Giấc ngủ - Các rối loạn giấc ngủ và hướng xử trí
1.Sinh lý giấc ngủ
Ở người trưởng thành trung bình mỗi ngày cần ngủ từ 7 đến 8 giờ. Một giấc ngủ bình thường một đêm gồm khoảng 4 đến 5 chu kỳ. Mỗi chu kỳ từ 90 đến 120 phút lại bao gồm 5 giai đoạn với những đặc điểm sau:
• Giai đoạn I: Chiếm khoảng 5% thời gian, còn gọi là giai đoạn ru giấc ngủ. Giai đoạn này rất ngắn, chỉ kéo dài vài phút rồi chuyển sang giai đoạn II. Giai đoạn này được xem như giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái thức sang trạng thái ngủ. Những kích thích ở giai đoạn này sẽ làm thức giấc ngay lập tức. Điện não đồ có sự hoạt hóa của song theta với tần số từ 4 đến 7 chu kỳ giây có thể có sóng alpha với tần số từ 8 đến 12 chu kỳ giây.
• Giai đoạn II: Chiếm khoảng 50% thời gian, còn gọi là giai đoạn ngủ nông. Điện não đồ ở giai đoạn này có sự hoạt hóa của sóng theta tần số 4 đến 7 chu kỳ giây xen kẽ với những đợt sóng nhanh tần số 12 đến 14 chu kỳ giây. Ở giai đoạn này tỉnh dậy khó khăn.
• Giai đoạn III: Chiếm khoảng 5% thời gian, còn gọi là giai đoạn ngủ sâu. Ở giai đoạn này, các dấu hiện sinh tồn đều giảm như nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp. Hệ thống cơ xương khớp cũng giãn ra, trùng xuống. Điện não đồ thấy hoạt hóa sóng chậm delta từ 1.5 đến 2 chu kỳ giây tỷ lệ chiếm khoảng 20 đến 50%.
• Giai đoạn IV: Chiếm khoảng 25% thời gian, còn gọi là giai đoạn ngủ rất sâu. Các dấu hiệu sinh tổn đạt mức độ thấp nhất. Tỉnh dậy lúc này là rất khó. Miên hành có thể xuất hiện ở giai đoạn này. Điện não đồ cho thấy sự hoạt hóa lan tỏa của sóng delta chiếm khoảng trên 50%. Ở trẻ em giai đoạn III và IV chiếm khoảng 50% nhưng ở người lớn và nhất là người lớn tuổi chỉ chiếm 15% đến 25%, cũng có thể mất và thay vào đó là giai đoạn ngủ nông.
• Giai đoạn V: Chiếm khoảng 20 đến 25% thời gian, còn gọi là giấc ngủ nghịch thường. Sau khoảng 90 phút từ khi xuất hiện giai đoạn I, giai đoạn này người ngủ vẫn còn trong giấc ngủ sâu nhưng nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp đều tăng, ngược lại nhu động dạ dày và ruột thì giảm, trương lực cơ hoàn toàn mất. Sở dĩ có tên là giấc ngủ nghịch thường là do ở giai đoạn này điện não đồ xuất hiện sóng alpha giống như giai đoạn thức nhưng người ngủ thì vẫn ngủ rất sâu. Trong giai đoạn này những giấc mơ xuất hiện. Giai đoạn này còn có tên gọi khác là giấc ngủ REM ( Rapid Eye Movements ) bởi vì xuất hiện những cử động đưa qua đưa lại liên tục của nhãn cầu. Kế tiếp giai đoạn giấc ngủ nghịch thường người ngủ sẽ thức dậy trong khoảng thời gian rất ngắn một vài phút rồi lại tiếp tục chu kỳ mới cho tới sáng.
Như thế nếu một đêm ta ngủ 8 giờ thì giai đoạn I,II chiếm khoảng 4 giờ, giai đoạn III, IV 2 giờ và giai đoạn ngủ nghịch thường 2 tiếng. Ở những chu kỳ đầu bao giờ cũng ngủ sâu hơn, ở những chu kỳ sau càng về sáng giấc ngủ nghịch thường càng dài hơn. Đặc điểm này tiến triển theo lứa tuổi. Ở người lớn tuổi, giấc ngủ của họ được mô tả như sau:
+ Kéo dài thời gian giai đoạn I và II.
+ Giảm thời gian giai đoạn III và IV.
