Sa dạ dày là bệnh xảy ra có thể do sự thay đổi khí hậu, lao động quá sức, ăn uống không điều độ.

dinhduonghoc.com - Bệnh sa dạ dày?

Tính chất của cơn đau trong bệnh này tương tự như đau kiểu đói bụng; cũng có thể xuất hiện tình trạng trướng bụng, ợ hơi, đau thắt, các triệu chứng đi kèm là buồn nôn, nôn mửa, táo bón, khó tiêu. Khi nghiêm trọng có thể gây xuất huyết, nứt hậu môn. Người bị chứng sa dạ dày thường có những biểu hiện như: đau bụng ở vùng trên với những đặc điểm đau có tính nhịp điệu, mỗi lần phát bệnh có thể kéo dài trong vài ngày hay vài tuần...

Sinh hoạt, ăn uống

Những người bị sa dạ dày cần thường xuyên chú trọng điều dưỡng - điều chỉnh lại giờ giấc sinh hoạt, có thời gian nghỉ ngơi, làm việc thích hợp, đảm bảo ngủ đủ giấc. Nên dùng những loại thực phẩm ít xơ, mềm và dễ tiêu hóa. Tránh những thức ăn cứng, chiên xào và có tính kích thích như rượu, cà phê, trà, thực phẩm cay nồng. Nên ăn ít và chia thành nhiều bữa.

Bệnh này có thể điều trị bằng ăn uống các loại trái cây hoặc thuốc Đông y như dưới đây:

- Chuối trộn mật ong: Chuối tiêu 2 quả, táo tây 2 quả, mật ong 30 ml. Rửa sạch táo, chuối bỏ vỏ, xay nhuyễn, cho mật ong vào đảo đều, chia làm 2 lần dùng trong ngày.

- Nước củ sen, cam thảo: Củ sen 200g, cam thảo 3g, táo 2 quả, vị thuốc bạch thược 10g. Táo, củ sen rửa sạch, cắt nhỏ, ép thành nước, bạch thược và cam thảo cho vào nồi đất cùng 300 ml nước, nấu lấy nước. Trộn 2 loại nước với nhau khuấy đều để dùng, chia làm 2 lần dùng trong ngày.

- Cà rốt, rau cần: Cà rốt 400g, rau cần 200g, lá su hào 200g, táo 300g, mật ong 30 ml. Rửa sạch tất cả nguyên liệu, để ráo nước, cắt nhỏ, cho vào máy, ép lấy nước. Nếu quá đậm đặc có thể cho thêm nước vào, nếu chất xơ trong nước quá nhiều có thể vớt bỏ bớt, sau đó cho mật ong vào trộn đều là dùng được. Chia làm hai lần dùng trong ngày.

Ngoài ra, trong Đông Y cũng có bài thuốc dùng cho bệnh sa dạ dày, đó là bài gồm các vị: hoàng kỳ, đảng sâm (cùng 16g), bạch truật, đương quy (cùng 10g), trần bì, thăng ma, cam thảo (cùng 6g), sài hồ 4g. Cách sắc (nấu) như sau: Nước đầu cho 3 chén nước sắc còn 1 chén, cho nước thuốc ra riêng; nước thứ 2 cho tiếp 3 chén, sắc còn nửa chén. Hòa hai nước lại, chia làm 3 lần trong ngày uống lúc no (sau khi ăn 30 phút). Một đợt uống liên tục 7-10 ngày.

Người sa dạ dày có thể tham khảo thực đơn như sau:

- Dùng một ít củ sen tươi, gạo nếp, đường trắng lượng vừa. Nấu gạo nếp với củ sen cho chín mềm, rồi gia thêm đường vừa dùng. Dùng tùy lúc, có tác dụng dưỡng vị.

- Bao tử bò 200gr, vị thuốc chỉ xác (sao) 10-20gr, sa nhân 2gr. Cách làm: Bao tử bò sau khi rửa sạch cắt sợi, cùng chỉ xác và sa nhân cho vào nồi đất dùng lửa lớn nấu sôi, sau đó hạ lửa nhỏ tiếp tục nấu đến chín, nêm nếm gia vị. Tác dụng dưỡng vị.

- Bao tử heo 1 cái, vị thuốc hoàng kỳ 200gr, trần bì (vỏ quýt) 30gr. Cách làm: Bao tử heo rửa sạch cắt sợi, sau đó cùng cho hoàng kỳ và vỏ quýt, thêm nước lượng vừa để nấu cho đến khi chín nhừ thì tắt lửa. Chia 2 lần dùng hết trong ngày, có tác dụng dưỡng vị.

