Phổi - Bệnh tràn dịch màng phổi là gì?
Dựa vào nguyên nhân và diễn biến bệnh mà dịch màng phổi có nhiều tính chất khác nhau về màu sắc (trong, vàng chanh, đục, mủ, đỏ máu, trắng đục..) về sinh hóa (dịch thấm, dịch tiết, máu...), về tế bào (bạch cầu đa nhân, lymphocyt, hồng cầu, tế bào nội mô), về vi trùng và các tính chất khác.
Dịch tễ học:
Ngoài các TDMP có nguyên nhân ở ngoài phổi - màng phổi, nguyên nhân vì nhiễm trùng có một vai trò quan trọng, bệnh hay xảy ra ở người có cơ địa không tốt, có bệnh mạn tính. TDMP chiếm tỷ lệ khá cao so với các bệnh đường hô hấp dưới, điều trị nội khoa nhiều lúc không có kết quả tốt, để lại nhiều biến chứng và dư chứng lâu dài ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Thời hiện đại ngày nay nhờ có nhiều loại kháng sinh tốt và mang đến hiệu quả cao cho bệnh nhân nên hạn chế phần nào tỉ lệ tử vong và giảm nhẹ biến chứng.
Nguyên nhân: Người ta phân biệt:
Tại phổi - màng phổi
- Nhiễm trùng: Hay thứ phát sau các tổn thương phổi (viêm phổi, viêm màng phổi, abcès phổi vỡ vào xoang màng phổi, ung thư phổi hoại tử hoặc bội nhiễm...) hoặc do những cơ quan lân cận (gan, màng tim, trung thất).
- Siêu vi: Nguyên phát hay thứ phát.
- Ung thư: Phế quản, phổi, màng phổi tiên phát hay do di căn, Bệnh BBS (Besnier - Boeck - Schaumann)
- Ký sinh trùng: Thường gặp do amíp (do áp xe gan, áp xe dưới cơ hoành vỡ vô xoang màng phổi), sán lá.
- Thương tổn ống ngực vỡ vô màng phổi gây TDMP dưỡng trấp.
- Dị ứng, Hodgkin thời kì nặng, bệnh tạo keo.
- Chấn thương vùng ngực, phẫu thuật lồng ngực, tai biến chọc dò màng phổi...
- Không rõ nguyên nhân.
Ngoài phổi - màng phổi:
Hay gặp là dịch thẩm thấu do các bệnh lý ở tim (suy tim), gan (xơ gan), thận (HCTH, suy thận), suy dinh dưỡng. Hoặc u nang buồng trứng (H/C Demons Meigs), bệnh tự miễn, bệnh tạo keo, viêm tụy cấp.
Ở đây chỉ đề cập đến nguyên nhân do vi khuẩn sinh mủ, hay gặp là phế cầu, liên cầu, tụ cầu vàng, E.Coli, Klebsilla pneumoniae, Actinomyces, trực khuẩn mủ xanh, nếu như có mùi hôi là do hoặc phối hợp với các loại yếm khí.
Các thương tổn có nguy cơ nguyên phát tại màng phổi nhưng thường là thứ phát sau các thương tổn phổi, màng tim, hoặc từ các cơ quan khác như gan, trung thất, abcès dưới cơ hoành..., từ đường máu đến (nhiễm trùng huyết) hoặc trên một cơ địa thương tổn phổi có sẳn (lao, ung thư...) sau đó bội nhiễm hoặc tràn dịch sau tràn khí màng phổi.
Biến chứng và dư chứng:
Tùy theo nguyên nhân.
Biến chứng:
- Vỡ vô phổi, phế quản tạo áp xe phổi - khái mủ.
- Dò tới thành ngực.
- Tràn khí thứ phát hay phối hợp.
- Tràn dịch màng ngoài tim.
- Nhiễm trùng huyết.
Dư chứng:
- Nếu chữa trị sớm, đúng cách thì bệnh sẽ nhanh khỏi nhưng giữ lại dày dính màng phổi, có khi có vách hóa màng phổi.
- Nếu chữa trị sai cách hay điều trị không sớm thì sẽ gây đọng ổ mủ cặn trong màng phổi làm nhiễm trùng kéo dài, gây xẹp phổi, suy hô hấp.
- Tùy theo nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị và phương pháp điều trị.
Phòng tránh:
Chẩn đoán TDMP thường khá dễ nhưng tìm nguyên nhân và diễn biến điều trị phức tạp, có không ít biến chứng và di chứng. Các nguyên nhân gây bệnh thường từ đường hô hấp vì vậy cần phát hiện và điều trị sớm các nhiễm trùng ở đường hô hấp trên, ở phế quản phổi, đặc biệt là các bệnh nhân có cơ địa xấu, mắc bệnh mạn tính...
Cần điều trị sớm, mạnh, đầy đủ và theo dõi sát các bệnh nhân viêm màng phổi để có hướng đi tốt, ngăn ngừa biến chứng.