+ Sự ổn định của giấc ngủ nghịch thường.
+ Tăng số lần thức giấc trong đêm.
+ Ngủ gà ngủ gật ban ngày.
2.Giấc ngủ ngon và chất lượng:
Một giấc ngủ ngon và chất lượng là một giấc ngủ cần phải đáp ứng những yếu tố sau:
• Đủ về số lượng: Có nghĩa là đảm bảo thời gian ngủ từ 7 đến 8 giờ theo sinh lý bình thường.
• Đảm bảo về chất lượng: Có nghĩa là sau khi ngủ dậy cơ thể cảm thấy tỉnh táo, sảng khoái, khỏe mạnh không còn cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ nữa, năng suất làm việc cao và không có những cơn ác mộng trong khi ngủ.
3.Tầm quan trọng của giấc ngủ:
Ngủ là một nhu cầu sống còn đối với cơ thể chúng ta. Ngủ chiếm 1/3 thời gian của cuộc đời mỗi người. Trong khi ngủ cơ thể chúng ta tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày và quá trình tăng trưởng cơ thể, giúp não bộ sắp xếp lại những thông tin một cách hệ thống, thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn của não bộ. Điều này cực kỳ cần thiết để cho cơ thể phát triển và thích nghi với môi trường sống. Trẻ mới sinh ra cần ngủ đến 20 giờ mỗi ngày nói lên tầm quan trọng của giấc ngủ đối với quá trình phát triển thể chất và tinh thần của chúng ta.
Thiếu ngủ sẽ dẫn đến một số biểu hiện sau:
+ Mệt mỏi, uể oải trong ngày.
+ Bồn chồn, dễ nóng giận.
+ Quên, không thể tập trung vào công việc.
+ Khó đưa ra những quyết định sáng suốt.
+ Tăng tính bị ám thị, dễ bị ảnh hưởng bởi người khác.
+ Mất khả năng thiết lập kế hoạch cho tương lai.
+ Có thể có những ảo giác nghĩa là nhìn thấy những hình ảnh không có thực.
Những dấu hiệu này nặng hay nhẹ tùy thuộc vào tình trạng mất ngủ nhiều hay ít.
4.Một số lời khuyên giúp cho giấc ngủ ngon:
+ Đi ngủ và thức dậy đúng giờ.
+ Không nên nằm nướng trên giường vào buổi sáng, dậy ngay khi thức giấc.
+ Đi ngủ ngay khi có những dấu hiệu buồn ngủ như ngáp, mắt lim dim. Không cố gắng cưỡng lại cơn buồn ngủ.
+ Không đọc những cuốn sách quá lôi cuốn, hấp dẫn vào buổi tối cũng như không xem tivi trên giường ngủ. Tránh những cãi cọ hay tranh luận căng thẳng, tạm quên đi những lo toan, bận tâm trong ngày.
+ Không dùng những chất kích thích như trà, thuốc lá, cà phê, sô cô la, vitaman C vào buổi tối.
+ Ăn tối không trễ quá, nên ăn nhẹ nhàng, không ăn quá no và nên uống một ly sữa vào buổi tối.
+ Không nên chơi những môn thể thao nặng vào buổi tối, trước khi ngủ có thể tắm nước ấm, mát xa nhẹ nhàng tạo cảm giác thư giãn.
+ Phòng ngủ nên bố trí thoáng mát, yên tĩnh, giường gối êm ái, ánh sáng dịu nhẹ.
+ Tránh lạm dụng thuốc ngủ, chỉ dùng khi cần thiết và tham khảo ý kiến thầy thuốc.
+ Cuối cùng, đừng quên rằng tình cảm vợ chồng hòa thuận thăng hoa cũng là liều thuốc tự nhiên vô cùng quý giá giúp giấc ngủ ngon.
5.Giấc ngủ trưa:
Một giấc ngủ trưa nhẹ nhàng 15 đến 30 phút giúp hồi phục sức khỏe thể chất và tinh thần, làm tăng hiệu quả làm việc vào buổi chiều, không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối. Nhưng nếu ngủ nhiều vào buổi trưa thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ buổi tối.
I. Phân loại rối loạn giấc ngủ:
Bảng phân loại các rối loạn giấc ngủ quốc tế dựa vào thể thức, thời gian và nguyên nhân của các rối loạn giấc ngủ. Người ta phân ra 2 nhóm chính:
• Nhóm 1: Bao gồm những rối loạn liên quan đến chất lượng, số lượng và những thời điểm khác nhau của giấc ngủ.
