HIV là một Retrovirut họ Lentiviridae. Hiện nay đã phát hiện được HIV-1 (phân lập đầu tiên năm 1983) và HIV-2 (phân lập đầu tiên năm 1985). HIV có axit nhân là ARN. Hiện nay trên thế giới HIV-1 là phổ biến.

dinhduonghoc.com - HIV/AIDS là gì?

Nhiễm HIV (vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người) và AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) là một quá trình bệnh lý do một loại vi rút thuộc họ Retroviridae gây ra. HIV làm suy giảm nặng tế bào TCD4, từ đó gây ra suy giảm nghiêm trọng tình trạng miễn dịch dẫn đến bệnh nhân mắc các nhiễm trùng cơ hội và ung thư, suy kiệt và tử vong.

HIV: Human Immuno deficience Virus   (vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người).

AIDS: Acquired Immuno - Deficiency Syndrome (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).

Thời gian trung bình từ khi nhiễm HIV đến khi tiến triển thành AIDS khoảng 10 năm. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể tiến triển nhanh đến AIDS trong vòng vài tháng. Một số khác (5%) có thể kéo dài trên 15 - 20 năm vẫn không có các triệu chứng AIDS và số lượng tế bào CD4 không giảm.

Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn liên quan nhiều đến số lượng tế bào CD4.

 

Nguyên nhân dẫn đến HIV/AIDS

HIV là một Retrovirut họ Lentiviridae. Hiện nay đã phát hiện được HIV-1 (phân lập đầu tiên năm 1983) và HIV-2 (phân lập đầu tiên năm 1985). HIV có axit nhân là ARN. Hiện nay trên thế giới HIV-1 là phổ biến.

Mầm bệnh

HTLV: Human T Lympho Virut.

HIV: Human Immuno - deficiency  Virut.

HFV: Human Foamy Virut.

HIV có cấu trúc hình cầu đường kính 110 nm gồm 3 lớp:

Bao ngoài (Envelop): Là một màng lipit kép có nhiều kháng nguyên là những cấu trúc Glycoprotein (ký hiệu: Gp)

Vỏ: Gồm 2 lớp, cấu trúc là Protein.

Lõi (nhân): Có hình trụ được bọc trong một lớp Protein. Gồm có 2 loại kháng nguyên ký hiệu là: GAG (Group Specific Antigen) và POL (Polymerase) nhưng bản chất chung đều là các Protein (ký hiệu P).

HIV-1 có nhiều kháng nguyên đặc hiệu như: Gp 41, Gp 120, Gp 160, P24.

HIV có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi các yếu tố lý, hoá và các chất khử trùng thông thường.

Nguồn bệnh

Người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS.

Đường lây

HIV có thể tìm thấy trong máu và các sản phẩm của máu, tinh dich, dịch âm đạo, nước bọt, nước mắt, dịch não tuỷ, nước tiểu, sữa mẹ. Tuy nhiên chỉ có 3 phương thức lây được xác định là:

Lây truyền qua đường tình dục: Tính chung trên thế giới, tỷ lệ lây truyền HIV qua đường tình dục qua tình dục khác giới chiếm 71%, qua tình dục đồng giới (nam) chiếm 15%. Nguy cơ lây nhiễm HIV tăng lên khi có bệnh lý gây nên nhiễm ở bộ phận sinh dục, có vết sây sát xảy ra khi giao hợp hoặc có quan hệ tình dục với nhiều người…

Lây truyền qua đường máu: Do truyền máu và các sản phẩm của máu, ghép tạng… không kiểm soát được HIV, do dùng chung bơm tiêm kim tiêm (nguy cơ cao đối với người tiêm chích ma tuý), do dùng chung kim châm cứu, kim xăm trên da v.v….

Lây truyền từ mẹ sang con: Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền cho con trong thời kỳ mang thai, trong khi đẻ và sau khi đẻ (qua sữa).

Ngoài các phương thức lây truyền như trên, hiện nay chưa xác định được các phương thức lây khác như đường hô hấp, qua muỗi hoặc côn trùng đốt, hôn, dùng chung bát đũa…

Cơ thể cảm thụ

Mọi người đều có thể bị bệnh, không phân biệt tuổi, giới, điều kiện tự nhiên, xã hội. Tuy nhiên do ảnh hưởng của phương thức lây truyền qua đường tình dục nên lứa tuổi 18 - 20 mắc cao hơn.

Tỷ lệ nhiễm bệnh khác nhau tuỳ theo từng khu vực, phụ thuộc nhiều vào phong tục, tập quán, thói quen, tệ nạn xã hội, lối sống…. Các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao là: Gái mại dâm, bệnh nhân mắc bệnh truyền qua đường tình dục (STD), người nghiện trích ma tuý đường tĩnh mạch, nguy cơ quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người, người được truyền máu nhiều lần không được sàng lọc….

 

Các biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS

Dựa vào đường lây nhiễm HIV, có các biện pháp phòng sau:

1. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục:

- Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng và cả hai người đều chưa bị nhiễm HIV. Không quan hệ tình dục bừa bãi.

- Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su mới (condom, áo mưa, bao kế hoạch) đúng cách.

- Dùng thuốc diệt tinh trùng và HIV: phổ biến là Nonoxynol-9 (Menfagol) được làm dưới dạng kem bôi, viên đặt, hoặc tẩm vào màng xốp, bao cao su.

2. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu:

- Không tiêm chích ma túy.

- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.

- Hạn chế tiêm chích. Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu...

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV

- Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,...

3. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con:

- Phụ nữ nhiễm HIV không nên mang thai, vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%. Nếu có thai thì uống thuốc dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ.

