Bệnh loét miệng hay nhiệt (theo Đông y), tức là trong cơ thể bị nóng phát ra nhiệt gây loét niêm mạc miệng. Loét miệng do nhiệt là loại nhẹ nhưng làm cho trẻ rất khó chịu, mệt mỏi, hay quấy khóc, khó ngủ và chảy nước miếng nhiều làm cho trẻ gầy sút do không ăn được hoặc ăn rất ít.

dinhduonghoc.com - Bệnh loét miệng, bệnh lý gây nhiệt miệng

Nguyên nhân gây loét miệng

Người ta cũng thấy có thể loét miệng do virut Herpes cũng có các triệu chứng như loét miệng do nhiệt.

Người ta cũng thấy có thể loét niêm mạc miệng do virut thủy đậu. Ở trẻ em có một số bệnh cũng gây loét miệng, điển hình nhất là bệnh tay chân miệng. Trong bệnh tay chân miệng, ban đầu thường có sốt hoặc sốt nhẹ như trong bệnh thủy đậu, sưng miệng nổi bọng nước thường có kích thước khoảng từ 2-3mm hoặc bằng đầu đũa, màu đỏ hoặc xám hình bầu dục. Các nốt bọng nước thường có ở hai bên mông, đầu gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc ở niêm mạc miệng.

Đặc điểm của các nốt bọng nước trong bệnh tay chân miệng là ấn không đau. Các bọng nước có ở niêm mạc miệng khi vỡ ra tạo thành các vết loét ở trong miệng. Bệnh tay chân miệng thường có kèm theo nôn, tiêu chảy ngay khi nổi bọng nước. Bệnh tay chân miệng cũng có thể gây nên một số biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm màng não – não…  Ở những cơ thể trẻ do nuôi dưỡng thiếu chất hoặc trẻ hấp thu kém (mặc dù gia đình đã cố gắng hết mức cho trẻ chế độ ăn tốt) gây nên  thiếu một số chất cần thiết như vitamin PP, vitamin C, vitamin B12, axít folic, chất sắt cũng có thể gây loét miệng…

Loét miệng cũng có thể do chấn thương làm viêm, dập niêm mạc miệng, ví dụ  như  khi  bị ngã. Cũng có thể do ăn thức ăn nóng làm bỏng rồi loét niêm mạc miệng. Ngoài ra một số người bị rối loạn chức năng miễn dịch làm suy giảm miễn dịch như trong bệnh AIDS hoặc gặp stress liên tục cũng có thể bị loét miệng. Dù là nguyên nhân gì gây loét miệng thì cũng làm cho người bệnh (cả trẻ em và người lớn tuổi) đều đau, rát rất khó chịu, gầy sút, mất ngủ và hay cáu gắt.

 

Loét miệng - Dùng thuốc gì?

Loét miệng aptơ có khỏi được không? Phải dùng thuốc gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến loét niêm mạc miệng (loét aptơ hay viêm miệng aptơ): có thể do tự phát và lại tự khỏi, nhưng có thể do sang chấn cơ học, suy dinh dưỡng, tác dụng của thuốc hay do một bệnh nào đó. Khi loét miệng do sang chấn, việc súc miệng bằng nước muối ấm hoặc dung dịch thymol glycerin có thể làm bớt sưng và bớt khó chịu. Tuy nhiên nhiều khi phải dùng thuốc. Có thể dùng thuốc tê hay thuốc giảm đau tại chỗ. Súc miệng hoặc phun benzydamin cũng có thể dùng corticosteroid tại chỗ và hiệu quả sẽ rõ hơn khi dùng sớm. Lúc vết loét chưa phát triển tối đa, có thể dùng viên hydrocortison để ngậm, hay triamcinolon dưới dạng bột nhão để bôi. Khi vết loét rộng, có thể dùng nước súc miệng có dexamethason sẽ có hiệu quả rõ. Carbenoxolone có thể chữa khỏi loét và dùng dưới dạng gel để bôi hoặc nước súc miệng. Thuốc đường uống, metronidazol tỏ ra có hiệu quả.

Cũng có thể dùng nước súc miệng có thuốc sát khuẩn như povidon-iod, khi có nhiễm khuẩn thứ phát làm bệnh lâu lành. Thuốc súc miệng chứa tetracyclin làm giảm đau và vết loét chóng lành, nhưng cần chú ý đến những tác dụng phụ khi nuốt phải, đồng thời tính acid của nó có thể làm hỏng men răng. Việc bôi ngoài tetracyclin được coi là liệu pháp ưu tiên lựa chọn trong loét miệng liên quan đến hội chứng Behcet. Không dùng dung dịch hydroperoxid vì có thể gây loét thêm, nhưng khi dùng dung dịch 1,5% để bôi kết hợp với bôi corticosteroid có thể có ích.

Nhiều thứ thuốc khác có thể chọn dùng: sucralfat,amlexanox có thể có hiệu quả. Các thuốc như levamisol, thalidomid có thể có nhiều lợi ích, nhưng không thích hợp cho mọi trường hợp vì nhiều tác dụng phụ. Thalidomid được dùng trong loét miệng aptơ do AIDA. Cũng như thalidomid, oxpentifyllin cũng là một chất ức chế yếu tố phát triển khối u, được dùng trong loét aptơ nhẹ tái phát. Việc dùng corticosteroid đường toàn thân dành riêng cho loét miệng nặng có nguyên nhân do một bệnh khác. Vì sự lo âu làm tăng sự phát triển các vết loét, nên các thuốc giải lo benzodiazepin được dùng khi thấy bệnh nhân lo lắng nhiều. Nhưng không nên dùng lâu để tránh phụ thuộc thuốc.