• Nhóm 2: Bao gồm những hiện tượng bất thường xảy ra trong giấc ngủ.
II.Những rối loạn giấc ngủ thường gặp và hướng điều trị:
1. Mất ngủ:
Là một than phiền chủ quan về một giấc ngủ không đủ về thời gian cũng như về chất lượng, nghĩa là khi ngủ dậy người ta vẫn cảm thấy sức khỏe về thể chất và tinh thần không được hồi phục, cảm giác uể oải, mệt mỏi, còn buồn ngủ tiếp. Tùy từng trường hợp có thể gây ra bởi tình trạng khó ru vào giấc ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, thức dậy sớm hoặc có thể có cảm giác thiếu ngủ hoàn toàn. Nguyên nhân của rối loạn này rất đa dạng:
• Tỷ lệ mất ngủ chiếm khoảng 10-15% trong dân số.
• Trong đó mất ngủ tạm thời thường gặp nhất.
• Tỷ lệ mất ngủ này tăng dần theo tuổi.
• Tỷ lệ nữ gấp đôi nam.
Mất ngủ tạm thời: xuất hiện vài đêm hoặc trong thời gian ngắn một vài tuần, ở những người bình thường. Mất ngủ tạm thời là rối loạn hay gặp nhất chiếm 30 đến 40% dân số.
Nguyên nhân đa dạng:
• Những biến cố trong cuộc sống như: tang tóc, khó khăn về kinh tế, gia đình, nghề nghiệp…v…v…
• Sinh hoạt không điều độ: Ngủ trưa quá nhiều, lạm dụng các chất kích thích, đi ngủ, thức dậy thất thường, chơi thể thao buổi tối, công việc quá nhiều.
• Các bệnh cơ thể: Đau cấp, ho, sốt, mẩn ngứa dị ứng…
• Môi trường: Tiếng ồn, độ cao, phòng ngủ không thích hợp…
Điều trị:
• Vệ sinh giấc ngủ, loại trừ những nguyên nhân gây mất ngủ
• Có thể dùng những loại thuốc thảo dược hoặc thuốc ngủ phù hợp dưới sự chỉ định của thầy thuốc như Zopiclone, Stilnox trong thời gian ngắn vài ngày hoặc vài tuần với liều thấp.
Mất ngủ thứ phát do bệnh tâm thần hay bệnh thực thể gây ra
Nguyên nhân bệnh tâm thần
Tất cả những rối loạn tâm thần đều có thể đưa đến mất ngủ, từ 30 đến 60% trường hợp mất ngủ có nguyên nhân từ các rối loạn tâm thần.
• Rối loạn trầm cảm thường đưa đến mất ngủ vào sáng sớm, nghĩa là dậy vào lúc 3-4 giờ sáng.
• Rối loạn lo âu thường đưa đến tình trạng khó đi vào giai đoạn ru giấc ngủ.
• Mất ngủ hoàn toàn do cơn hưng cảm, trạng thái hoang tưởng, những trạng thái lú lẫn. Những trạng thái này làm rối loạn chu kỳ thức-ngủ và thường đưa đến tình trạng kích động ban đêm.
• Mất ngủ mạn tính: Những trường hợp rối loạn nhân cách, nghiện ngập thường dẫn đến tình trạng mất ngủ mạn tính
Điều trị: Tùy vào nguyên nhân gây ra mất ngủ. Điều trị phải nhắm vào các rối loạn tâm thần. Sử dụng các thuốc chống loạn thần, các thuốc chống trầm cảm, các thuốc giải lo âu, các thuốc điều hòa khí sắc và các liệu pháp trị liệu tâm lý phù hợp.
Nguyên nhân thực thể:
Rất nhiều bệnh thực thể có thể đưa đến tình trạng mất ngủ, đặc biệt là những bệnh lý sau:
• Các chứng đau cấp vì mãn tính, ví dụ như đau trong bệnh viêm khớp thường tăng vào ban đêm v.v..
• Các bệnh đường tiêu hóa: như loét dạ dày tá tràng
• Các bệnh tiết niệu: như u tiền liệt tuyến, tiểu gắt tiểu buốt v.v..
• Các bệnh nội tiết như tiểu đường, cường giáp v.v..
