Tai - Điếc là gì?
Nguyên nhân
- Điếc dẫn truyền: Thường do bệnh ở tai ngoài và tai giữa: Nút dái tai (dái tai nhiều, cứng, bít hết ống tai), màng nhĩ bị viêm, thủng, Tai giữa viêm, Vòi Eustachi tắc, khớp xương nhỏ bị trật.
- Điếc tiếp nhận: Thường do bệnh ở tai trong hoặc thần kinh.
+ Nhiễm độc thuốc (Salixylat, Quinin, Stretomycine quá liều).
+ Ngộ độc rượu, thuốc lá, nước chè đặc…
+ Nhiễm virus, vi khuẩn…
+ Rối loạn thần kinh ở não, não viêm, thấp khớp, điếc nghề nghiệp (làm việc nơi quá ồn…).
+ Các yếu tố nội sinh: Urê máu cao, Cholesterol tăng…
+ Do rối loạn tuần hoàn nội tiết.
- Điếc hỗn hợp: gặp trong điếc nơi người già, tai bị xơ, xốp, màng nhĩ xơ…
Điếc đột ngột do tự ý dùng thuốc
Bị điếc khi dùng thuốc ho
Anh H. bị ho dai dẳng và được một bác sỹ bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội kê đơn thuốc kháng sinh Gentamycine dạng tiêm liên tục suốt 1 tháng. Sau tiêm, anh H. thấy chóng mặt, buồn nôn, ù tai, nhưng bác sỹ vẫn tiếp tục cho bệnh nhân dùng và khẳng định không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Không lâu sau đó, anh H. hoàn toàn không nghe thấy gì nữa. Anh đi khám tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương thì được chẩn đoán bị điếc do tác dụng phụ của Gentamycine.
Thuốc thông thường, giá rẻ, tưởng vô hại
Nhiều gia đình chỉ thấy trẻ con húng hắng ho là cho tiêm thuốc Gentamycine, vì kháng sinh này khá rẻ (khoảng 1.000 đồng/ống), lại có tác dụng cắt cơn ho rất tốt.
Nhiều bác sỹ ở các cơ sở y tế tuyến dưới, thậm chí cả một số bác sỹ tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cũng kê Gentamycine cho bệnh nhân bị bệnh viêm đường hô hấp trên và dùng kéo dài, mà không để ý đến phần chống chỉ định của thuốc. Gentamycine là loại thuốc có nguy cơ gây ngộ độc cả ốc tai và tiền đình với triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất là chóng mặt.
Bị điếc khi dùng thuốc nhỏ tai
Các thuốc nhỏ tai như Polydexa, Otipax… rất hay được bác sỹ kê đơn hoặc bệnh nhân tự mua về dùng. Thuốc có tác dụng rất tốt với viêm ống tai ngoài, nhưng trong thành phần những thuốc này có chất dễ gây ngộ độc tai trong. Do đó, phần hướng dẫn sử dụng thuốc ghi rõ "không sử dụng thuốc trong trường hợp màng nhĩ bị thủng, chỉ được sử dụng cho viêm tai giữa cấp màng nhĩ không thủng". Nhưng nhiều người vẫn có tâm lý thích dùng thuốc ngoại và không để ý tới điều này.
Có không ít trường hợp bác sỹ kê đơn thuốc Colydexa do Việt Nam sản xuất với giá rẻ, nhưng bệnh nhân lại mua Polydexa, dẫn đến các triệu chứng ban đầu của điếc.
Nếu không được phát hiện sớm và ngừng dùng thuốc thì bệnh nhân có thể điếc vĩnh viễn. Dùng sai thuốc nhỏ tai cho trẻ em sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với người lớn, vì khó phát hiện sớm, dễ gây điếc vĩnh viễn, không hồi phục.
Không để ý các triệu chứng sớm
Điều nguy hiểm là tới đây, danh sách các loại dược phẩm có thể gây ngộ độc tai sẽ còn kéo dài thêm, vì liên tục có các sản phẩm mới ra đời. Trong khi đó, các triệu chứng của điếc do thuốc không dễ xác định. Chúng có thể xuất hiện ngay sau lần dùng thuốc đầu tiên, có thể hơn, thậm chí là khi đã sử dụng hết cả liều điều trị. Các tổn thương tai có thể xảy ra cả hai bên hoặc một bên tai.
Trong đó, tổn thương một bên tai thường được phát hiện muộn, nhất là ở trẻ em và người lớn tuổi nếu không để ý các triệu chứng. Mức độ ngộ độc tùy thuộc rất nhiều vào chủng loại thuốc, liều lượng, thời gian dùng thuốc, lứa tuổi. Mức độ gây hại sẽ nặng hơn với người có bị suy thận, có tiếp xúc với tiếng ồn, sốt, giảm khả năng nghe từ trước.
