Thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh có thể dẫn đến nhiều bệnh do vi khuẩn, virus gây ra, trong đó bệnh viêm dạ dày ruột do virus (Rotavirus và Norwalkvirus) là bệnh hay gặp.

dinhduonghoc.com - Bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính do virus

Đây là những virus gây ra hội chứng tiêu chảy cấp, có thể dẫn đến tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời và còn làm cho dịch bệnh lây lan. Làm thế nào để có thể phòng ngừa được căn bệnh này? Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết cần thiết về bệnh.

Viêm dạ dày ruột cấp tính do virus ở trẻ em

Trong các loại virus hay gây bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính thì nguyên nhân do Rotavirus thường gặp ở trẻ em. Bệnh xảy ra quanh năm và có thể gây thành dịch nếu các biện pháp phòng bệnh lây lan không được thực hiện tốt.

Biểu hiện bệnh được đặc trưng bởi tình trạng sốt và nôn kèm theo tiêu chảy. Nhiều trường hợp mất nước nặng có thể dẫn đến tử vong.

Rotavirus là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể gặp ở nước đang phát triển hay phát triển. Trẻ từ 2- 3 tuổi là đối tượng dễ bị mắc bệnh nhất, virus này thường gây tiêu chảy nặng hơn ở trẻ em so với những tác nhân đường ruột khác. Bệnh thường kéo dài từ 4 - 6 ngày và tỷ lệ tử vong cao. Người ta ước tính tại các nước đang phát triển, hàng năm có đến gần 900.000 trường hợp tử vong do Rotavirus gây ra.

Virus Rota thuộc họ Reoviridae, gây bệnh cho trẻ chủ yếu là nhóm A nhưng ở người lớn thì hay gặp nhóm B và nhóm C thì ít gặp. Bệnh lây truyền chủ yếu theo đường phân - miệng qua tiếp xúc hoặc hô hấp. Mặc dù Rotavirus không nhân lên ở đường hô hấp nhưng có thể tìm thấy chúng ở chất tiết đường hô hấp.

Trong những nguồn nước không đảm bảo vệ sinh như nước sông, nước ao hồ có rất nhiều virus này, do vậy ở vùng không có nước sạch nếu phải dùng nguồn nước này cho sinh hoạt thì sẽ tạo thuận lợi cho virus xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Đối với những người bị bệnh, trong suốt quá trình cấp tính của bệnh và sau đó virus tiếp tục được đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa.

Việc xử lý ngay tại nhà không quá phức tạp mà lại đóng vai trò hết sức quan trọng để giúp trẻ không bị rơi vào tình trạng nguy kịch. Cần cho trẻ bù nước bằng Oreson, Hydrite, uống ít một và nhiều lần.

Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, thậm chí phải tốt hơn bình thường để trẻ chóng phục hồi, trẻ phải được bú mẹ nhiều hơn.

Nếu không bú mẹ, có thể dùng sữa không có Lactose như Isomil, Hope doctor. Tuyệt đối không được cho uống kháng sinh, các thuốc chống nôn và chống ỉa chảy cũng không có tác dụng.

Với trẻ đã bị bệnh, cần lưu ý những điểm sau để không lây lan cho trẻ khác:

- Không dùng chung khăn mặt và các vật dụng cá nhân khác.

- Vệ sinh, tiệt trùng cẩn thận các đồ thay ra như quần áo, tã lót, rửa tay cho trẻ sau khi ngồi bô và trước khi ăn.

- Chế biến thức ăn riêng. Tiệt trùng tất cả các dụng cụ chế biến thức ăn, pha sữa cho trẻ.

- Khi trẻ còn đang nôn, đừng cố ép trẻ ăn, chờ đến khi trẻ ngưng mới bắt đầu cho ăn loãng.

- Luôn giữ sạch sẽ, thoáng đãng phòng ở và khu vệ sinh.