• Các bệnh tim mạch, hô hấp: như viêm phế quản, hen suyễn v..v..
• Các bệnh thần kinh: bệnh Parkinson, Alzheimer, tai biến mạch máu não v.v..
Điều trị: Tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh gây ra mất ngủ, thường kết hợp với nhóm thuốc an thần nhẹ Benzodiazepine trong thời gian ngắn.
Nguyên nhân do thuốc và những chất kích thích:
• Lạm dụng những chất kích thích như café, thuốc lá, amphetamine, cocaine v.v..
• Lạm dụng rượu rượu gây ra tình trạng dễ vào trạng thái ru ngủ nhưng sẽ giảm thời gian ngủ sâu và giai đoạn giấc ngủ nghịch thường, thức dậy sớm và không hồi phục sau khi thức dậy.
• Một số thuốc như: Theophylline, Corticoide, thuốc chống trầm cảm tác dụng kích thích, các thuốc ngủ dùng trong thời gian dài.
Hướng điều trị:
• Từ bỏ những thói quen lạm dụng chất kích thích
• Thay đổi giờ uống thuốc cho phù hợp tránh ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Mất ngủ mạn tính tiên phát:
Loại mất ngủ này tập hợp phần lớn những trường hợp mất ngủ mà ở đó không thấy bất cứ nguyên nhân cụ thể về bệnh tâm thần hay bệnh thực thể nào. Biểu hiện duy nhất là mất ngủ.
Người ta phân biệt ra những loại sau:
• Mất ngủ vô căn tiến triển từ tuổi ấu thơ. Thường có nguyên nhân từ những sự kiện xảy ra trong ngày mà trẻ chứng kiến gây ra.
• Mất ngủ tâm sinh lý là những trường hợp mất ngủ được hình thành từ việc lặp đi lặp lại do nguyên nhân tâm lý sợ giấc ngủ. Ví dụ như trong giấc ngủ xảy đến những hiện tượng làm người ngủ kinh sợ, có thể là những giấc mơ hoặc ảo giác. Để tránh gặp phải những tình trạng đó, người bệnh né tránh giấc ngủ.
Hướng điều trị: Cần phối hợp nhiều biện pháp như sinh hoạt điều độ, tuân thủ chặt chẽ giờ giấc thức, ngủ, thư giãn liệu pháp, tâm lý liệu pháp; liệu pháp nhận thức hành vi sẽ giúp cải thiện tình trạng này.
2. Rối loạn sự tỉnh táo và ngủ nhiều:
Những rối loạn này liên quan đến số lượng và chất lượng của trạng thái tỉnh táo trong ngày, biểu hiện bằng các biểu hiện ngủ nhiều, buồng ngủ, ngủ gà ngủ gật trong ngày. Trái ngược với mất ngủ những rối loạn tỉnh táo này thường không được nhận biết và không được quan tam đến, khó khăn trong việc chuẩn đoán và điều trị cũng như sự xáo trộn cầu trúc của giấc ngủ thường không được người bệnh nhận ra.
Hội chứng ngưng thở trong giấc ngủ: Trong lúc ngủ, bệnh nhân ngưng thở vài phút, hiện tượng này lặp lại khoảng 5 lần trong 1 giờ. Trước lúc ngưng thở, bệnh nhân ngáy lớn lên rồi ngưng thở, lặp đi lặp lại, sau đó là giấc ngủ rất ngắn. thường bệnh nhân không nhận biết được, tiếp theo bệnh nhân thở lại một cách rất ồn ào. Người ta nhận thấy trên những trường hợp này có biểu hiện đi tiểu nhiều trong đêm, hay có ác mộng, đau đầu. Trong ngày ngủ gà ngủ gật, hay mệt mỏi, mất tập trung, quên, lo lắng…Bệnh thường gặp ở những người nam giới trên 50 tuổi, dư trọng lượng.
Nguyên nhân:
• Béo phì
• Bệnh tai mũi họng như phì đại tuyến Amigdal, màn hầu giãn.
• Yếu tố làm bệnh nặng thêm là rượu, thuốc nhóm Benzodiazepine.
Điều trị: Loại trừ những nguyên nhân gây bệnh đôi khi cần đến can thiệp phẫu thuật vùng hầu họng.
