Bệnh giảm tiểu cầu là một tình trạng mà khi số lượng tiểu cầu trong cơ thể bị giảm do một số tác nhân khác nhau, mà tiểu cầu chính là loại tế bào máu đóng vai trò rất quan trọng trong việc cầm máu nên việc giảm tiểu cầu sẽ gây nên sự xuất huyết. Nhẹ thì có thể gây xuất huyết dưới da còn nặng hơn thì có thể gây xuất huyết nội tạng, xuất huyết não…

Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào máu trong cơ thể. Tiểu cầu được sinh ra từ tủy xương và nó có kích thước rất nhỏ. Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể cầm máu nhờ vào những tính chất đặc thù là tập trung thành từng lớp đám dính chặt vào thành mạch nơi bị tổn thương và thoái hóa những dịch nhầy để giải phóng ra yếu tố làm đông máu, làm vế thương cầm máu và bảo vệ thành mạch không cho bị rò rỉ. Một khi số lượng tiểu cầu trong máu giảm đi thì quá trình đông máu cũng không được thực hiện và sẽ gây ra tình trạng xuất huyết.

Nguyên nhân

Có hai nhóm nguyên nhân chính gây ra bệnh giảm tiểu cầu là: tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi và giảm sinh tiểu cầu trong tủy xương. Tóm lại, nguyên nhân gây nên bệnh rất phức tạp do ở mỗi nhóm nguyên nhân lại có nhiều bệnh khác nhau gây ra.

Một số nguyên nhân tạo nên bệnh đã được xác định  như: bị nhiễm trùng nặng, nhiễm kí sinh trùng, nhiễm virus cúm, sởi, quai bị, viêm gan siêu vi… Những bệnh có lách to như xơ gan, cường lách.  Những bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ, viêm nút động mạch, viêm đa khớp dạng thấp… những bệnh về máu ví dụ như suy tủy toàn bộ, xơ tủy, ung thư máu, ung thư hạch, ung thư tủy di căn, thiếu máu tiêu huyết tự miễn…

dinhduonghoc.com - dinh duong hoc

Ngoài ra giảm tiểu cầu còn có thể là do độc tố và các loại thuốc như: thuốc an thần, thuốc hạ nhiệt, thuốc kháng sinh, một số loại thuốc cảm cúm…

Bên cạnh đó, một số người bị giảm tiểu cầu mà không thể nào xác định được nguyên nhân, hay còn được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.

Triệu chứng

Bệnh có thể xảy ra ở tất cả mọi lứa tuổi, nhưng thường hay gặp nhất là ở trẻ em và ở những người trẻ tuổi. Giảm tiểu cầu hay gặp ở nữ nhiều hơn là ở nam.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh là hội chứng chảy máu, đặc biệt là ở da và niêm mạc. Nếu bị chảy máu dưới da thì người bệnh có thể xuất hiện những chấm, nốt hay mảng bầm máu tụ dưới da. Người bệnh cũng có những dấu hiệu như chảy máu mũi, lợi chân răng.

Nếu nặng hơn thì người bệnh sẽ bị xuất huyết nội tạng, xuất huyết não – màng não, xuất huyết phổi, xuất huyết tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục (đa kinh, rong kinh). Khi bị xuất huyết, thì người bệnh cũng sẽ bị thiếu máu giống với mức độ chảy máu. Những xét nghiệm cho kết quả gan, lá lạch, hạch không to.

dinhduonghoc.com - dinh duong hoc

Điều trị

Giảm tiểu cầu là một căn bệnh khá nguy hiểm nhưng lại không phải bệnh nan y. Chỉ cần có một giải pháp điều trị phù hợp và biết được nguyên nhân gây bệnh, bệnh nhân sinh hoạt đúng cách, giảm tối đa nguy cơ gây xuất huyết (không chạy nhảy hoặc vận động mạnh, không ăn mía, xương, các thức ăn cứng, không đánh răng hay xỉa răng) thì sẽ tránh được những nguy hiểm mà bệnh mang tới.

Truyền tiểu cầu: đây là cách điều trị tạm thời để cầm máu hay đề phòng biến chứng xuất huyết nặng. Cần tránh tất cả những thủ thuật như: chọc dò, phẫu thuật, nhổ răng, tiêm chích trong cơ…

Nếu mà bệnh nhân bị giảm tiểu cầu do 2 nhóm nguyên nhân chính thì sẽ được chữa trị dựa trên những nguyên nhân cụ thể. Còn trong trường hợp bệnh nhân bị giảm tiểu cầu vô căn thì những loại corticoides là thuốc lựa chọn tốt nhất, chủ lực. Cắt lách sẽ được chỉ định khi bệnh trở thành mãn tính phải phụ thuộc vào corticoides hay không còn đáp ứng với corticoides. Sau khi cắt lách, nếu bệnh tái phát, thì có thể phối hợp với các loại thuốc ức chế miễn dịch khác như: Immuran, Purinéthol, Vincristin, Endoxan...

Khi thấy những triệu chứng như: thâm quầng, sưng tấy, xuất huyết (răng, mũi, ngoài da...), đau đầu mà không rõ nguyên nhân thì cần phải nhập viện ngay để kịp thời điều trị. Có thể truyền khối tiểu cầu vào cơ thể bệnh nhân nếu mà lượng tiểu cầu giảm nhiều, hay cầm máu tại chỗ (bằng các phương pháp đặc biệt) và uống thuốc đặc trị kết hợp với những loại vitamin để nâng cao đề kháng.

Đây không phải là bệnh di truyền, nhưng là chứng bệnh thường hay tái phát nên nếu muốn điều trị ổn định, bệnh nhân cần phải có kế hoạch tái khám định kỳ hằng tháng để kịp thời theo dõi diễn biến của bệnh. Trên cơ sở đó các y bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị tốt nhất và thích hợp cho từng bệnh nhân. Nhiều trường hợp nhờ được điều trị đúng cách mà bệnh nhân đã khỏi hẳn.

Phòng bệnh

Tăng cường rèn luyện thể dục, thể thao; nâng cao khả năng chống bệnh (bệnh có liên quan đến cơ chế tự miễn).