Mũi - Tìm hiểu về bệnh viêm xoang
Mặt và sọ gồm nhiều khối xương tiếp với nhau. Để khối mặt sọ giảm sức nặng, tạo hoá đã tạo ra những lỗ trống trong lòng các xương. Những lỗ trống này được gọi là xoang. Xoang lớn nhỏ tuỳ từng vị trí và đều có đường thông vào hốc mũi và bao bởi niêm mạc, chứa không khí. Xoang chỉ bình thường khi lỗ thông mũi không bị nghẽn.
Nếu đường thông vào mũi bị nghẽn, vi khuẩn sẽ gây tác hại trong xoang, dẫn tới viêm nhiễm. Có thể viêm một xoang (thường là xoang hàm) hoặc đa xoang và nhiều loại như: viêm xoang dị ứng, dày niêm mạc xoang, trong xoang có mủ, u nhầy hoặc polýp (dạng u nhí lành tính, có cuống).
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm xoang
- Đeo khẩu trang trước khi ra đường và làm công việc gặp nhiều bụi bặm. Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải, ăn uống đủ dinh dưỡng.
- Không dùng các loại tinh dầu quế, hồi làm cao để xoa cho trẻ mỗi khi tắc nghẹt mũi vì sẽ gây kích thích xung huyết da và niêm mạc đường hô hấp của trẻ.
- Đối với người mẫn cảm cần chú ý phòng tránh phấn hoa, nấm mốc, nước hoa, thức ăn lạ, nhiều gia vị, nhiệt độ thay đổi. Khi ngứa mũi, muốn hắt xì nhưng không được cũng tuyệt đối không nên cho tay vào ngoáy vì dễ mang vi trùng vào, khiến cho bệnh càng nghiêm trọng thêm. Nhớ chỉ xì mũi ra, không hít ngược như trẻ nhỏ thường làm. Không cố gắng xì mạnh vì sẽ đẩy chất viêm vào vòi nhĩ và tai.
- Bệnh có thể lây lan, vì vậy không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang.
- Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần đến ngay bệnh viện, không nên tự mua thuốc điều trị.
Cách điều trị bệnh viêm xoang
Thủ thuật: Xông mũi xoang, kê kê, chọc rửa xoang.
Đối với bệnh nhẹ không cần sử dụng đến kim, kéo, mà chỉ rửa xoang, làm sạch mũi. Biện pháp này không gây đau và chảy máu. Bên cạnh đó, dùng thuốc kháng sinh đủ liều, đều đặn để diệt vi khuẩn gây bệnh.
- Giữ nhiệt độ trong nhà vừa phải, xông mũi bằng hơi nước nóng, uống nước nhiều để làm loãng chất tiết. Thuốc chống sổ mũi giúp mủ và chất nhầy thoát ra, nhưng phải cẩn thận khi dùng vì dễ gây hại nhiều hơn khi làm khô mũi quá mức và các chất không thoát ra ngoài được.
Kèm theo điều trị bằng thuốc, có thể rửa xoang bằng phương pháp Proetz rất hiệu quả, bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ chịu sau vài lần rửa.
- Nếu không hiệu quả, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật nội soi, nạo vét mủ đọng, chống viêm nhiễm lan toả. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, khả năng phục hồi đạt 80%.
Viêm xoang khi nào cần phẫu thuật?
Để chẩn đoán bệnh thường chỉ dựa vào diễn tiến bệnh do bệnh nhân khai và thăm khám là đủ. Tuy nhiên để có một chẩn đoán chính xác hơn, để có thể theo dõi và tiên lượng cho việc điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật thì bệnh nhân cần phải nội soi mũi xoang và kết hợp chụp thêm phim CT scan.
Trên thực tế có rất nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ có một triệu chứng đơn lẻ như nhức đầu, nhưng khi chụp phim CT scan phát hiện bệnh nhân có nang ứ đọng do nhiễm trùng trong xoang hoặc viêm xoang do nấm. Ngược lại, cũng có rất nhiều bệnh nhân vì hiểu lầm hay do chẩn đoán sai lệch trước đó cứ nghĩ mình bị viêm xoang, nhưng khi chụp phim CT scan thì các cấu trúc của mũi xoang hoàn toàn bình thường và thông thoáng.
Theo thời gian người ta chia ra làm 3 thể viêm xoang
- Viêm xoang cấp: kéo dài dưới 4 tuần.
- Viêm xoang bán cấp: kéo dài từ 4 tuần đến 3 tháng.
- Viêm xoang mãn: kéo dài từ trên 3 tháng.
Đối với viêm xoang cấp tính và bán cấp, nguyên nhân thường do vi trùng, việc điều trị bao gồm nghỉ ngơi, sử dụng kháng sinh, kháng viêm, tan đàm, giảm đau hạ sốt, thuốc nhỏ chống nghẹt mũi theo chỉ định của bác sĩ.
Kết quả điều trị thường là thành công mỹ mãn, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh trong vòng 10 - 14 ngày điều trị. Việc điều trị phẫu thuật chỉ thực hiện khi có biến chứng lan vào ở mắt và nội sọ nhưng thất bại với điều trị nội khoa.
Đối với viêm xoang mãn tính vấn đề lại phức tạp hơn nhiều. Nguyên nhân của viêm xoang mãn tính thường do nhiễm trùng, dị ứng, bất thường cấu trúc mũi xoang, polyp mũi, nấm, răng, chấn thương hoặc do bệnh lý niêm mạc. Trong nhóm nguyên nhân này thì viêm xoang do nhiễn trùng, nấm, răng, chấn thương, bất thường cấu trúc mũi xoang có thể chữa khỏi ngay bằng phẫu thuật nội soi mũi xoang.
