Não bộ (bao quát) - Bệnh viêm màng não?
Màng não là một tổ chức mô liên kết bao bọc não và tủy sống, được chia làm 3 màng đó là:
Màng cứng (dura mater) nằm ngoài cùng, là tổ chức xơ bền vững bám chặt hộp sọ trừ vùng thái dương đỉnh và cột sống, nơi đó tạo khoang ngoài màng cứng.
Màng nhện (arachnoidea) là tổ chức liên kết mềm, không mạch máu. Màng nhện có hai lá, giữa hai lá có những cầu nối trong khoang nhện. Giữa lá ngoài và màng cứng là khoang dưới màng cứng. Lá trong bám chặt vào màng mềm (pia mater).
Màng mềm mỏng, giàu mạch máu,bám chặt vào não bộ và tủy sống.
Khi nói viêm màng não có nghĩa là viêm 3 màng, nhưng chủ yếu là viêm màng nhện và màng mềm (lepto méningite). Viêm màng não là một khái niệm giải phẫu lâm sàng do nhiều nguyên nhân gây nên, song bệnh cảnh lâm sàng nổi bật là hội chứng màng não. Ðể xác định chẩn đoán cũng như chẩn đoán nguyên nhân phải dựa vào xét nghiệm dịch não tủy là chính.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm màng não
Shock nhiễm khuẩn:
Đây là biến chứng nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, đôi khi kèm theo viêm khớp mủ.
Liệt thần kinh khu trú:
Trẻ có thể bị liệt vận nhãn, liệt 1 chi hay liệt nửa người, thường hồi phục dần khi khỏi bệnh nhưng cũng có thể trở thành di chứng.
Suy hô hấp:
Đó là tình trạng thiếu oxy máu do tăng tiết, ứ trệ, co giật, chướng bụng, sốt cao, suy tim, viêm phổi. Nếu được điều trị đúng có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Trái lại, nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị hôn mê và tử vong.
Hôn mê, co giật:
Do hạ đường máu, hạ Natri, hạ Calci, tắc tĩnh mạch động mạch não, phù não... Đây cũng là biến chứng nguy hiểm, dễ để lại di chứng thần kinh, liệt vận động, thậm chí tử vong.
Phù não:
Là tổn thương hàng rào máu não và tổn thương màng tế bào gây ra sự tích tụ nước và tụ máu bất thường ở tổ chức kẽ và trong tế bào. Khả năng cứu sống trong trường hợp này rất thấp.
Choáng nhiễm trùng:
Đây là trường hợp biến chứng cấp tính, thường do não mô cầu gây nên, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng, hạ huyết áp, trụy tim mạch và dễ tử vong.
Hạ đường máu:
Thường xuất hiện ngay thời điểm vào viện, chẩn đoán, dễ dẫn đến suy hô hấp, co giật, tím tái và các cơn ngừng thở.
Hạ Calci máu:
Dẫn đến co giật, về lâu dài, trẻ dễ bị tái phát dẫn đến còi xương, chậm tăng chiều cao, còi cọc, khóc đêm, hay giật mình khóc thét, đổ mồi hôi trộm.
Cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân bị viêm màng não
Bệnh nhân đươ cụ điều trị bệnh viêm màng não cần phải kiên trì và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ
Điều trị bằng kháng sinh
- Điều trị kháng sinh trong các viêm màng não mủ phải được bắt đầu càng sớm càng tốt. Các kháng sinh được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chuẩn: có tác dụng với chủng vi khuẩn gây bệnh, ngấm tốt qua hàng rào máu-màng não. Liều kháng sinh phải đủ cao để đạt được nồng độ điều trị trong DNT; đường sử dụng tốt nhất là tiêm truyền tĩnh mạch, có thể chấp nhận đường tiêm bắp.
- Nếu bệnh nhân được chẩn đoán là viêm màng não mủ, nên bắt đầu điều trị bằng một kháng sinh trong nhóm cephalosporin thế hệ ba, tốt nhất là ceftriaxone, liều 80mg/kg/ngày (không cần thiết phải dùng quá 4g/ngày). Đối với bệnh nhân phụ nữ có thai, người già, trẻ sơ sinh nên kết hợp thêm ampicillin liều 200 mg/kg/ngày. Điều chỉnh điều trị nếu chủng vi khuẩn phân lập được không nhạy cảm với kháng sinh đã cho. Kết thúc điều trị khi DNT trở về bình thường.
- Viêm màng não do tụ cầu vàng cần được điều trị bằng vancomycin. Có thể kết hợp với rifampicin. Điều trị cho đến khi DNT trở về bình thường và các ổ nhiễm trùng tiên phát được loại trừ.
- Viêm màng não do Ps. aeruginosae cần được điều trị bằng cefepime hoặc fluoroquinolone. Điều trị cho đến khi DNT trở về hoàn toàn bình thường.
- Viêm màng não do lao cần được điều trị bằng ít nhất bốn thứ thuốc trong hai tháng đầu, sau đó tiếp tục bằng 2 thứ thuốc trong 6-9 tháng theo chương trình chống lao quốc gia.
- Viêm màng não do cryptococcus trong giai đoạn cấp cần được điều trị bằng amphotericin B, liều 0,7-1mg/kg/ngày trong 2 tuần, sau đó dùng fluconazole uống 400-800mg/ngày trong 8-10 tuần. Bệnh nhân nhiễm HIV cần được điều trị duy trì ức chế kéo dài bằng fluconazole hoặc itraconazole uống 200mg/ngày để tránh tái phát.
- Viêm não do virus Herpes simplex cần được điều trị bằng acyclovir tĩnh mạch.
- Viêm não do toxoplasma cần được điều trị bằng TMP-SMX, liều tính theo TMP là 10mg/kg/ngày chia 3-4 lần hoặc một phác đồ có pyrimethamine.
Điều trị hỗ trợ
- Chống phù não: bệnh nhân trong giai đoạn cấp có biểu hiện phù não cần được điều trị bằng dung dịch mannitol 20% truyền tĩnh mạch. Không nên truyền nhiều và kéo dài do có nguy cơ rối loạn nước và điện giải.
- Các thuốc corticosteroid có thể sử dụng với mục đích chống viêm, đặc biệt trong các trường hợp viêm não.
- Các biện pháp hỗ trợ khác:
+ Kiểm soát chức năng hô hấp và tuần hoàn trong các trường hợp nặng, đặc biệt khi có hôn mê;
+ Dùng thuốc hạ nhiệt nếu bệnh nhân sốt cao;
+ Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng nước và điện giải nếu cần.