Não bộ (bao quát) - Bệnh mộng du và hướng điều trị
Bạn có biêt rằng, chứng mộng du có thể khiến người ta tự bắn vào mình, đi bộ 24km trong đêm, lảm nhảm quát tháo hoặc tự nấu ăn... thậm chí quan hệ tình dục, dù vẫn đang ngủ say.
Một người đàn ông tỉnh dậy vào một buổi sáng và nhận thấy mình đã bị thương nặng bởi một phát súng bắn vào đầu gối. Không một ai là thủ phạm trong vụ tai nạn này, bản thân nạn nhân cũng không thể ngờ rằng: trong lúc mộng du, chính ông đã chạm vào khẩu súng và gây thương tích cho bản thân mình.
Đó là trường hợp cuả ông Sanford Rothman – một người đàn ông 63 tuổi sống tại bang Colorado – Mỹ. Ông Rothman được xác định là một bệnh nhân mắc chứng mộng du với các biểu hiện hết sức kỳ quặc là đi lại và lục lọi đồ đạc trong phòng khi đang ngủ. Sau khi thức dậy, ông gần như không thể nhớ được những gì đã diễn ra vào đêm hôm trước cũng như những điều bản thân ông đã làm trong lúc bị mộng du.
Qua một chiếc camera thu lại những sự kiện diễn ra đêm hôm trước, bệnh nhân Rothman mới biết được bản thân ông đã làm những gì trong khi ngủ say. Rothman đã đến bệnh viện và các bác sĩ tại đây đã tìm hiểu về chứng mộng du kỳ lạ của Rothman. Họ đã phát hiện ra tình trạng bệnh mộng du của Rothman là hết sức nghiêm trọng, đó là một dạng khủng hoảng có tên khoa học là paramonias. Dạng khủng hoảng này gồm nhiều dạng biểu hiện khác nhau, một trong số đó là tình trạng rối loạn hành xử thông thường rất hiếm gặp, song một khi xảy ra, căn bệnh có thể gây ra nhiều rắc rối nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm cho chính bản thân bệnh nhân và những người xung quanh họ, đặc biệt là trong lúc ngủ.
Chứng mộng du đi lại (sleepwalking)
Cô Ellen vincenti là một người mắc chứng mộng du trong nhiều năm qua. Biểu hiện chứng mộng du của Ellen là việc cô trở dậy trong đêm và đi lại loanh quanh trong nhà trong tình trạng vẫn đang ngủ say. Trong một lần ngủ say, Vincenti đã đi bộ gần 24,1km từ nhà của mình ở Tuftonboro, bang New Hampshire, Mỹ xuyên qua rừng. Sáng ngày hôm sau, khi tỉnh dậy, Vincenti thấy mình đang nằm ở một nơi hẻo lánh trong một vũng bùn lầy giữa rừng, cô la hét kêu cứu trong tình trạng bùn đang ngập đến thắt lưng. May mắn là một người phụ nữ sống gần đó đã nghe thấy tiếng kêu cứu và kịp thời lôi Vincenti ra khỏi hố bùn. Khi đã trấn tĩnh và trở về nhà, Vincenti không thể nhớ và không biết điều gì đã xảy ra với mình cho tới khi cô nhận ra rằng tình trạng mộng du mà cô gặp phải trong nhiều năm qua có thể chính là nguyên nhân khiến cô có mặt trong rừng. Sự việc thực sự đã trở nên nghiêm trọng sau chuyện mộng du đi xa nhà hàng chục km này. Cô đã tới gặp các bác sĩ và kể lại toàn bộ câu chuyện mộng du của mình.
Tuy nhiên, trường hợp như của Vincenti khá phổ biến và là dạng mộng du mà không ít người mắc phải. Một số bệnh nhân mắc bệnh mộng du và đi ang thang trong nhà, song, có nhiều người đi lang thang ra ngoài hành lang, thậm chí đi ra ngoài đường… trong tình trạng vẫn đang ngủ say.
Mộng du nói chuyện (sleeptalking)
Mộng du nói trong đêm một mình hay còn được biết đến dưới tình trạng nói lảm nhảm trong khi ngủ là một dạng khá phổ biến. Tại London, Anh, một người phụ nữ đã dùng camera ghi lại cảnh chồng mình liên tục nói lảm nhảm trong lúc ngủ say và đưa đoạn clip này lên blog. Giáo sư Mark Duken thuộc chuyên khoa thần kinh, Trường đại học Iowa, Mỹ cho biết: Tình trạng nói lan man trong lúc ngủ có thể do tác động của nhiều yếu tố: có thể do bị tác động bởi stress, các chứng bệnh về thần kinh hoặc do bị ám ảnh bởi những sự việc xảy ra trong ngày (đối với trẻ nhỏ). Ngoài ra, đối với một số trường hợp mộng du nói chuyện (sleep talking) và nói bậy hoặc hay chửi bới, đe doạ… thì đó còn là biểu hiện của một dạng khủng hoảng nghiêm trọng hơn liên quan đến hành vi xử sự. Một số trường hợp mộng du còn khiến người bệnh có biểu hiện cười sặc sụa trong khi vẫn ngủ say.
