Người cứ thường xuyên bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng nhiều khi bị mất thăng bằng... Bệnh cứ hay tái phát, gây khó chịu, làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống. Đó là bạn đang gặp phải chứng rối loạn tiền đình.
dinhduonghoc.com - Tìm hiểu chứng rối loạn tiền đình? Cách phòng tránh và điều trị
Tiền đình là vùng nằm ở phía sau ốc tai (hai bên), là một hệ thống có vai trò quan trọng trong duy trì tư thế, dáng bộ, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiên, khoa Nội Thần kinh – BV Cấp cứu Trưng Vương TPHCM, có hai loại rối loạn tiền đình: Rối loạn tiền đình ngoại biên do tổn thương tai trong, hoặc dây thần kinh tiền đình và rối loạn tiền đình trung ương do tổn thương nhân tiền đình, hay các đường liên hệ của các nhân dây này ở thân não, tiểu não.
Các dạng rối loạn tiền đình ngoại biên thường gặp:
- Thứ nhất là chóng mặt tư thế lành tính: Đây là triệu chứng hay gặp nhất. Cơn chóng mặt thường ngắn, xảy ra khi thay đổi tư thế đầu, tư thế nằm, ngồi; thường mắc phải sau chấn thương đầu, viêm mê đạo (thuộc vùng ốc tai) do siêu vi, tắc mạch máu ở vùng sau cổ.
- Thứ hai là bệnh Menière, biểu hiện chóng mặt nặng kèm theo nôn ói kéo dài, ù tai, nặng tai, giảm thính lực một hoặc cả hai bên tai (nếu bị tái phát nhiều lần).
- Thứ ba là chóng mặt sau chấn thương sọ não, kèm nặng đầu, khó tập trung, choáng váng, hồi hộp, sợ ánh sáng...
Ngoài ra, còn có các dạng bệnh tiền đình ngoại biên khác như: viêm tai xương chũm mạn tính, xơ cứng tai, các loại thuốc gây tổn thương tiền đình – ốc tai như: một vài loại thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc chống ung thư, thuốc giảm đau, rượu, xạ trị...
Các dạng rối loạn tiền đình trung ương thường gặp
- Thứ nhất là thiểu năng tuần hoàn não, xảy ra có thể do thiểu năng động mạch cột sống thân nền; do xơ mỡ động mạch; do hạ huyết áp tư thế; cơn nhịp Stokes – Adams; do thoái hoá cột sống cổ làm chèn ép mạch máu.
- Thứ hai là nhồi máu vùng thân não.
- Thứ ba là u góc cầu tiểu não xơ cứng rải rác từng đám...
Khi mắc phải những triệu chứng rối loạn tiền đình, người bệnh cần đến khám ở chuyên khoa nội thần kinh, hoặc chuyên khoa tai - mũi – họng, để được chẩn đoán, xác định nguyên nhân mà có hướng chữa trị thích hợp. Việc chữa trị rối loạn tiền đình phần lớn là điều trị nội khoa và cần đề phòng, tránh để bệnh tái phát, nhất là với rối loạn tiền đình ngoại biên.
Rối loạn tiền đình dễ xảy ra ở những người làm việc văn phòng, ngồi nhiều trong phòng lạnh và tiếp xúc thường xuyên với máy tính. Vì ngồi nhiều trong phòng lạnh, vùng cột sống cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày làm co thắt động mạch cột sống thân nền, dẫn đến rối loạn tiền đình ngoại biên. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh dễ tái phát nếu không lưu ý kỹ.

Bệnh RLTĐ  có phòng được không?

Các cụ có câu, phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên ngay từ lúc còn khỏe mạnh, bạn nên có chế độ tập luyện đúng cách để phòng tránh các bệnh khác chứ không chỉ là RLTĐ. Bạn nên tập luyện thường xuyên, nhẹ nhàng nhưng đúng động tác, ví dụ tập đốt sống cổ cần quay trái, quay phải, ngả đầu về sau, cúi đầu xuống phải từ từ không vội vàng, mỗi lần tập như vậy cũng chỉ kéo dài từ 5 – 10 phút, không nên tập kéo dài thời gian… Khi đã bị viên mũi họng, xoang cần vệ sinh răng miệng, họng hàng ngày; nhỏ nước muối sinh lý hằng ngày vào mũi để làm sạch mũi do hít thởi không khí có kèm theo vi sinh vật độc hại.

Điều ​trị rối loạn tiền đình

Khi bị rối loạn tiền đình, các triệu chứng ban đầu thường ít xuất hiện, nếu có thì có thể là mất ngủ, người mệt mỏi. Thường vào đêm về sáng, người bệnh thức giấc mở mắt ra nhìn mọi vật xung quanh thì có cảm giác không bình thường, trở mình thấy lao đao, ngồi dậy khó khăn.