Để xác định được phải dùng loại thuốc nào cho phù hợp, hiệu quả, tốt nhất bạn nên khi khám, khi đó, các bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị cụ thể. Chúc bạn mau khỏi bệnh.

 

Những lưu ý mới về bệnh loét miệng

Rất nhiều người thường xuyên phải chịu đựng rắc rối từ chứng loét miệng, thậm chí đến cả việc uống nước cũng gặp khó khăn. Trước đây, chứng bệnh này được cho là do hỏa khí trong cơ thể quá lớn mà phát sinh. Tuy nhiên hiện nay, giới y học đã có thêm những phát hiện và lời khuyên mới dành cho người bệnh.

Loét miệng là một loại bệnh về miệng thường gặp với triệu chứng là những vết loét nhỏ hình tròn hoặc hình bầu dục. Trong loại bệnh này, chứng “loét miệng mang tính tái phát” là loại thường thấy nhất. Vết loét phát sinh bên trong môi, trên lưỡi hay những vị trí khác của khoang miệng. Qua nghiên cứu, nguyên nhân bệnh là do cơ thể bị nhiễm virus, mà hai loại virus dẫn đến bệnh loét miệng là CMV ở người và ER. Trong đó, virus CMV ở người tiềm ẩn trong tế bào lympho T (lymphocyte T)  trong máu, còn virus ER ẩn trong tế bào lympho B (lymphocyte B) trong máu. Khi bạn nhiễm cảm, tinh thần stress, cơ thể mệt mỏi hay hệ thống miễn dịch suy giảm, virus sẽ phát tác. Chính vì vậy, giảm áp lực, thả lỏng tinh thần, tránh lao động quá sức, và đảm bảo một giấc ngủ đầy đủ là những biện pháp rất quan trọng trong phòng tránh bệnh loét miệng.

Phụ nữ mắc chứng bệnh này nhiều hơn nam giới, đặc biệt là trước thời kì kinh nguyệt. Tính khởi phát của bệnh có liên quan đến lượng estrogen (Estrogen được các tế bào hạt của buồng trứng tiết ra, được gọi là nội tiết tố nữ), một khi lượng estrogen giảm, rất dễ mắc bệnh loét miệng. Do đó, chị em phụ nữ tuyệt đối nên chú ý đến việc chăm sóc cơ thể, không nên giảm cân quá nhanh, phải nạp đủ protein mỗi ngày, và thường xuyên bổ sung chất estrogen từ các loại thực phẩm tự nhiên như đậu tương, hành...

Nếu sau khi sử dụng một loại thuốc đánh răng mới hay ăn những món ăn lạ mà bạn gặp rắc rối với bệnh loét miệng, thì trước hết nên xem xét có phải nguyên nhân là do dị ứng hay không, sau đó lập tức ngưng sử dụng. Bên cạnh đó, nên súc miệng bằng nước ấm, và dùng một lượng nhỏ mật ong xoa lên vùng bị loét, làm nhiều lần như thế, sau 2 ngày vết loét sẽ lành đáng kể.

“Kết bạn” với những vết loét miệng còn là hiện tượng táo bón và hôi miệng, vì vậy, bạn phải ăn nhiều hoa quả, rau xanh, uống nhiều nước, thậm chí nên uống 1.000ml nước mỗi ngày. Biện pháp này có thể giúp thanh lọc dạ dày, tránh táo bón, có lợi cho việc hồi phục vết loét nhanh chóng.

Thiếu vitamin B2 cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh loét miệng. Trị liệu bằng cách dùng các vitamin nhóm B như B2, B6 rất có hiệu quả. Có nhiều loại rau quả tươi giàu vitamin và khoáng chất, bạn nên ăn nhiều rau quả có màu xanh sậm và vàng, chí ít mỗi ngày cũng nên ăn khoảng 500 gam rau quả, để bổ sung lượng vitamin cơ thể thiếu. Ngoài ra, còn phải chú ý ăn đầy đủ các loại thực phẩm khác để nạp thêm vitamin A và kẽm.

Bệnh loét miệng cũng được coi là tín hiệu thể chất yếu, do đó người bệnh trong quá trình chữa trị, không nên bỏ qua việc tăng cường sức khỏe, cải thiện thể chất. Nếu những vết loét xuất hiện cùng lúc với việc bạn cảm thấy rất mệt mỏi, thì nên đi kiểm tra xem liệu chất dinh dưỡng trong cơ thể bạn hiện có cân bằng không, bạn nghỉ ngơi đã đầy đủ chưa, đồng thời phải tăng lượng vitamin và khoáng chất bồi dưỡng cho cơ thể.

Đặc biệt, loét miệng không chỉ là loại bệnh của người lớn mà còn xuất hiện với tỷ lệ khá cao ở trẻ em từ 1- 6 tuổi. Trị liệu cho những trẻ mắc chứng loét miệng do nhiệt, do thiếu dinh dưỡng, các bà mẹ bên cạnh việc bổ sung cho trẻ vitamin và khoáng chất, có thể sử dụng một số phương cách đơn giản như: Cán nát từ 1 đến 2 viên vitamin C, rắc lên trên bề mặt vết loét, sau đó ngậm miệng lại một lúc, làm 2 lần một ngày. Hoặc cho trẻ ngậm nước ép cà chua mỗi ngày khoảng 3-4 lần cũng là biện pháp làm vết loét mau lành. Tuy nhiên, loét miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau, có loại đơn thuần nhưng có loại nguyên nhân gây loét miệng và biến chứng nguy hiểm, vì vậy khi bị loét miệng kéo dài, nên đi khám bệnh để bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.