Viêm dạ dày ruột cấp tính hay gặp ở người lớn

Đây là bệnh do virus Norwalk gây ra, nó còn được gọi là bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính truyền nhiễm không phải do virus, tiêu chảy do virus, viêm dạ dày ruột do virus dịch tễ...

Bệnh diễn biến từ nhẹ đến nặng và thường gây ra các vụ dịch. Khi virus xâm nhập cơ thể người bệnh thấy buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi, sốt nhẹ, các triệu chứng này thường phối hợp với nhau.

Virus Norwalk là một loại virus nhỏ, có cấu trúc ARN được xếp vào nhóm Calicivirus, đây là tác nhân gây ra 1/3 số vụ dịch viêm dạ dày ruột không phải do vi khuẩn. Bệnh lưu hành ở khắp mọi nơi trên thế giới, các vụ dịch xảy ra thường liên quan đến việc sử dụng các loại ốc, sò chưa được nấu chín kỹ.

Trong một nghiên cứu ở Mỹ, kháng thể kháng tác nhân Norwalk tạo ra chậm, hơn 60% dân số ở lứa tuổi 50 có kháng thể, do vậy bệnh hay gặp hơn ở người trưởng thành còn trẻ. Người ta nhận thấy nguyên nhân lây truyền nhanh dịch bệnh là từ thức ăn, nước uống không sạch, các loại ốc bị nhiễm virus này.

Khi mắc bệnh, thời gian miễn dịch rất ngắn, người bệnh có thể bị mắc lại bệnh trong vòng từ 1- 2 năm. Những người ốm yếu, suy giảm miễn dịch hay mắc các bệnh mạn tính khác rất dễ mắc nếu trong nhà có người bị tiêu chảy vì virus này hay tiếp xúc với yếu tố gây bệnh như nước sinh hoạt, thức ăn không sạch...

 

Điều trị theo tây y

Đây là bệnh do virus gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hơn nữa đây là bệnh có các dấu hiệu cấp tính ở dạ dày ruột nên khi có dấu hiệu bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế. Mọi trường hợp tiêu chảy đều phải truyền dịch đầy đủ, tránh những biến chứng nguy hiểm như trụy tim mạch do giảm lượng tuần hoàn trong cơ thể vì thiếu nước. Thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh, nhất là đối với trẻ nhỏ.

 

 

Chữa viêm ruột cấp theo đông y

Trường hợp viêm ruột cấp tính này chủ yếu biểu hiện ở đi tháo, lỏng như nước. Đông y cho rằng thử tháp bạo tả, vừa là thực, vừa là nhiệt, nên xử lý bằng cách sơ lợi. Đi lỏng lâu ngày là thiên về hư, thiên về hàn, thì lại phải cố sáp.

Biện chứng đông y: Tì hư thấp khốn, vận hóa thất thường.

Cách trị: Vận tì hóa thấp.

Đơn thuốc: Vị linh thang và Tam nhân thang gia giảm.

Công thức: Phục linh 15g, Trư linh 9g, Thương truật 9g, Hậu phác 9g, Trạch tả 9g, Quế chi 3g, Cam thảo 6g, Dĩ mễ 9g, Hạnh nhân 9g, Thông thảo 3g, Bạch khấu nhân 6g, Hoạt thạch 9g, Sinh khương 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Hiệu quả lâm sàng: Tô X, nam, 45 tuổi, cán bộ. Tới khám ngày 7-7-1973. Trước đây bệnh nhân đã bị tức ngực, thở ngắn, có lúc đau vùng ngực. Kiểm tra điện tâm đồ không thấy có thay đổi rõ rệt, ngày 5-7 đột nhiên đi tháo, phân ra như nước, một ngày hơn 20 lần. Đã khám và cho uống rượu thuốc opi, còn cho dùng các vị thuốc như Ô mai, Ngũ bột tử, Sinh mẫu lệ để thu sắp, bên ngoài thì dùng Cao khổ sâm đắp lên rốn để cầm ỉa chảy.