Nếu cơn nhẹ, bệnh nhân có thể cố gắng đứng dậy được nhưng mất thăng bằng, dễ ngã. Nếu cơn nặng, họ chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy được, buồn nôn và có thể nôn dữ dội gây mất nước, điện giải, mở mắt ra sẽ thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn.

Người bệnh tỉnh táo, đầu không đau nhức nhưng nặng trĩu như bị nén, ép lại; sợ ánh sáng, tiếng động và sự thay đổi tư thế, muốn tìm sự yên tĩnh, mạch thường nhanh, huyết áp hạ, người mệt lả. Bệnh có thể diễn biến trong vài ba ngày rồi hồi phục dần, nhưng cũng có thể kéo dài và để lại những di chứng mất thăng bằng, lao đao, mắt mờ nhòe, chân tay tê bì, run rẩy, suy yếu mệt mỏi một thời gian, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe.

Có khá nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình: môi trường, thời tiết (chuyển mùa), nhiễm độc (hóa chất, thuốc, ăn uống...), bệnh lý của cột sống cổ (thoái hóa, thoát vị, viêm, hẹp thân đốt..) bệnh lý rối loạn chuyển hóa mỡ (rối loạn chuyển hóa lipid), bệnh lý tim mạch, bệnh lý của hệ tạo máu...

Vì vậy trường hợp của bạn tốt nhất là đến các trung tâm y tế có uy tin để khám và làm các xét nghiệm cần thiết như các xét nghiệm huyết học, sinh hóa máu, chụp Xquang, chụp cộng hưởng từ... để chẩn đoán nguyên nhân từ đó bác sỹ mới có chỉ định điều trị hợp lý cho bạn.

Trước mắt bạn có thể sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu như xoa bóp, bấm huyệt chườm ấm vùng cột sống cổ cũng có thể giúp bạn giải quyết tạm thời tình trạng này. Hoặc có thể sử dụng các thuốc tăng cường tuần hoàn não như cinnarizin, flunarizine, vipocetin, duxil, tanganil, hay ginko biloba... Tuy nhiên dùng thuốc nào, liều lượng ra sao bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

 

Chữa trị rối loạn tiền đình theo đông y

Tự nhiên vào buổi sáng sớm sau khi tỉnh dậy đột ngột xuất hiện choáng váng mọi vật chao đảo, giường chiếu, nhà cửa ngả nghiêng đảo lộn nhiều hướng (nếu thay đổi tư thế tức khắc hiện tượng choáng váng quay cuồng lại càng xuất hiện tăng thêm nên người bệnh phải cố gắng giữ ở một tư thế nhất định thì mới không bị đảo lộn), kèm theo rối loạn thần kinh thực vật làm cho toàn thân vã mồ hôi hoặc có thể da mặt bị tím tái, tim đập nhanh, buồn nôn hay nôn mửa liên tục..., khiến người bệnh hoảng hốt, kêu la cầu cứu.

Nếu nhẹ thì người bệnh có thể đứng dậy được, nhưng mất thăng bằng, dễ ngã. Nặng thì chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy được và vẫn buồn nôn hoặc nôn dữ dội. Tuy nhiên người bệnh vẫn hoàn toàn tỉnh táo, đầu không đau nhức chỉ thấy cảm giác nặng như bị một vật gì đè lên đầu và người mệt lả. Ngoài ra còn thấy rung nhãn cầu mắt, lệch hướng khi chỉ ngón tay, mất thăng bằng khi đi, đứng. Có khi còn ù tai hay điếc thường rõ rệt trong thời gian chữa trị, sẽ giảm dần sau vài tháng.

Các dấu hiệu trên có thể xuất hiện theo từng đợt kéo dài vài ngày rồi phục hồi dần, sau đó lại có thể tái phát. Có trường hợp tái phát chậm sau một thời gian dài cứ tưởng là bệnh đã khỏi hẳn. 
Theo đông y thường thấy biểu hiện bởi hai thể loại đó là “thực chứng” và “hư chứng”. 

Đối với thực chứng

Đột nhiên ù tai rồi chóng mặt, hoa mắt, nhà cửa cảm thấy như đảo lộn, nghiêng ngửa buộc người bệnh phải luôn nhắm nghiền mắt và nằm xuống không sẽ bị ngã. Kèm theo buồn nôn hay nôn thốc tháo nhiều lần, mặt nhợt nhạt, mồ hôi toát ra toàn thân. Cơn choáng chóng mặt quay cuồng này có khi xảy ra chốc lát hay kéo dài vài tiếng, hoặc vài ba ngày. Người bệnh thấy nóng, khát nước, táo bón, tiểu nước vàng, mạch thực.