Trong khi đó, đối với nhóm nguyên nhân còn lại do polyp hoặc do bệnh lý niêm mạc, việc phẫu thuật chủ yếu chỉ làm giảm nhẹ triệu chứng, giảm mức độ mắc bệnh và rút ngắn thời gian bị bệnh, hoặc để mở đường cho việc điều trị nội khoa tốt hơn.
Trong một số ít trường hợp phẫu thuật đúng chỉ định (đúng bệnh cần phải phẫu thuật), đúng thời điểm (sau khi điều trị nội khoa tích cực), và chăm sóc sau mổ tích cực cho kết quả lành bệnh ngoạn mục, nhưng nhiều trường hợp còn lại việc điều trị lâu dài vẫn là điều trị nội khoa.
Vì do mũi xoang là cửa sổ của cơ thể với môi trường bên ngoài, do vậy khi môi trường thay đổi như không khí bị ô nhiễm hoặc khí hậu thay đổi chắc chắn mũi xoang sẽ có phản ứng thay đổi theo, đặc biệt ở những bệnh nhân có cơ địa dị ứng, có bệnh lý niêm mạc hoặc sau những đợt viêm đường hô hấp cấp, lúc đó các triệu chứng của viêm mũi xoang sẽ xuất hiện.
Do vậy biện pháp phòng bệnh và làm nhẹ các triệu chứng tốt nhất cho bệnh nhân bị viêm mũi xoang mãn tính là cần phải gìn giữ cơ thể khỏe mạnh, tránh thức khuya dậy sớm, làm việc quá sức, stress, vệ sinh mũi xoang mỗi ngày (rửa mũi đúng cách bằng nước muối sinh lý 0,9%), tránh tiếp xúc với dị nguyên, khói bụi, thuốc lá, cần sống trong môi trường không khí tự nhiên trong lành, hạn chế trong sử dụng máy quạt hoặc máy lạnh.
Khi có các triệu chứng viêm mũi xoang nên đi khám ngay các bác sĩ tai mũi họng để điều trị đúng cách nhằm giảm nhanh thời gian mắc bệnh. Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh không phù hợp, hoặc các loại xịt mũi, nhỏ mũi sai chỉ định sẽ làm bệnh trầm trọng hơn và có hại cho cơ thể.
Ăn thế nào khi viêm xoang?
Vì nguyên nhân nào cũng thế, dưới thể dạng nào cũng vậy, không thể tách rời hai yếu tố bệnh lý trong viêm xoang. Đó là hiện tượng viêm tấy lộ diện trên niêm mạc không chỉ ở xoang mà thậm chí trên giác mạc, nướu răng, ống tai, cổ họng... và tình trạng dị ứng núp bóng rất khéo phía sau.
Liệu pháp chữa viêm xoang muốn có hiệu quả toàn diện bắt buộc phải có tác dụng đồng bộ “2 trong 1” để vừa kháng viêm giúp người bệnh sớm bớt khó chịu vì nhức đầu, nghẹt mũi..., vừa chống dị ứng để ngăn bệnh tái phát hay biến thể sang dạng hen suyễn, viêm phế quản...
Thực phẩm ưu tiên
+ Uống đủ hai lít nước trong giờ làm việc bằng cách uống đều đặn mỗi giờ. Đừng quên là muốn tống khứ đàm nhớt ứ đọng trong xoang, lý do gây kích ứng đường hô hấp, thì trước hết phải làm loãng.
- Tăng lượng kẽm dự trữ cho cơ thể vì đa số người viêm xoang thường thiếu khoáng tố này. Nếu không dị ứng với hải sản thì nghêu sò là món ăn nên được chú trọng. Nếu không được thì mễ cốc như đậu phộng, hột bí là giải pháp phòng hờ. Các loại cá biển chứa nhiều dầu béo 3-Omega như cá hồi, cá mòi, cá nục... cũng là món ăn có ích vì 3-Omega có tác dụng tương tranh với các tác chất thúc đẩy phản ứng viêm tấy trên đường hô hấp.
- Áp dụng hoạt chất kháng sinh trong dâu tây, củ hành, gừng thay vì vội vã nuốt ngay thuốc kháng sinh đời mới rồi vô tình tiếp tay cho hiện tượng lờn thuốc.
- Tiếp tế sinh tố C nhiều hơn thường ngày bằng cách đưa ớt bị, chanh, bưởi... vào thực đơn, càng nhiều càng tốt.
- Bổ sung tiền sinh tố A, nhân tố cần thiết để bảo vệ cấu trúc khoẻ mạnh của niêm mạc, chẳng hạn với khoai lang ta, đu đủ, bí rợ...
- Kết hợp các món ăn dẫn xuất từ đậu nành trong khẩu phần để cung cấp canxi, khoáng tố cần thiết cho chức năng chống dị ứng của tuyến thượng thận.
Thực phẩm nên tránh
- Tất cả món ăn đã từng gây dị ứng.
- Tất cả các loại thực phẩm công nghệ có chứa bột sữa vì đây có thể là yếu tố xúc tác cho phản ứng dị ứng dẫn đến viêm xoang.
- Nước uống quá lạnh vì khác biệt nhiệt độ chẳng khác nào một loại stress đối với niêm mạc vùng hầu họng và đường hô hấp.
- Muốn điều trị viêm xoang tất nhiên không thể loại bỏ biện pháp cách ly với môi trường ô nhiễm và dùng thuốc đặc hiệu. Vì bệnh có khuynh hướng dễ tái phát và chắc chắn đến lúc nào đó sẽ tái phát nên người bệnh khó tránh phản ứng phụ của thuốc. Biết cách ăn uống mỗi lần viêm xoang chính là giải pháp giúp thu ngắn liệu trình để nhờ đó góp phần giới hạn phản ứng phụ của dược phẩm.