Sau khi dùng thuốc quả nhiên số lần đi lỏng giảm bớt, chỉ còn 6-7 lần. Nhưng vẫn thấy mạch nhu hoãn, rêu lưỡi trắng bẩn, chất lưỡi nhạt. Tổng hợp tứ chẩn, thấy đây là trường hợp bệnh phát sinh vào giữa hè, thử thấp làm tổn thương đến tì vị. Tì vị thấp bao vây, vận hóa mất bình thường, thử thấp chảy xuống dưới gây chướng bụng, đau rốn, kém ǎn và tức ngực. Tì chủ tứ chi, nên thấy tay chân, mỏi mệt. Rêu lưỡi trắng bẩn, mạch nhu hoãn là triệu chứng thấp nặng. Lưỡi nhạt mà mạch hư, là triệu chứng của tì hư.

Tất cả các chứng trên rõ rằng cǎn nguyên bệnh là tì hư, bị thấp bao vây. Vì dùng rượu thuốc opio và thuốc thu sáp cho nên vẫn chướng bụng, đau bụng, dùng bài thuốc vận tì hóa thấp.

Cho uống "Vị linh thang và Tam nhân thang gia giảm". Uống 9 thang, thấy giảm hẳn đau chướng bụng, chỉ còn đi ngoài 1-2 lần mỗi ngày, ǎn uống khá hơn, nhưng đại tiện chưa thành khuôn.

Khám thấy mạch trầm, tế, vô lực, chất lưỡi nhạt, rêu mỏng trắng, có thể thấy thử thấp đã mất được phần lớn, cần trợ giúp cho tì dương đang bị giam hãm, dùng phương pháp kiện tì khư thấp tiêu chướng, cho uống bài thuốc trên có gia giảm như sau: Bạch sâm 9g, Tiêu truật 9g, Phục linh 9g, Cam thảo 6g, Quảng mộc hương 6g, Trần bì 9g, Dĩ mễ 15g, Quế chi 3g, Tam tiên thán (tức Sơn tra, Mạch nha, Trần khúc) 15g, Hậu phác 6g, Uống 2 thang đã thấy bệnh yên, tinh thần tỉnh táo, ǎn uống tốt, chỉ còn mệt mỏi, biểu hư tự hãn, lại cho uống tiếp 3 thang nữa, bệnh khỏi hẳn.

Bàn luận: Trường hợp viêm ruột cấp tính này chủ yếu biểu hiện ở đi tháo, lỏng như nước. Đông y cho rằng thử tháp bạo tả, vừa là thực, vừa là nhiệt, nên xử lý bằng cách sơ lợi. Đi lỏng lâu ngày là thiên về hư, thiên về hàn, thì lại phải cố sáp. Trường hợp này là bạo tả rõ ràng, cho nhầm thuốc sáp, càng uống bệnh càng nặng. Cần phải thận trọng biện chứng cho đúng, thì luận trị mới đúng.

Phòng bệnh

Đối với Rotavirus không nên để trẻ tiếp xúc với trẻ hoặc người đang mang bệnh. Người ta cũng tiến hành cho trẻ sơ sinh thiếu cân và trẻ có hệ thống miễn dịch kém uống globulin miễn dịch.

Các nghiên cứu cũng nhận thấy nếu trẻ được bú sữa mẹ đầy đủ trong 2 năm đầu có thể giảm được nguy cơ mắc bệnh. Đối với Norwalkvirus, nên sử dụng nước sinh hoạt và thức ăn đảm bảo vệ sinh, không nên ăn các loại ốc chưa được nấu chín, người đang bị bệnh, dù nhẹ cũng không được tham gia chế biến thức ăn.

Nhìn chung biện pháp phòng ngừa là ăn chín, uống nước đun sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Các chất thải của bệnh nhân cần được xử lý tốt, tránh xâm nhập vào môi trường.