 

Điều trị và chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS

Cho đến nay vẫn chưa có bất cứ loại thuốc hay phương thức điều trị nào thực sự có thể xem là điều trị được bệnh AIDS. Các biện pháp can thiệp của y học hiện nay chỉ đạt được hiệu quả ngăn cản sự tiến triển của bệnh và đối phó kịp thời với các triệu chứng do bệnh gây ra.

Ngoài các nghiên cứu khoa học vẫn đang được tiếp tục để nhắm đến khả năng điều trị được bệnh AIDS, việc đối phó với căn bệnh này hiện nay nhắm đến 2 mục đích: đảm bảo một cuộc sống tốt nhất cho những người đã nhiễm HIV hoặc đang phát triển bệnh AIDS, và hạn chế tối đa sự phát triển, lây lan của HIV trong cộng đồng. Để đạt được 2 mục đích trên, mọi người trong xã hội cần thống nhất một số nhận thức đúng đắn về căn bệnh này:

Hiểu rõ các hình thức lây lan chủ yếu của HIV, đó là qua hoạt động tình dục, dùng chung kim tiêm chích và lây lan từ mẹ sang con. Từ đó, tích cực áp dụng các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả trong hoạt động tình dục, tiêm chích cũng như cân nhắc kỹ trước khi quyết định sinh con sau khi đã được chẩn đoán HIV dương tính.

Không nên đối xử phân biệt và cách ly đối với những người nhiễm HIV, bởi nguy cơ lây nhiễm không nằm trong các hoạt động giao tiếp thông thường với người mang HIV.

Tích cực phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV để tránh tình trạng vô tình gieo rắc HIV trong cộng đồng. Vận động và giáo dục kiến thức chung về HIV/AIDS trong cộng đồng có thể giúp thúc đẩy việc phát hiện sớm các đối tượng nhiễm HIV, thông qua việc các đối tượng có nguy cơ cao sẽ tự nguyện tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán HIV, đồng thời cũng giúp cho những người đã nhiễm HIV có một nhận thức đầy đủ về trách nhiệm hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.

An ủi và động viên những người đã nhiễm HIV để họ có thể tiếp tục một cuộc sống bình thường trong xã hội, vì thời gian từ khi nhiễm HIV cho đến toàn phát bệnh AIDS có thể kéo dài đến10 năm hoặc lâu hơn. Bệnh nhân không cần thiết phải đau buồn khổ sở trong suốt quãng thời gian này, mà ngược lại có thể có một cuộc sống tốt hơn nếu biết chấp nhận sự thật. Hơn thế nữa, những tiến triển khả quan trong nghiên cứu khoa học hiện đã có thể giúp bệnh nhân kéo dài hơn nữa thời gian sống khỏe mạnh, và trong tương lai vẫn có thể hy vọng về một sự thành công hoàn toàn trong việc đẩy lùi bệnh AIDS.

 

Chăm sóc bệnh nhân HIV tại gia đình như thế nào?

Quần áo, đồ vải dính máu người bệnh phải được ngâm nước Javen 0,1-0,5% trong 30 phút rồi giặt lại bằng xà phòng; nếu dính các chất đặc như chất nôn, phân thì phải gột nước cho sạch bớt trước khi ngâm Javen và giặt lại.

Với các loại rác có máu (giấy, bông, băng gạc, kim tiêm...), cần cho vào 2 lần túi nylon, buộc lại trước khi bỏ vào thùng rác.

Ngoài ra, trong khi chăm sóc người thân nhiễm HIV/AIDS, các thành viên trong gia đình cần lưu ý:

- Bệnh nhân phải dùng riêng một số đồ dùng như khăn tắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng, dao cạo, cái nạo lưỡi, đồ làm móng tay, kim tiêm...

- Khi máu và chất tiết của người bệnh rơi vãi ra ngoài, dùng giấy hoặc vải hút nước lau sạch, sau đó lau nơi vấy bẩn bằng nước xà phòng rồi lau lại bằng nước Javen hoặc cồn 70 độ.

- Người trong gia đình nên mang găng tay cao su khi chăm sóc vết thương hay giặt đồ cho bệnh nhân nhiễm HIV. Nếu bị dính máu, dịch tiết của bệnh nhân thì rửa sạch ngay bằng nước xà phòng, sau đó dùng cồn 70 độ sát trùng lại.

- Nếu người trong gia đình bị những vật bén nhọn dùng cho bệnh nhân nhiễm HIV (như kim tiêm, dao cạo) làm bị thương, cần nặn ngay máu ra, rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng, sát trùng bằng cồn 70 độ. Sau đó, phải liên hệ ngay với các cơ sở điều trị để được hướng dẫn điều trị dự phòng.

- Trong quan hệ tình dục với người nhiễm HIV/AIDS, phải luôn sử dụng bao cao su. Còn những biểu hiện tình cảm khác như vuốt ve, nắm tay... không làm lây bệnh.

- Về ăn uống, cần cho bệnh nhân ăn uống đầy đủ các chất (thịt, cá, trứng, gan, đậu, rau củ, trái cây). Nếu người bệnh chán ăn, buồn nôn thì cho ăn uống từng chút một và chia thành nhiều bữa. Tránh cho ăn rau sống vì nó khó tiêu và dễ gây nhiễm trùng. Nếu bệnh nhân hay nôn, nên cho dùng thức ăn lỏng. Trong trường hợp tiêu chảy kéo dài, cần sử dụng thức ăn mềm, nghiền nát, tránh các loại gia vị, uống nhiều nước và một viên đa sinh tố mỗi ngày.

- Về thuốc điều trị, bệnh nhân và người nhà không được tự ý mua và sử dụng. Thuốc phải do bác sĩ chuyên khoa quy định dựa vào quá trình thăm khám, theo dõi và làm các xét nghiệm.