Viêm xoang hàm là tình trạng viêm niêm mạc xoang, không có tổn thương xương. Bệnh thường gặp ở người lớn do nhiễm khuẩn quanh cuống răng, nang chân răng làm mủ vỡ vào xoang, biến chứng của răng nanh hoặc răng khôn mọc ngầm, tai biến do nhổ răng...

dinhduonghoc.com - Viêm xoang hàm là gì?

Bệnh có thể biểu hiện dưới 3 thể.

Viêm mủ xoang hàm do răng: Bệnh cảnh giống viêm xoang cấp như đau mặt âm ỉ, sốt, người bệnh ngửi thấy mùi thối, chảy mủ từ lỗ mũi bên xoang bị bệnh. Niêm mạc xoang sẽ bị viêm và một thời gian sau xoang hàm có thể bị viêm mạn tính.

Viêm xoang hàm cấp: Nguyên nhân thường do viêm quanh răng hàm lớn có mủ, do viêm tủy răng hoại thư hoặc do tai nạn nhổ răng đẩy chân răng nhiễm khuẩn vào xoang. Bệnh nhân thường sốt cao, nhức đầu, mất ngủ, vật vã. Đặc biệt là cơn đau, đau từng cơn lan rộng cả hàm trên, mắt, thái dương, trán. Đau tăng khi cử động mạnh hoặc khi người bệnh cúi đầu, đôi khi lan đến các răng hàm trên, chạm vào răng bệnh thấy rất đau, ấn vùng dưới ổ mắt đau tăng hơn. Dịch chảy qua lỗ mũi bên bị bệnh, lúc đầu loãng sau trở thành nhày mủ, mủ có mùi thối.

Viêm xoang hàm mạn: Thường do những nguyên nhân như viêm mũi xoang, viêm xoang cấp mạn tính hóa, ổ nhiễm khuẩn răng không được điều trị tốt, viêm xoang trán hay xoang sàng mạn lan xuống... Người bệnh đôi khi mệt mỏi, nhức đầu, chảy mủ màu vàng xanh bên bị bệnh, chảy nhiều vào buổi sáng sớm, ngửi thối làm cho người bệnh buồn nôn, đau ít hơn viêm xoang cấp, thường tắc mũi bên xoang bệnh. Có thể viêm thanh quản, viêm họng, tiêu chảy... do nuốt phải mủ và các biến chứng khác như viêm xoang sàng, xoang trán, áp-xe hố mắt, viêm thị thần kinh, viêm tắc tĩnh mạch xoang, đau răng.

 

Về nguyên nhân gây bệnh viêm xoang hàm

Qua nghiên cứu người ta thấy rằng bệnh lý răng liên quan nhiều đến tai mũi họng. Theo cấu tạo của hệ thống xoang, xoang hàm liên quan mật thiết với xương hàm trên và răng hàm trên. Răng hàm trên số 3, 4, 5 có chân chui sâu tới mặt dưới của xoang hàm.

Vậy nên, khi vì một lý do nào đó, những thay đổi trên răng cũng có thể dẫn tới tình trạng viêm xoang. Ví dụ như người bệnh bị chấn thương, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động … dẫn đến gãy xương hàm trên, gãy nền ọ dưới hốc mắt.

Hoặc là các trường hợp bị răng sâu, chữa không đúng kỹ thuật gây nhiễm trùng gốc răng kinh niên. Cũng có trường hợp, người bệnh bị dị vật rơi vào xoang hàm, khi nhổ răng bị gãy chóp gốc gây nên nhiễm trùng rồi dẫn đến viêm xoang.

Ngoài ra, xoang hàm cũng rất dễ bị viêm do hốc mũi bị nhiễm trùng, do vẹo vách ngăn mũi. Khi viêm xoang thì niêm mạc của xoang bị dầy lên, nhiều dịch và chất nhầy, nếu bị nhiễm trùng nặng hơn sẽ có mủ dầy đặc.

 

Dự phòng viêm xoang hàm

Để dự phòng viêm xoang hàm do răng, người bệnh cần tới kiểm tra và điều trị có hệ thống những răng hàm trên bị thương tổn và nghi ngờ. Trường hợp xoang bị hở khi nhổ răng, cần phải điều trị kháng sinh và tránh những động tác không cần thiết làm bệnh nặng thêm. Nếu một chân răng bị đẩy vào xoang, cần lấy ra ngay hoặc đục mổ xoang để lấy, phối hợp với dùng kháng sinh.