Ngủ nhiều do thiếu ngủ: Sự thiếu ngủ này thường liên quan đến những người làm việc quá nhiều, làm việc ban đêm, trực gác, người thân bị bệnh, mới sanh con v.v…Người bệnh có các biểu hiện khó thức dậy, ngủ gật trong ngày, giảm hiệu suất làm việc. khó tập trung chú ý, bồn chồn dễ cáu giận, mệt mỏi.
Điều trị: Kéo dài thời gian ngủ, kết hợp với tái tạo lập việc sinh hoạt điều độ.
Ngủ nhiều do thuốc: Một số thuốc trong các chỉ định y khoa có thể dẫn đến tình trạng ngủ nhiều như các thuốc sau:
• Những thuốc hướng thần: Những thuốc ngủ, thuốc giải lo âu có thời gian bán hủy dài, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần và những thuốc điều chỉnh khí sắc.
• Những thuốc khác như: Thuốc chống động kinh, thuốc kháng dị ứng, thuốc giãn cơ…
Điều trị: Việc sắp xếp thời gian uống thuốc và chỉnh liều cho phù hợp là cần thiết
Chứng ngủ rũ: Thường thấy ở nam giới bắt đầu ở tuổi vị thành niên thường có 4 triệu chứng phối hợp sau:
• Những cơn ngủ gà trong ngày thường xảy ra cùng một thời điểm trong ngày đối với mỗi người bệnh và những cơn ngủ rũ bất ngờ xuất hiện không thể cưỡng lại được.
• Những cơn mất trương lực cơ bất chợt xảy đến kéo dài trong một thời gian ngắn sự giãn trương lực cơ này có thể toàn thân nhưng cũng có thể khu trú ở một vài cơ quan như gục đầu, khụy gối; những cơn này thường xảy đến khi có xúc động gì đó.
• Những ảo giác thị giác, thính giác xảy đến trong giai đoạn ru giấc ngủ gây hoảng sợ.
• Những biểu hiện liệt trong giấc ngủ đặc trưng bởi sự mất hoàn toàn mọi cử động cơ bắp, không thể hít thở với biên độ bình thường, hiện tượng này xảy ra vào lúc tỉnh giấc.
Điều trị:
• Điều trị cơn ngủ gà và cơn ngủ rũ bằng các thuốc như: Modafinil, methylphemidate và ngủ trưa.
• Điều trị những cơn mất trương lực, ảo giác, những cơn liệt khi ngủ bằng các thuốc chống trầm cảm
• Điều trị mất ngủ ban đêm bằng thuốc ngủ, vệ sinh giấc ngủ, sinh hoạt điều độ.
Ngủ nhiều vô căn: Biểu hiện một giấc ngủ ban đêm dài bất bình thường, rất khó khăn để thức dậy vào mỗi buổi sáng khi có biểu hiện rối loạn định hướng khi tỉnh dậy, xuất hiện những cơn ngủ gà ban ngày. Khác với những dạng rối loạn ngủ nhiều khác, bệnh nhân có thể cưỡng lại được những cơn buồn ngủ. Giấc ngủ ban đêm và giấc ngủ trưa bệnh nhân không cảm thấy phục hồi được sức khỏe. Rối loạn này bắt đầu ở tuổi vị thành niên hay tuổi trưởng thành.
Điều trị:
• Các thuốc chống trầm cảm kích thích
• Vệ sinh giấc ngủ, cần tránh ngủ trưa
Những cử động chu kỳ của tứ chi và hội chứng chân không nghỉ:
Những cử động chu kỳ của tứ chi: xảy ra trong đêm vào lúc sắp thức giấc, biểu hiện bằng các cử động trong vài giây xuất hiện theo chu kỳ cứ 30 giây 1 lần, chủ yếu xuất hiện ở chi dưới, luôn luôn phối hợp với cử động duỗi ngón và gấp mu bàn chân, đôi khi phối hợp với gấp gối. Người bệnh than phiền không cảm thấy hồi phục sau khi thức dậy, mất ngủ ban đêm và cảm thấy mỏi 2 chi dưới. Những cử động này gia tăng theo tuổi và có thể kèm theo cơn ngủ rũ, hội chứng ngưng thở trong giấc ngủ. Thường hay xuất hiện ở những bệnh nhân dùng thuốc chống trầm cảm.
