Tai biến mạch máu não xảy ra khi một phần của não không có máu nuôi hoặc giảm nặng lượng máu nuôi, khi đó các tế bào não bị mất oxy và dinh dưỡng sẽ bị chết trong vài phút.

dinhduonghoc.com - Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não là bệnh thường gặp ở người có tuổi. Bệnh thường để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh, biến họ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trong các thống kê về bệnh tật của OMS, tai biến mạch máu não được coi là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của 54/57 nước có thống kê. Trên 40 nước, tai biến mạch máu não được coi là một trong ba nguyên nhân gây tử vong cao nhất.

Theo Tổ chức y tế thế giới tai biến mạch máu não được định nghĩa như sau:

+ Biểu hiện các rối loạn về chức năng thần kinh như hôn mê, liệt nửa người, nói đớ, nuốt bị sặc. xuất hiện nhanh, đột ngột.

+ Các rối loạn chức năng này thường tồn tại quá 24 giờ.

+ Các khám xét và thăm dò đã loại trừ nguyên nhân sang chấn thương sọ não.

+ Dựa vào tiến triển của bệnh theo thời gian trong 2 đến 3 tuần đầu người ta phân tai biến mạch máu não ra 5 loại như sau:

1. Khỏi hoàn toàn trước 24 giờ: Gọi là thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Hiện nay coi là yếu tố nguy hiểm, không phải là tai biến mạch máu não thực sự. Những người này có thể bị tai biến mạch máu não thực sự sau đó nếu không quan tâm đến việc điều trị và phòng ngừa.

2. Khỏi hoàn toàn sau 24 giờ bị liệt gọi là thiếu máu não có hồi phục.

3. Khỏi một phần và di chứng kéo dài.

4. Không hồi phục hoặc nặng lên liên tục.

5. Tử vong. 

 

Biến chứng của bệnh tai biến mạch máu não

Dưới đây là các biến chứng của tai biến mạch máu não

Liệt: liệt một bên cơ thể hoặc liệt một bên mặt, cánh tay gây khó khăn trong sinh hoạt như ăn uống, đi lại, mặc quần áo.

Khó nói hoặc nuốt. Cũng có thể khó khăn trong hiểu vấn đề, đọc hoặc viết.

Mất trí nhớ hoặc khó khăn khi suy nghĩ.

Rối loạn cảm xúc.

Đau, nhạy cảm với thay đổi nhiệt độ nhất là khi lạnh.

Thay đổi hành vi, không thể chăm sóc bản thân.

 

Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não cần được chăm sóc như thế nào?

Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, người nhà cần phải chú ý cách điều trị và chăm sóc như sau:

Điều trị bệnh tai biến mạch máu não

Nhồi máu não
Aspirin: cho ngay sau khi bị tai biến mạch não để giảm nguy cơ bị tái tai biến mạch não. aspirin phòng ngừa sự hình thành cục máu đông.
Những thuốc chống đông máu khác: heparin có thể cho nhưng không có lợi ích nhiều trong cấp cứu. clopidogrel (plavix), sintrom, aspirin, dipyridamole (aggrenox) có thể phối hợp nhưng không thường sử dụng trong cấp cứu.
Truyền tĩnh mạch thuốc tiêu sợi huyết (TPA-alteplasse): được chỉ định khi bệnh nhân đến viện trong vòng 4 đến 5 giờ đầu tiên kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Bác sĩ sẽ cân nhắc nguy cơ chảy máu để quyết định dùng TPA cho bệnh nhân. Có thể đưa thuốc trực tiếp vào vị trí tổn thương thông qua một ống (catheter) từ đùi lên, hoặc trực tiếp lấy cục máu đông bằng một dụng cụ nhỏ đưa vào trong não.
Các phương pháp điều trị khác: cắt bỏ lớp áo trong động mạch cảnh để loại bỏ mảng xơ vữa động mạch, đặt stent động mạch cảnh để mở thông động mạch bị hẹp.
Xuất huyết não
Điều trị tập trung vào kiểm soát chảy máu và giảm huyết áp. Phẫu thuật có thể sử dụng để giảm nguy cơ trong tương lai. Nếu người bệnh đang dùng các thuốc có thể gây chảy máu như sintrom, coumadin hoặc thuốc chống tiểu cầu như clopidogrel (plavix), người bệnh sẽ được cho uống thuốc hoặc truyền các chế phẩm máu (huyết tương tươi) nhằm trung hoà tác dụng của các thuốc ở trên. Không sử dụng các thuốc chống đông máu như aspirin và TPA trong trường hợp người bệnh bị xuất huyết não.
Phẫu thuật sửa chữa: giảm nguy cơ vỡ phình mạch não, dị dạng động tĩnh mạch. Ví dụ cặp vị trí phình mạch để ngăn dòng máu tới đó bằng 1 clamp nhỏ, hoặc nút mạch bằng Coil, phẫu thuật cắt bỏ khối phình nếu khối phình có thể tiếp cận được và không quá to.
Phục hồi chức năng sau tai biến mạch não
Giúp bệnh nhân phục hồi khả năng vận động và sinh hoạt. Chế độ luyện tập phụ thuộc vào tuổi, tình trạng sức khoẻ chung, mức độ khó khăn trong hoạt động sau khi bị tai biến mạch não cũng như lối sống, sở thích, cũng như khả năng những người tham gia chăm sóc người bệnh. Tập luyện có thể bắt đầu trong thời gian nằm viện và tiếp tục ở nhà hoặc ở các cơ sở y tế địa phương.
Phòng ngừa tai biến mạch não
Kiểm soát huyết áp: đóng vai trò rất quan trọng. Kiểm soát huyết áp bao gồm thay đổi lối sống như thể dục, giảm stress, duy trì cân nặng lý tưởng, giảm muối và rượu bên cạnh việc điều trị bằng các thuốc hạ huyết áp.
Kiểm soát rối loạn lipid máu: ăn ít cholesterol và chất béo. Nếu không kiểm soát được bằng chế độ ăn phải dùng thuốc hạ lipid máu do bác sĩ chỉ định.
Bỏ thuốc lá, thuốc lào: tai biến mạch não tăng ở cả người hút thuốc chủ động hoặc thụ động (người hít phải khói thuốc)
Kiểm soát đái tháo đường: bằng chế độ ăn, luyện tập, duy trì cân nặng và dùng thuốc.
Duy trì cân nặng lý tưởng: giúp làm giảm huyết áp, cải thiện mỡ máu và giảm nguy cơ tim mạch.
Chế độ ăn nhiều hoa quả và rau.
Luyện tập thể dục hàng ngày: tập aerobic, đi bộ, bơi, đạp xe… làm giảm huyết áp, cải thiện mỡ máu, tốt cho tim và mạch máu. Thể dục giúp giảm cân, kiểm soát đái tháo đường và giảm stress.
Hạn chế uống rượu: rượu mạnh làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch não. Tuy nhiên uống một lượng nhỏ đến vừa có thể giúp dự phòng tai biến mạch não và giảm xu hướng đông máu.
Điều trị hội chứng ngừng thở khi ngủ nếu có: cung cấp oxy vào buổi tối.
Tránh thuốc có hại: cocain, methamphetamine…
Dự phòng bằng thuốc: nếu người bệnh đã bị tai biến mạch não hoặc thiếu máu não thoáng qua việc dự phòng tai biến mạch não đóng vai trò rất quan trọng. Các thuốc dự phòng biến cố tai biến mạch não bao gồm: Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (Aspirin, có thể phối hợp với Dipyridamole như Aggrenox); có thể thay thế Aspirin bằng Clopidogrel (Plavix). Thuốc chống đông: nếu người bệnh có cục máu đông ở trong buồng tim, rối loạn nhịp tim, người bệnh nên được dự phòng tai biến mạch não bằng các thuốc chống đông bao gồm hepain và warfarin. Heparin được dùng trong thời gian ngắn khi người bệnh nằm viện; warfarin (coumadin) có thể được sử dụng lâu dài, tác dụng chống đông mạnh nhưng khoảng liều hẹp, liều dùng thật chính xác và cần theo dõi chặt chẽ tác dụng phụ.