Không nên thụ động
Khi dùng bất kỳ thuốc nào mà có các triệu chứng ù tai, chóng mặt, nghe kém thì cần dừng thuốc và đến cơ sở y tế chuyên khoa tai thần kinh để kiểm tra và điều trị kịp thời. Nếu người bệnh được phát hiện muộn sẽ rất khó hồi phục thính lực.
Nhất là người dùng thuốc để điều trị viêm tai thì càng cần chú ý những biểu hiện nói trên. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc. Đặc biệt, ngay cả khi có bác sỹ kê đơn thì vẫn cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Người bệnh không nên thụ động hoàn toàn khi dùng thuốc để tránh những sự cố đáng tiếc.
Phòng ngừa điếc đột ngột
Có nhiều tác nhân dẫn đến tình trạng điếc đột ngột, trong đó phải kể đến các yếu tố như: Thường xuyên uống rượu, luôn trong trạng thái căng thẳng thần kinh, stress, mệt mỏi, bị các bệnh đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tuổi cao… Điếc đột ngột cũng có thể do tác nhân siêu vi trùng. Các loại siêu vi trùng quai bị, sởi, virus cúm, các adenovirus… có thể gây viêm mê nhĩ, viêm mê nhĩ sũng nước hoặc viêm hạch gối…
Tác nhân gây điếc đột ngột thường gặp nhất là tiếng ồn. Riêng điếc do tiếng ồn được phân ra hai loại, điếc tiến triển từ từ do tác động thường xuyên của tiếng ồn hoặc điếc xuất hiện sau một kích thích âm thanh quá lớn. Tiếng ồn ngày càng xuất hiện nhiều với tần số âm thanh lớn hơn, nhất là ở các đô thị lớn, như âm thanh trong vũ trường, tiếng nhạc mở quá mức, tiếng còi ôtô, tiếng máy móc làm việc ở các xưởng sản xuất… ảnh hưởng rất nhiều đến thính giác.
Ngoài ra, thay đổi áp lực quá đột ngột như đang nằm vùng dậy nhanh khỏi giường, hắt hơi, ho mạnh, cúi gập người, lặn sâu…; Các nguyên nhân mạch máu thường gặp như co thắt mạch máu, huyết khối, xuất huyết tai trong… cũng là một nguyên nhân dẫn đến điếc đột ngột.
Phát hiện muộn, điếc vĩnh viễn
Điếc xảy ra một cách đột ngột, cũng có thể diễn biến trong vài giờ, 1 ngày hoặc vài ngày. Điếc có thể ở mức độ điếc từ nhẹ đến cấp độ nặng như điếc hoàn toàn, tức là không hề cảm nhận được bất kỳ âm thanh nào. Thường xảy ra ở một bên tai, nhưng cũng có thể xảy ra ở hai tai và người bệnh thường phát hiện lúc sáng sớm khi tỉnh dậy. Một vài bệnh nhân đang đêm tỉnh giấc vì những tiếng ù tai gây mất ngủ.
Nếu điếc cả hai tai thì bệnh nhân phát hiện ngay lập tức. Nhưng trong nhiều trường hợp, do chỉ bị một bên tai nên thường không tự phát hiện sớm. Mà chỉ tình cờ phát hiện ra khi nghe điện thoại, tiếng nhạc nhỏ…
Thông thường bệnh nhân không thấy triệu chứng nào ngoài dấu hiệu giảm sức nghe, vì vậy đã có không ít người chủ quan cho rằng sau đó tai sẽ phục hồi lại bình thường. Ngoài ra, các dấu hiệu ù tai, chóng mặt, đau đầu (thường chỉ là đau đầu nhẹ) cũng là một dấu hiệu của điếc đột ngột.
Khi phát hiện bị điếc đột ngột, bệnh nhân cần đến các cơ sở chuyên khoa càng sớm càng tốt, tốt nhất là đến trước 7 ngày. Vì có tới 85,19% người bị điếc đột ngột phục hồi được chức năng nghe khi đến viện trước 7 ngày. Còn những bệnh nhân đến sau 7 ngày, tỷ lệ thành công chỉ còn 7,14%, còn đa số bị di chứng điếc vĩnh viễn.