Hội chứng chân không nghỉ: Xuất hiện buổi tối nhất là khi nằm ngủ. Đó là những dị cảm khó chịu như cảm giác kiến bò, bỏng rát 2 chi dưới. Những cảm giác này sẽ giảm bớt khi có những cử động, điều này dẫn đến khó đi vào giai đoạn ru giấc ngủ. Thường xuất hiện vào khoảng tuổi 30, tiến triển thất thường, cần chú ý rằng rối loạn này thường xuất hiện vào 3 tháng cuối của thai kỳ trên những bệnh nhân điều trị thuốc chống trầm cảm.
Điều trị: Thuốc nhóm Benzodiazepine đặc biệt là Clonazepam.
3. Những rối loạn nhịp sinh học ngày đêm:
Đây là những rối loạn giấc ngủ liên quan đến nhịp sinh học ngày đêm. Có một sự không phù hợp giữa thời gian giấc ngủ thực tế và thời gian mong đợi.
- Hội chứng pha sớm: Đặc trưng bởi giai đoạn ru giấc ngủ và thức dậy xảy ra sớm. Người bệnh thức dậy vào khoảng 2-3 giờ sáng, điều này dẫn đến nhu cầu ngủ vào buổi chiều. Rối loạn này thường thấy ở người lớn tuổi.
- Hội chứng nhịp ngày đêm dài: Hiện tượng nhịp ngày đêm dài hơn 24 giờ với 1 sự khác biệt về thời gian ngủ khoảng 1 giờ mỗi ngày dẫn đến hiện tượng giai đoạn ru giấc ngủ ngày càng trễ. Ta có thể gặp những trường hợp mất ngủ cả đêm và trạng thái ngủ gà ban ngày. Rối loạn này chủ yếu gặp ở người mù ngoại biên, bệnh tâm thần phân liệt và bệnh sa sút.
- Hội chứng pha trễ: đặc trưng bởi giai đoạn ru vào giấc ngủ trễ, nếu phải dậy sớm để đi làm hậu quả là người bệnh vẫn còn ngủ gà vào buổi sáng.
- Thay đổi múi giờ: Hiện tượng mất ngủ xảy ra khi chúng ta di chuyển sang những múi giờ khác nhau. Triệu chứng đầu tiên là mất ngủ giai đoạn ru ngủ khi chúng ta di chuyển về phía đông và thức dậy sớm khi chúng ta di chuyển vế phía tây, kết hợp với những biểu hiện mệt mỏi, ngủ gà, đôi khi có sự rối loạn khí sắc. Rối loạn này kéo dài trong khoảng 1 tuần. Sự điều chỉnh nhịp ngày đêm của cơ thể rất nhanh.
Điều trị:
Có thể dùng thuốc ngủ tác dụng ngắn trong một thời gian vài ngày nhằm cải thiện các triệu chứng này, đặc biệt melatonine gần đây được chỉ định điều trị trong hội chứng pha trễ và phòng ngừa điều trị chứng mất ngủ, mệt mỏi do lệch múi giờ.
4. Những hiện tượng bất thường xảy đến trong giấc ngủ:
Người ta phân ra 4 loại theo thời điểm xuất hiện trong các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ.
- Các rối loạn khi thức giấc:
• Trạng thái say: xảy ra chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên. Là sự tỉnh giấc ban đêm đặc trưng bởi trạng thái u ám đôi khi cùng với tình trạng rối loạn định hướng không gian thời gian, những hành vi không phù hợp. Tình trạng lú lẫn này càng nặng khi xuất hiện vào lúc đầu giấc ngủ, thường người ta không nhớ gì, có thể kết hợp với rối loạn ngủ nhiều vô căn.
• Miên hành: Đặc trưng bởi những hoạt động tự động phức tạp, thường xảy ra ở trẻ em, hiếm khi ở người trưởng thành.
• Những cơn hoảng loạn ban đêm: Thường gặp ở trẻ em, cũng hiếm gặp ở người trưởng thành. Nếu có xảy ra ở người lớn thì thường do lạm dụng rượu, thiếu ngủ hay bị sốt cao, những cơn ngưng thở ban đêm. Những cơn này thường xuất hiện đầu đêm và người ở trong cơn thường hú hét lên ú ớ, rối loạn thần kinh thực vật, tim đập nhanh, thở mạnh, toát mồ hôi…không tỉnh dậy và quên không nhớ gì khi thức dậy.
Điều trị: Thuốc giải lo âu nhóm Benzodiazepine dùng trong những trường hợp nặng.