Đây là trường hợp theo đông y là do can hỏa hóa phong rồi bốc lên mà sinh bệnh là chủ yếu. Cũng có thể do đờm thấp đình trệ, mà làm khí thanh dương không đưa lên được khiến phát ra bệnh.

Do vậy với thể thực chứng này đông y thấy phải bình can, tiềm dương, cụ thể là nếu can hỏa vượng cần kiện tỳ, hóa đờm. Nếu đờm thấp đình trệ hoặc thanh hỏa, hóa đờm nếu do đờm hỏa. Trong trường hợp thực chứng này người ta sử dụng phương “Thiên ma câu đằng ẩm” trích trong Tạp bệnh chứng trị tân nghĩa.

Phương gồm các vị: câu đằng 12g, ích mẫu 12g, ngưu tất 12g, phục thần 12g, sơn chi 12g, tang ký sinh 12g, dạ giao đằng 10g, đỗ trọng 10g, hoàng cầm 10g, thạch quyết minh sống 20g, thiên ma 8g, hà thủ ô trắng 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần trong ngày. Uống 3 – 5 thang liền.

Còn đối với hư chứng

Triệu chứng cũng xảy ra đột ngột bị ù tai rồi chóng mặt, hoa mắt, nhà cửa quay cuồng nên người bệnh cũng phải nằm nhắm mắt không sẽ bị ngã và kèm buồn nôn hay nôn mửa nhiều lần, toàn thân vã mồ hôi, mặt nhợt nhạt. Cơn chóng mặt cũng có thể xảy ra trong chốc lát hay mấy tiếng đồng hồ hoặc vài ngày. Kết hợp có nóng, khát nước và táo bón, tiểu vàng, đặc biệt khi làm việc lại hoa mắt, chóng mặt càng tăng, ăn ngủ kém, sắc mặt xanh, mạch hư, không lực. Đây là bệnh chứng xảy ra chủ yếu do can, thận, tâm, tỳ suy, thận kém nên không nuôi dưỡng được can huyết mà làm cho can dương vượng lên khiến phát sinh bệnh.

Với bệnh chứng này người ta thường sử dụng phương “Kỷ cúc địa hoàng hoàn” trích trong Y cấp. Gồm các vị: Bạch cúc hoa 120g, câu kỷ tử 120g, đơn bì 120g, phục linh 120g, trạch tả 120g, sơn dược 160g, sơn thù 160g, thục địa 320g. Tất cả tán bột làm hoàn. Ngày uống 8 – 16g, chiêu với nước muối nhạt.
Ngoài ra cũng có thể chọn lựa sử dụng một trong số các phương thuốc sau cũng có hiệu nghiệm trị liệu cao.

* Phương “Nhị căn thang” (Phúc kiến Trung y dược). Tác dụng hoạt huyết hóa ứ, lợi thấp, khử đờm, trị rối loạn tiền đình, gồm: Cát căn 20g, hải đới căn 30g, xuyên khung 12g, bán hạ 10g, thạch xương bồ 16g, đại giả thạch 16g. Sắc ống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần trong ngày. Cần uống 3 – 6 thang liền.

* Trấn huyễn ôn đởm thang (trích trong Thiên gia diệu phương). Tác dụng hóa vị, trừ đờm trấn huyễn, tỉnh não, gồm: Đạm trúc diệp 10g, đại giả thạch 10g, thông thảo 6g, linh từ thạch 10g, chế bán hạ 10g, xa tiền tử 12g, hạ khô thảo 10g, vân phục linh 12g, thạch xương bồ 10g, cam thảo 4g, chỉ xác 10g, trần bì 10g. Tất cả sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần trong ngày. Cần uống 10 – 15 thang liền.

* Định huyễn thang (trích trong Trung Quốc Trung y bí phương đại hoàn). Tác dụng hóa đờm tức phong, kiện tỳ khử thấp, trị rối loạn tiền đình, gồm: Bạch tật lê 20g, trạch tả 20g, thiên ma 16g, bán hạ 16g, đạm trúc diệp 12g, phục thần 12g, cát nhân 12g, long cốt 30g (sắc trước). Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần trong ngày. Cần uống 5 – 10 thang liền. Rất hiệu nghiệm.

* Chỉ huyễn trừ vựng thang (trong Trung Quốc Trung y bí phương đại toàn). Tác dụng hóa đờm, lợi thấp, khử ứ, trị rối loạn tiền đình, gồm bán hạ 12g, ngưu tất 12g, sinh khương 12g, xa tiền tử 30g, trạch lan 16g, quế chi 16g, bạch truật 20g, hổ phách 6g, đan sâm 24g, phục linh 24g, mẫu lệ 40g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần trong ngày. Cần uống 5 – 7 thang liền sẽ hiệu nghiệm.