- Vị thuốc sơn tra 15gr, chỉ xác 15gr. Sơn tra sau khi rửa sạch cùng chỉ xác cho vào nồi nấu, sau khi sôi hạ lửa nhỏ nấu tiếp sau đó bỏ bã lấy nước. Cách dùng: mỗi ngày 1 chén, chia 2 lần dùng. Tác dụng dưỡng vị.

- Nhân sâm, sinh khương (gừng tươi), phục linh, trần bì (vỏ quýt) - mỗi thứ 3gr, vị thuốc thương truật 9gr, chỉ thực 1,5gr. Tất cả nguyên liệu trên cùng cho vào nồi đất, dùng nước lượng vừa để nấu, sau khi dùng lửa lớn nấu sôi, thì hạ lửa vừa tiếp tục nấu đến khi chín mềm. Chia làm 3 lần dùng trong ngày, có tác dụng dưỡng vị.

- 1 cái bao tử bò, 180gr vị thuốc đương quy, một ít rượu, gia vị. Cách làm: Bao tử bò rửa thật sạch, cắt thành lát nhỏ, cùng đương quy cho vào nồi đất, thêm nước lượng vừa, sau khi dùng lửa lớn nấu sôi, thêm rượu, hạ lửa nhỏ tiếp tục nấu cho đến khi canh đậm thịt nhừ, nêm nếm gia vị. Thích hợp cho người bệnh sa dạ dày có triệu chứng đau.

- 1 cái bao tử heo, vị thuốc hoàng kỳ 20-30gr, tiêu sọ chừng 15gr. Cách làm: Bao tử heo rửa sạch cắt lát, sau đó cùng hoàng kỳ, tiêu sọ cho vào nồi nước nấu chín, chia 2 hay 3 lần dùng trong ngày, có tác dụng dưỡng vị bổ khí.

- Gà tơ 1 con, can khương (gừng khô), công đinh hương, sa nhân (mỗi thứ 3gr). Gà tơ làm sạch. Can khương, công đinh hương, sa nhân cho vào túi vải buộc lại, rồi cho túi thuốc này và gà tơ vào nồi tiềm cách thủy, chia 2 lần ăn hết trong ngày, có tác dụng dưỡng vị ích khí

- Gà mái tơ 1 con, vị thuốc chích hoàng kỳ 100gr, gừng, hành, rượu trắng, tiêu lượng vừa. Gà mái rửa sạch bỏ nội tạng và đầu móng, đưa hoàng kỳ nhét vào bụng gà, dùng chỉ khâu lại, cho vào chiếc thố, cho nước dùng, gừng, hành, rượu, gia vị, dùng lửa lớn chưng cách thủy trong 2 giờ, sau cùng rắc một ít bột tiêu. Có tác dụng trị sa dạ dày và triệu chứng đau dạ dày do lạnh.

 

Những điều nên tránh sau bữa ăn

Sau bữa ăn, điểm tâm chút trái cây, uống một ly trà ngon hay làm một giấc ngủ, là chuyện tưởng như bình thường. Nhưng nếu cứ tiếp diễn mãi vậy, sẽ... có hại cho sức khỏe!

Không nên uống nước trà ngay sau bữa ăn

Như ta đã biết, trong trà có chất tanin và chất theocin. Chất tanin vào dạ dày sẽ kết hợp với protein, vitamin B1 và chất sắt trong thức ăn hình thành những hợp chất khó hấp thụ. Chất tanin và chất theocin còn ức chế sự bài tiết dịch vị và dịch ruột.

Vì vậy uống nước trà sau khi ăn vừa lãng phí các chất dinh dưỡng ăn vào, vừa làm cho bộ máy tiêu hóa kém hấp thu các chất protein, vitamin và chất sắt. Người ta khuyên sau khi ăn nửa tiếng đồng hồ mới nên uống nước trà.

Không nên ăn trái cây ngay sau bữa ăn

Thông thường, sau bữa ăn, có ít trái cây tráng miệng đã trở thành "mốt". Ta đã biết thức ăn vào dạ dày phải lưu lại từ 1-2 giờ. Nếu sau bữa ăn, ta ăn ngay trái cây sẽ làm tăng thêm sự lưu trệ trong dạ dày.

Trái cây có loại đường đơn là monosacchant và các loại axit sẽ kết hợp với axit trong dạ dày tạo ra axit tactaric, axit citric làm cho dạ dày đầy hơi, chướng bụng, khó chịu. Trong các loại trái cây thường dùng như cam, quýt, nho, lê, hồng,... lại có chất plavon, chất này ở đường ruột bị vi khuẩn phân giải thành axit tioxianic gây ức chế công năng của tuyến giáp trạng, sẽ tạo ra tình trạng bệnh lý của tuyến này.

