Viêm xoang là căn bệnh dễ mắc nhưng lại khó chữa và có xu hướng ngày càng gia tăng. Có tầm 12% dân số hiện đang bị viêm xoang mạn tính. Vậy thì nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang mũi và lí do làm gia tăng tỉ lệ viêm xoang mũi trong cộng đồng là gì?

1. Viêm nhiễm:

- Nhiễm khuẩn: Nguyên nhân chủ yếu là do viêm mũi-họng cấp rồi nhanh chóng lan vào xoang, do tai mũi họng thông thoát với nhau. Vi trùng cũng có thể tấn công từ các ổ viêm lân cận như viêm amidan mủ cấp, amidan hốc mủ mạn, viêm tai giữa mủ, viêm lợi cao răng sâu răng…

- Nhiễm virus: Virus xâm nhiễm vào cơ thể gây ra các triệu chứng viêm xoang và đó là điều kiện thuận lợi để gây ra nhiễm trùng xoang.

- Nhiễm nấm: Thường gặp ở các đối tượng sống trong  những môi trường ẩm ướt, bụi bặm và tối tăm.

2. Nguyên nhân cơ học:

Một số người do bẩm sinh đã có những dị hình giải phẫu như vẹo vách ngăn, xoang hơi cuốn giữa,…hay do, khối u, dị vật mũi làm chẹn các lỗ thông thoát dịch nhày xoang. Lỗ thông xoang bị bít tắc và nhiễm trùng do một chất nào đó, thường là hóa chất, thức ăn biến chất, làm cho niêm mạc mũi phù nề. Điều đó đã làm cho dịch nhày không đào thoát ra ngoài tạo nên điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xoang có thể phát triển gây nhiễm trùng xoang.

3. Do dị ứng

Người bệnh có cơ địa hay bị dị ứng, thường xuyên tiếp xúc với dị nguyên gây phù nề xung huyết niêm mạc xoang. Niêm mạc xoang bị xơ hóa, hư tổn do kích thích lâu ngày là đây chính là nguyên nhân hình thành viêm xoang mạn tính trên nền cơ địa dị ứng.

dinhduonghoc.com - viem xoang

4. Do chấn thương:

Người từng bị chấn thương có tổn thương niêm mạc xoang rất dễ bị viêm xoang. Những chấn thương gây phù nề, bầm dập, tụ máu, mảnh xương gẫy vùng mũi-xoang là cản trở cơ học gây nên bít tắc lỗ thông dịch nhày xoang.

- Chấn thương cơ học: những tai nạn giao thông gây chấn thương vùng mũi-xoang; hay những can thiệp phẫu thuật, thủ thuật…có thể làm thay đổi giải phẫu lỗ thông xoang, làm cản trở hay bít tắc thông khí, dẫn lưu và gây viêm xoang.

- Áp lực: thay đổi áp suất khi lặn ở độ sâu, khi làm thủ thuật dị chuyển Froetz để áp lực quá cao có thể gây nên tổn thương niêm mạc xoang, phù nề lỗ thông tự nhiên của xoang làm ảnh hưởng thông khí và dẫn lưu mũi xoang sẽ dẫn đến viêm xoang.