường gặp, thường không có dấu hiệu gì báo trước, cũng không kể về thời gian. Có khi trẻ em đang nô đùa cũng chảy máu cam, có khi đêm ngủ máu cam ra lúc nào cũng không hay... Nếu bị chảy với lượng ít, số lần bị ít, thì ảnh hưởng cũng không lớn. Song nhiều trẻ do việc chăm sóc và quan tâm của gia đình không chu đáo, hiện tượng chảy máu cam sẽ xuất hiện nhiều lần, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đến việc học tập của các cháu.
YHCT cho rằng, chảy máu cam là do nguyên nhân "huyết nhiệt" gây ra "huyết nhiệt sinh phong", tức cơ thể ở trạng thái nhiệt sẽ làm cho "bức huyết vong hành", tức là gây xuất huyết; mà trong trường hợp này là xuất huyết ở mũi. Do vậy mà YHCT thường sử dụng các vị thuốc và phương thuốc mang tính lương huyết, chỉ huyết, kèm với bổ huyết để điều trị chứng bệnh này.
Một số bài thuốc thường dùng
Khi bị chảy máu cam, trước hết lấy ngón tay trỏ và ngón tay cái, ấn vào chỗ phía trên cánh mũi, hơi ngửa cổ về phía sau. Đồng thời lấy một ít tóc rối, tên vị thuốc là "loạn phát", loạn là "rối", "phát" là tóc. Trường hợp không có tóc rối có thể cắt ngay một nhúm tóc cũng được. Đem tóc đốt cháy thành than, vò cho thành bột mịn, rồi đặt ngay vào bên lỗ mũi bị chảy máu, hít sâu vào trong, máu sẽ ngừng chảy ngay.
Cỏ nhọ nồi.
Sau đó hãy dùng các bài thuốc sau đây.
Bài 1: Ngó sen tươi 40 g, móng giò lợn 1 cái. Ninh nhừ, ngày ăn một lần. Cách 2 ngày ăn lại. Làm liền như vậy 2 tuần lễ, là được. Cách này rất dễ làm, và tiện cho các trẻ nhỏ.
Bài 2: Lá sen tươi 50 g, hoặc 20 g khô. Sắc uống. Để tăng tác dụng, cần đem lá sen sao cháy.
Bài 3: Lá cây huyết dụ 12 - 16 g, cỏ nhọ nồi, lá trắc bách diệp, đồng lượng, sao đen, sắc uống, ngày một thang, 2 lần, uống sau bữa ăn 1 giờ 30 phút. Uống liền hai tuần lễ.
Bài 4: Hoa hòe (sao cháy) 12g, trắc bách diệp (sao cháy) 12g, kinh giới tuệ (sao cháy) 12g, chỉ xác (sao vàng xém cạnh) 12g. Dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 2 lần uống, sau bữa ăn 1 giờ 30 phút. Uống liền 2 tuần lễ.
Bài 5: Thục địa 16g, trạch tả 6g, hoài sơn 8g, bạch linh 6g, sơn thù du 8g, mẫu đơn bì 6g.
Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 3 lần uống sau bữa ăn khoảng 1 giờ 30 phút. Uống liền 3 tuần lễ. Cũng có thể làm dưới dạng viên hoàn với mật ong, ngày uống 2 lần, mỗi lần 9g. Phương này thích hợp cho những trường hợp cơ thể bị huyết nhiệt, do chứng âm hư hỏa vượng, chứng chảy máu cam, nhiều lần, cơ thể gầy và xanh...
Ngoài việc dùng thuốc YHCT ra, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhất là cần bổ sung thêm thường xuyên các loại rau quả tươi, chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C. Trong trường hợp cần thiết nên kết hợp uống thêm vitamin C và hoa hòe sao đen hàng ngày, dưới dạng chè hãm. Vì trong hoa hòe chứa rutin, một chất có hoạt tính vitamin P, có tác dụng làm giảm tính thấm của thành mạch, làm tăng sự bền vững của hồng cầu, làm giảm trương lực cơ trơn, chống co thắt. Do đó, nó là thành phần hữu hiệu để đề phòng những biến cố của bệnh xơ vữa động mạch và suy yếu tĩnh mạch, gây chảy máu cam, ho ra máu và các chứng xuất huyết khác.