Mộng du ăn (slepp eating)
Đó là những người có biểu hiện ăn uống trong khi đang ngủ say. Đôi khi trong lúc ngủ, họ bất chợt ngồi dậy, đi lại loanh quanh trong nhà bếp và chuẩn bị đồ ăn hoặc lấy thực phẩm ra để ăn ngay trong lúc đang say giấc ngủ.
Trường hợp một nữ bệnh nhân mắc chứng mộng du nêu trên đã vô cùng hoảng hốt thông báo với cảnh sát rằng: có người lạ đã đột nhập vào nhà cô trong đêm và làm xáo trộn mọi thứ trong nhà bếp của cô, thậm chí còn nấu ăn trong đó. Tất nhiên, cảnh sát không thể tìm ra thủ phạm cho tới khi họ đặt một camera giám sát trong phòng của cô gái. Những hình ảnh camera thu lại đã cho thấy không ai khác, ngoài chính nữ chủ nhân của ngôi nhà đã bị mộng du và làm tất cả những công việc đó. Lý giải cho hiện tượng này, các bác sĩ cho biết: Dạng mộng du này là phản xạ của người bệnh dưới tác động của tình trạng bị đói bụng trong đêm hoặc do tác động của stress trong quá trình ăn kiêng ở một số người.
Mộng du làm việc (sleep texting)
Một số người mắc chứng mộng du với các biểu hiện lạ khác chẳng hạn như: tỉnh dậy và làm các công việc đang bị dở dang của mình.
Trường hợp một bệnh nhân mộng du đang đêm trở dậy và đi làm công việc thường ngày của mình là gửi các tin nhắn đến các email của người khác. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, cậu ta không thể nhớ được rằng chính mình là người đã làm công việc đó trong lúc ngủ say.
Sexsomnia
Được xem như một dạng bệnh hơn là một dạng mộng du, người mắc sexsomnia thường có hoạt động tình dục trong lúc đang ngủ. Nghiên cứu trong số hơn 800 trường hợp bệnh nhân bị mắc các dạng khủng hoảng trong lúc ngủ, các nhà khoa học Anh phát hiện ra rằng: Có khoảng 8% trong số họ có biểu hiện của hoạt động tình dục trong lúc ngủ. Những người bệnh này thường không thể kiểm soát được hành vi và có thể quan hệ sinh lý với người nằm ngủ cùng giường họ mà chính bản thân họ cũng không hề biết cho tới khi họ thức dậy và được nghe người bạn tình của mình kể lại chuyện đã xảy ra trong lúc ngủ say.
Điều trị bệnh mộng du
Những trường hợp bắt đầu ở tuổi trưởng thành cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu bị mộng du thường xuyên, tự gây hại cho bản thân hoặc tấn công người khác...
Để an toàn cho người bệnh, nên để họ ngủ ở tầng trệt, trong phòng không có đồ đạc có thể gây hại, cửa phòng và cửa sổ được cài then. Nên để chuông ở cửa ra vào để báo thức cho người khác khi bệnh nhân mở cửa.
Khi đó cần đưa bệnh nhân trở lại giường ngủ và không nên cố gắng đánh thức người đang mộng du vì có thể làm họ bị kích động, để người bệnh ngủ đủ thời gian và có giờ giấc.
Trong một số trường hợp có thể sử dụng thuốc an thần nhóm benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Nếu bị các bệnh lý khác như động kinh, rối loạn tâm thần cần điều trị các bệnh lý đó.
Riêng đối với trẻ em, khi bị mộng du cần dịu dàng đưa trẻ trở lại phòng ngủ. Trước hết đưa trẻ vào nhà vệ sinh vì có thể trẻ đi tìm chỗ vệ sinh, sau đó đưa trẻ về giường. Mộng du có thể kết thúc ngay khi trẻ nằm lên giường. Đừng trông đợi trẻ thức tỉnh khi trở lại giấc ngủ bình thường.
Bảo vệ trẻ khỏi các tai nạn, mặc dù hiếm nhưng trẻ có thể bị tai nạn, nhất là lúc trẻ đi ra ngoài, có thể bị tai nạn giao thông, bị chó cắn, lạc đường. Vì thế cần khóa cửa, không để trẻ ngủ ở giường hẹp. Giúp trẻ tránh mệt mỏi, kiệt sức vì mệt mỏi, thiếu ngủ có thể làm tăng mộng du.
Nếu trẻ cần được đánh thức sớm vào buổi sáng thì phải đi ngủ sớm hơn vào tối hôm trước. Cố gắng đánh thức đúng giờ đề phòng mộng du: Nếu con bạn thường bị mộng du, ghi chép thời gian từ lúc trẻ ngủ đến lúc bắt đầu mộng du. Sau đó đánh thức trẻ 15 phút trước khi trẻ bắt đầu mộng du, giữ cho trẻ thức 5 phút. Làm như vậy 7 đêm liền. Nếu trẻ bị mộng du lại thì luyện tập tiếp 7 đêm nữa.