- Các rồi loạn khi chuyển từ thức sang ngủ:
• Giật mình: Bệnh cảnh lành tính và chiếm khoảng 60% dân số. Những cơn giật mình xuất hiện trong giai đoạn ru giấc ngủ, nhiều khi gây ra khó chịu, có thể có những cơn co cơ bất ngờ toàn thân hay một phần cơ thể.
• Nói trong lúc ngủ: Đây là hiện tượng nói trong giấc ngủ đôi khi là những câu đối thoại. Xảy đến da số trong giai đoạn giấc ngủ chậm, hoàn toàn lành tính không cần điều trị.
• Co cứng chi dưới khi ngủ: Là những cơn co cứng cơ rất đau đớn ở bắp chân và ở bàn chân làm gián đoạn giấc ngủ, thường xảy ra ở phụ nữ có thai hoặc phụ nữ lớn tuổi.
Điều trị: Thuốc giãn cơ có thể sử dụng trong những trường hợp nặng.
- Các rối loạn trong giấc ngủ nghịch thường:
• Ác mộng: Những giấc mơ hãi hùng làm tỉnh giấc, người mơ còn nhớ những cảnh trong mơ nhưng không có những rối loạn hệ thần kinh thực vật như những cơn hoảng loạn ban đêm. Sự lo sợ có thể cản trở người mơ ngủ lại. Không đáng quan tâm nếu nó ít xảy ra nhưng ác mộng nhiều thì cần thiết phải tìm nguyên nhân, đôi khi là một suy chấn tâm lý.
Cần nhớ rằng các thuốc kháng parkinson, chen betha, thuốc ngủ có thể là nguyên nhân làm xuất hiện ác mộng.
Điều trị: Tâm lý liệu pháp
• Liệt khi ngủ: Xuất hiện vào lúc thức giấc ban đêm, hiện tượng mất trương lực cơ trong vài giây khiến người bệnh không thể cử động được. Liệt khi ngủ có gặp trong chứng ngủ rũ nhưng cũng có thể xảy đến sau một giai đoạn mất ngủ hoặc tình trạng rối loạn nhịp ngày đêm.
• Rối loạn cương cứng trong khi ngủ: Đau đớn xuất hiện lúc tỉnh giấc, một sự lo lắng kèm theo sự cương cứng dương vật trong giai đoạn giấc ngủ nghịch thường. Trong trường hợp mạn tính cần thiết phải xem xét trị liệu tâm lý.
• Rối loạn hành vi trong giấc ngủ nghịch thường:
Rối loạn này thấy ở những nam giới trên 50 tuổi vì sự thiếu vắng giai đoạn mất trương lực cơ sinh lý trong giai đoạn giấc ngủ nghịch trường, người bệnh sống và hành động cùng với những giấc mơ của họ. Những hành động phức tạp, nhiều khi là những hành động tấn công nguy hiểm. Cũng có thể thấy rối loạn này ở những người mắc chứng ngủ rũ điều trị bằng thuốc kích thích và ở một số bệnh nhân trầm cảm dùng thuốc chống trầm cảm.
Điều trị bằng thuốc Clonazepam.
• Rối loạn trong giai đoạn giấc ngủ nông:
Chứng nghiến răng đặc trưng bởi sự co những cơ nhai làm cho răng bị mòn đi. Có thể do tình trạng stress là nguyên nhân gây ra rối loạn này.
Điều trị bằng thuốc nhóm giải lo âu Benzodiazepine.
Không dùng cho phụ nữ có thai và đang thời kỳ cho con bú.
Tóm lại, rối loạn giấc ngủ là những biểu hiện rất thườnmg gặp trong thực hành y khoa nói chung và trong tâm thần học nói riệng. Xác định rối loạn giác ngủ và nguyên nhân của các rối loạn này có một vai trò quan trọng để đưa đến một hướng trị liệu phù hợp. Việc thông tin giải thích cho người bệnh hiểu về sinh lý giấc ngủ, bệnh nguyên bệnh sinh của các rối loạn giấc ngủ cũng là việc làm rất cần thiết trong quá trình điều trị, giúp cho người bệnh giải tỏa được vấn đề tâm lý, chủ động phối hợp với bác sĩ điều trị tốt hơn. Việc dùng thuốc không phải là biện pháp duy nhất trong quá trình trị liệu và luôn luôn theo đúng chỉ định của thày thuốc. Vấn đề “vệ sinh giấc ngủ” giữ một vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị các rối loạn này.