Một số loại trái cây có hàm lượng tanin và pectin cao, chúng kết hợp với dịch vị, chất xơ và protein trong thức ăn, dễ vón thành những hạt rắn, khó tiêu hóa. Những hạt này hình thành sỏi ở dạ dày, ruột. Người ta khuyên nên ăn trái cây bữa ăn độ 1-3 giờ.

Không hút thuốc lá sau bữa ăn

Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng: Ăn cơm xong, tuần hoàn máu tăng nhanh, vì vậy hút một điếu thuốc vào lúc đó, lượng hấp thu chất độc lớn hơn hút 10 điếu vào lúc khác. Hút thuốc lá sau ăn còn làm giảm tiết mật, giảm tiết các proteinase và cacbonic axit của tuyến tụy.

Vì vậy, hút thuốc lá sau khi ăn làm cho công năng của dạ dày bị rối loạn. Cũng có thể hút thuốc ngay sau khi ăn là nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh viêm loét dạ dày, bệnh phổi và bệnh tim mạch.

Không tắm ngay sau khi ăn

Khi tắm, người ta kỳ cọ, làm cho các mạch máu ngoài da giãn nở, máu lưu thông mạnh. Máu dồn ra chân tay và mình, làm giảm thiểu máu ở đường tiêu hóa và nội tạng.

Do vậy các men tiêu hóa bị giảm tiết, giảm nhu động nhào trộn thức ăn, đưa đến giảm sự hấp thụ chất dinh dưỡng ở dạ dày và ruột. Đặc biệt không nên tắm nước lạnh sau khi ăn dễ bị cảm.

Không tháo thắt lưng đột ngột

Tùy theo thói quen hay ngẫu hứng của từng cuộc ăn nhậu, đôi khi thực khách lại không ngồi trên bàn, mà ngồi xuống chiếu theo kiểu xếp chân bằng tròn. Quần áo và thắt lưng thì nai nịt chặt chẽ. Khi ăn xong, thức ăn lưu thông từ dạ dày xuống ruột bị chậm trễ. Tuy vậy, dạ dày, ruột vẫn có nhu động, không ngừng co bóp một cách khó khăn để đẩy từng ít thức ăn xuống ruột.

Nếu chưa ăn no, ta nới thắt lưng ra đột ngột thì lượng thức ăn đang bị dồn ép nay được trôi đi nhanh một cách tự do, thì sẽ dễ dàng gây ra các hiện tượng xoắn quai ruột và tắc ruột. Nếu tình huống này xảy ra thì việc xử trí chắc chắn sẽ rất phức tạp.

Không đi dạo ngay sau bữa ăn

Khi người ta đi bộ, cơ bắp ở chân, tay, lưng co duỗi. Máu tăng cường dồn vào cơ bắp để bảo đảm nhu cầu ôxy, tạo năng lượng cho cơ bắp hoạt động. Nếu sau ăn mà đi bộ ngay, thì lượng máu đưa đến bộ máy tiêu hóa giảm, ảnh hưởng đến chức năng tiết dịch và hấp thu của bộ máy tiêu hóa, dẫn đến rối loạn công năng của dạ dày và ruột.

Nếu đi bộ ngay sau khi ăn kéo dài, dễ đưa đến viêm loét dạ dày. Người bị sa dạ dày, nếu ăn no mà đi bộ ngay một cách thường xuyên thì làm cho bệnh sa dạ dày ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Không ngủ ngay lập tức sau khi ăn

Một số người sau khi ăn xong thì thấy mệt mỏi, buồn ngủ rũ rượi, đó chính là do lượng huyết dịch tăng cường chảy vào bộ máy tiêu hóa, làm cho não bộ ở trong tình trạng tạm thời thiếu máu. Ngủ làm cho đại não rơi vào trạng thái ức chế, đưa đến ức chế tất cả các bộ máy trong cơ thể, trong đó có bộ máy tiêu hóa.

Như vậy, giấc ngủ sẽ làm cho công năng của dạ dày, ruột bị giảm đi rõ rệt. Nếu ăn xong mà ngủ ngay thì thức ăn sẽ không được tiêu hóa một cách hoàn thiện, do đó thức ăn hấp thu kém, người sẽ mệt mỏi, bụng chướng, ậm ạch, khó tiêu và là nguyên nhân dẫn đến những bệnh về dạ dày, ruột.