Phương pháp phòng ngừa
Để phòng suy giảm thính lực, chủ yếu là nghỉ ngơi, thư giãn, giảm căng thẳng, stress nhằm hạn chế những tổn thương gây tắc mạch máu nuôi tai. Hạn chế sử dụng các chất kích thích, đề phòng tình trạng chấn thương gây ảnh hưởng đến vùng tai. Tránh tiếp xúc với tiếng ồn cao. Với trẻ nhỏ, hãy tạo môi trường yên tĩnh cho trẻ, hạn chế cho trẻ nghe nhạc bằng tai nghe để kiểm soát được âm lượng âm thanh…
Để phòng ngừa điếc nghề nghiệp, những người phải làm việc trong môi trường đặc biệt, làm việc dưới hầm lò, thợ lặn… cần thực hiện các biện pháp phòng hộ cho cá nhân và tập thể như trang bị thiết bị che chắn tai và giảm tiếng ồn.
Ăn uống để phòng bệnh điếc
Các thầy thuốc Anh phát hiện thấy ở người chuyển sang tuổi già, hàm lượng sắt trong máu thấp hơn rõ rệt so với người bình thường, hệ thống máu biến đổi, các vi huyết quản ở tai bị hẹp đi, mất tính đàn hồi, máu khó chảy qua, các tế bào hồng cầu dần dần trở nên cứng hơn.
Tế bào hồng cầu cứng sẽ dễ làm tắc các vi huyết quản, gây khó khăn cho tuần hoàn máu trong tai, cộng thêm sự thiếu chất sắt trong cơ thể, năng lực chuyên chở oxy của tế bào hồng cầu bị giảm sút, làm cho tế bào thính giác trong tai thiếu chất dinh dưỡng, qua đó sinh bệnh điếc.
Nếu bổ sung thêm chất sắt thì có thể làm giãn mạch máu, làm mềm các tế bào hồng cầu, bảo đảm tai được cung cấp đủ máu, qua đó ngăn chặn tình trạng giảm thính lực ở NCT. Các thầy thuốc đề nghị, ngay từ tuổi trung niên trở đi, nên ăn thêm các thức ăn giàu chất sắt như: mộc nhĩ đen, gan động vật, thịt nạc, rau cần, rau chân vịt…
Ăn nhiều thức ăn chứa chất kẽm
Nguyên tố kẽm (Zn) có tác dụng vô cùng quan trọng đối với thính lực. Hàm lượng kẽm ở ốc tai cao hơn hẳn so với bất kỳ bộ phận nào khác trong cơ thể; nhưng khi ngoài 60 tuổi thì giảm đi rõ rệt, gây trở ngại cho hoạt động chức năng của ốc tai. Bởi vậy, khi sang tuổi trung niên nên ăn cá, đậu nành, rau cải, cà-rốt, các loại hải sản, là thực phẩm chứa nhiều kẽm.
Bổ sung vitamin D
Vitamin D có ảnh hưởng trực tiếp kỳ lạ đến thính lực của NCT. Các chuyên gia Hoa Kỳ theo dõi 56 người mắc bệnh điếc tuổi già, phát hiện thấy hàm lượng canxi trong máu của họ thấp hơn hẳn mức bình thường, mà nguyên nhân căn bản là do cơ thể thiếu vitamin D.
Khi dùng vitamin D điều trị cho các bệnh nhân này trong thời gian 6-10 tháng, thính lực của họ khá lên rõ rệt. Trong vitamin D chủ yếu có vitamin D2 và D3. Các loại nấm và mộc nhĩ trắng (ngân nhĩ) đều chứa vitamin D2. Gan cá biển có hàm lượng vitamin D3 cao nhất; gan gia cầm, gia súc và trứng cũng chứa vitamin D3. Trong các mô da và mỡ người có chứa một chất dehydrocholesterol, sau khi được chiếu bởi tia cực tím trong ánh nắng mặt trời nó có thể hình thành vitamin D3. Bởi vậy, NCT cần thường xuyên ra nắng.
Bớt ăn uống
Hợp lý hạn chế khẩu phần ăn không những có thể kéo dài tuổi thọ mà còn có tác dụng rõ rệt ngăn ngừa chứng điếc ở NCT. Đó là do sau khi bớt khẩu phần ăn, cơ thể cố hết sức thải các chất độc ra ngoài.
Ăn nhiều thức ăn hạ mỡ máu
Một nhóm chuyên gia quan sát 341 NCT, kết quả thấy ở người có mỡ máu cao thì tỷ lệ mắc chứng điếc do tuổi già cao hơn rõ rệt so với người có mỡ máu bình thường. Vì vậy, cần thay đổi các thói quen không tốt về ăn uống và ăn nhiều rau quả tươi sẽ có ích cho việc dự phòng chứng điếc ở NCT.