Để phòng ngừa bệnh Viêm xoang hiệu quả, chúng ta cần lưu ý một số điểm sau:

1. - Đeo khẩu trang trước khi ra đường và làm công việc gặp nhiều bụi bặm. Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải, ăn uống đủ dinh dưỡng.

2. - Không dùng các loại tinh dầu quế, hồi làm cao để xoa cho trẻ mỗi khi tắc nghẹt mũi vì sẽ gây kích thích xung huyết da và niêm mạc đường hô hấp của trẻ.

3. - Đối với người mẫn cảm cần chú ý phòng tránh phấn hoa, nấm mốc, nước hoa, thức ăn lạ, nhiều gia vị, nhiệt độ thay đổi. Khi ngứa mũi, muốn hắt xì nhưng không được cũng tuyệt đối không nên cho tay vào ngoáy vì dễ mang vi trùng vào, khiến cho bệnh càng nghiêm trọng thêm. Nhớ chỉ xì mũi ra, không hít ngược như trẻ nhỏ thường làm. Không cố gắng xì mạnh vì sẽ đẩy chất viêm vào vòi nhĩ và tai.

4. - Khi tắm hoặc đi bơi, nếu bị nước vào tai hoặc mũi cần biết cách để cho nước ra ngoài, ví dụ nước vào tai thi có thể nghiêng đầu nhảy để nước ra ngoài sau đó lấy tăm bông lau khô. Nếu nước vào mũi thì không được xì cả 2 mũi liền, làm như vậy nước càng dễ vào trong, hãy lấy 1 tay bịt một bên lại và xì lần lượt từng bên một, nước sẽ bị xì ra ngoài mà không gây tổn thương cho mũi. Hiện nay một số bể bơi ở thành phố vệ sinh kém khi chúng ta di tắm phải cẩn thận tránh để nước vào xoang, dễ gây viêm xoang.

5. - Bệnh có thể lây lan, vì vậy không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang.

6. -  Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần được điều trị ngay tránh trường hợp để biến thái thành bệnh viêm xoang.

 

Cách điều trị triệt để viêm xoang hàm

Điều trị viêm xoang hàm do răng cần có sự phối hợp giữa răng hàm mặt và tai mũi họng. Mục tiêu của việc điều trị là giải quyết mủ tồn đọng trong xoang và nguồn gốc gây bệnh. Đối với viêm xoang cấp, cần dùng kháng sinh, sát khuẩn mũi. Nếu sau vài ngày vẫn còn viêm xoang thì chọc rửa xoang bằng dung dịch kháng sinh. Đối với viêm xoang mạn, cần nhổ răng nguyên nhân gây viêm xoang, sau đó bơm rửa xoang qua đường mũi. Nếu sau nhiều lần bơm rửa mà bệnh vẫn không khỏi thì mổ nạo xoang triệt để.
 
Để điều trị được triệt để viêm xoang hàm cần có sự phối hợp giữa răng hàm mặt và tai mũi họng. Về điều trị viêm xoang phải kết hợp điều trị toàn thân và tại chỗ với mục tiêu là giải quyết mủ tồn đọng trong xoang và nguồn gốc gây bệnh. Tốt nhất là quệt cấy tìm chủng vi khuẩn tham gia vào quá trình viêm xoang và loại kháng sinh thích hợp.

Với những trường hợp răng lạc chỗ, phương pháp duy nhất là phẫu thuật xoang để loại bỏ răng.
 
Như vậy, một lần nữa ta lại thấy mối quan hệ mật thiết giữa các cấu trúc trong cùng một cơ thể, nhiều khi phải có sự phối hợp giữa các chuyên khoa với nhau để điều trị cho một bệnh nhân hoặc hướng dẫn cho người bệnh cách phòng tránh một bệnh của một chuyên khoa khác, ví dụ như bác sĩ răng khi thấy bệnh nhân có biểu hiện bệnh răng lợi ở những răng có liên quan đến xoang hàm trên cần giải thích cho bệnh nhân những biến chứng về xoang có thể xảy ra nếu không điều trị răng tốt để bệnh nhân hợp tác. Những trường hợp đã thấy biểu hiện của viêm xoang do răng, khuyên người bệnh đến chuyên khoa tai mũi họng điều trị kết hợp với việc điều trị răng miệng.